Cô gái 27 tuổi trong hình hài bé lớp hai
Sáng chớm đông, Nguyễn Mai Lan, mặc áo khoác mỏng, gồng lưng đạp chiếc xe trẻ em màu hồng, lẫn vào đám học sinh trên đường. Đến phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, lũ trẻ đi thẳng, còn Lan rẽ vào công ty. Như mọi khi, cô gái 27 tuổi sẽ có ngày làm việc bận rộn cùng hơn 2.000 đồng nghiệp.
Trận sốt nặng năm một tuổi đã biến Lan trở thành cô bé tí hon duy nhất ở xã Yên Nguyên, Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Đến lớp 3, chiều cao của Lan dừng lại ở gần 1,3 mét, cân nặng khoảng 25 kg.
Mai Lan là con thứ hai trong gia đình có 3 người con, chỉ mình cô có vẻ ngoài khác biệt, do trận sốt nặng năm một tuổi. Ảnh: Phạm Nga. |
Chiều cao không ảnh hưởng đến năng lực học. Cô bé người Tày vẫn băng suối đến trường nhờ bố mẹ, bạn bè đưa, đón.
Lớp 6, buổi tựu trường đầu năm có cả cấp một và cấp hai, khi thầy cô yêu cầu toàn trường ngồi, chỉ mình Lan đứng. Xương khớp cứng nên cô bé không thể ngồi xổm.
"Mọi ánh mắt của các bạn mới dồn vào tôi. Các bạn chỉ trỏ, cười đùa. Tôi đứng giữa sân trường khóc tu tu, bỏ về vì tủi thân dù thầy cô động viên", Lan nhớ lại. Sau hôm ấy, cô bé tự nhủ phải chăm chỉ, để chứng minh "mình không khác biệt".
"Ngày kết thúc môn thi cuối cấp ba, Lan mệt quá, lăn ra giường ngủ, tỉnh dậy là 5 giờ chiều, nhưng đinh ninh là 5 giờ sáng. Nó cuống quýt định vào bàn học. Chạm chân vào nền đất lạnh mới nhớ đã thi xong rồi", bà Hà Thị Thiên, 48 tuổi kể về con gái.
Thích vẽ, cô nộp hồ sơ vào trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp. Mọi kiến thức phối màu, tạo hình mới tinh. Cô lúc nào cũng phải đến lớp ôn luyện sớm nhất và về muộn hơn để luyện vẽ.
Năm đó, Lan là nữ sinh duy nhất của thôn Ba Nhất và là một trong 12 học sinh của xã Yên Nguyên đậu đại học.
Một mình ở Hà Nội, mọi việc, Lan tự lo. Nhiều lần ra chợ, mấy người bán hàng nhìn cô sinh viên đại học tấm tắc "còn bé tí đã biết giúp mẹ đi chợ". Thỉnh thoảng, Lan đi chơi cùng bạn bè, hay bị nhầm là hai mẹ con. Vào rạp xem phim, cô bị nhân viên soát vé giữ lại vì "không đủ tuổi". Mỗi lần ra ngoài, Lan phải giắt túi chứng minh thư hoặc thẻ sinh viên để chứng minh.
"Thiệt thòi lớn nhất của tôi là không đủ sức khỏe để đi làm tình nguyện hay hiến máu nhân đạo. Nhìn mình, người ta lại tưởng đến xin máu chứ ai cho hiến", cô kể vui. Cuối khóa, Lan bảo vệ đồ án tốt nghiệp loại xuất sắc, điểm cao nhất toàn khóa.
Hiện tại, Mai Lan phụ trách thiết kế tại phòng mỹ thuật sản phẩm của một doanh nghiệp lớn. Ảnh: Phạm Nga. |
Một tháng sau tốt nghiệp, Lan được vào làm nhân viên thiết kế của doanh nghiệp ở phố Hạ Đình này. Cô ở một mình trong phòng trọ cấp bốn, cách chỗ làm hơn 500 mét. Bàn làm việc ở nhà là bàn học sinh. Tất cả quần áo đều mua ở cửa hàng thời trang trẻ em. "Bạn bè đến chơi đều bảo phòng cái gì cũng nhỏ xinh như phòng em bé", Lan liến thoắng kể bằng chất giọng trẻ con.
"Có lần tôi đi xe máy, thấy Lan đi bộ đằng trước cứ tưởng trẻ con. Em ấy lên xe để tôi cho đi nhờ mà nhẹ tênh như không. Đi lại vất vả, nhưng Lan chưa một lần đến muộn", anh Trần Việt Dũng, bảo vệ của công ty nơi Lan làm việc nói.
Có lần anh Dũng ngồi cùng nhóm bạn thì bắt gặp Lan. Ai cũng nhìn cô gái tí hon với vẻ hiếu kỳ, nhưng khi biết về nghị lực của cô, mọi người đều cảm phục.
Đi học hay đi làm, Lan luôn sợ ngoại hình của mình khiến bạn bè, đồng nghiệp ưu tiên quá. Hết giờ, sếp "đuổi", cô vẫn không chịu về. Được phép làm ở nhà khi thời tiết bất lợi, nhưng Lan chưa từng dùng đến quyền ưu tiên này.
"Lan bé nhưng là bé hạt tiêu. Tháng 11 này, một sản phẩm do Lan góp công lớn thiết kế đã tạo doanh thu lớn cho công ty. Hàng tháng, bình bầu nhân viên xuất sắc, Lan thường xếp thứ 3, thứ 4 trong số 13 nhân viên trong phòng", anh Đào Quang Huy, phó phòng Lan làm việc kể.
Vì là nhân viên bé nhất, đi họp, đi tập huấn, Lan đều bị "tóm" lên hàng đầu. "Ngồi với lãnh đạo, 'ngáp' một cái cũng ngại. Nhưng tôi muốn trốn cũng không được, vì có người xếp chỗ rồi", Lan vui kể.
Mai Lan trong chuyến đi chơi cùng đồng nghiệp tại Đồ Sơn, Hải Phòng năm 2016. Ảnh: M.L. |
Hơn một năm đi làm, Lan đã "tài trợ" cho bố mẹ nông dân một chuyến du lịch nước ngoài. Đồng lương của cô cũng giúp gia đình thoát nghèo. Hàng tháng, thay vì phải bao bọc con gái khiếm khuyết, bố mẹ được cô biếu quà.
"Lan là người sống vì gia đình. Thu nhập có được, cậu ấy chỉ dành phần nhỏ cho bản thân, còn lại thì mua bảo hiểm cho bố mẹ, mua xe máy cho em trai. Bạn ấy còn biếu bà nội số tiền nhỏ khi bà xây nhà", Phương, bạn thân từ ngày cấp hai của Lan, nói.
Năm nay, Lan và cô bạn thân đã đi du lịch ở 4 tỉnh thành. "Tôi nhỏ nhưng trộm vía, sức khỏe tốt, cả năm mới ốm một lần nên đi làm, đi chơi tẹt", Lan tếu táo. Thỉnh thoảng, nhờ ngoại hình tí hon, cô được miễn vé tham quan, vé xe buýt. Lan thích "tự sướng" trong các chuyến đi, đăng hình lên mạng xã hội, thay vì tự ti như ngày nhỏ.
"Tôi may mắn hơn biết bao người khi được làm công việc yêu thích, có động lực và mục tiêu trong cuộc đời. Vẻ bề ngoài rất quan trọng, nhưng nó không quyết định cuộc đời tôi", Lan cười, vuốt lại mái tóc, rồi hướng mắt về máy ảnh đang chĩa lại phía mình.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.