Vinh quang ngày Thống nhất: Về Thành cổ Quảng Trị, nước mắt tuôn trào

2025-04-27 11:13:28 0 Bình luận
“K3 Tam Đảo còn - Thành cổ Quảng Trị còn, dù phải hy sinh đến người lính cuối cùng” lời thề quyết tử của cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 3 - Tỉnh đội Quảng Trị là minh chứng hùng hồn cho khát vọng hoà bình của bao thế hệ chiến sĩ cách mạng, người dân Việt Nam.

Giữa tháng tư, tôi cùng cha - một chiến sỹ từng vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu từ năm 1967 tại chiến trường miền Tây Nam Bộ, thắp hương viếng các liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn. Hun hút nỗi buồn, hun hút niềm đau... Quảng Trị những ngày này nắng như đổ lửa. Nghĩa trang Trường Sơn dần hiện ra trước mắt chúng tôi một màu trắng bạt ngàn của những hàng bia mộ, của nắng, của khói hương nghi ngút.

Trong vọng âm của sự hào hùng xen lẫn sự bi tráng có những người lặng lẽ đứng nhìn hàng bia mộ, tôi thấy nước mắt đã rơi trên gương mặt của hai cô gái trẻ. “Mình muốn chân chạm nghĩa trang liệt sĩ Quốc Gia Trường Sơn, tận tay thắp từng nén nhang, thành kính tri ân công lao to lớn của  những liệt sĩ đã hy sinh trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc… để cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa giá trị của hòa bình, thống nhất, của độc lập, tự do”. Chị Phạm Thị Hướng Dương, đến từ Phú Yên chia sẽ.

Cũng tại nơi đây, như một cơ duyên tôi được gặp các anh hùng Tiểu đoàn K3-Tam Đảo. Tiểu đoàn tên tuổi gắn liền với cuộc chiến khốc liệt 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Đây được coi là trận chiến khốc liệt nhất trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (từ ngày 28/6 đến 16/9/1972) đã đi vào lịch sử như bản tráng ca hào hùng của quân và dân Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung.

Sự khốc liệt của cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị được thể hiện qua lời thề quyết tử của các cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn K3-Tam Đảo: “K3 Tam Đảo còn - Thành cổ Quảng Trị còn, dù phải hy sinh đến người lính cuối cùng”. Tại chiến trường vô cùng ác liệt này, hàng nghìn người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh. Xương máu của các anh đã hoà vào từng tấc đất, hòa vào mênh mang sóng nước của dòng Thạch Hãn.

Trong lần vào Thành cổ, thăm chiến trường xưa viếng đồng đội, cựu chiến binh Lê Bá Dương đã sáng tác bài thơ “Lời người bên sông”

"Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm..."

Vỏn vẹn với 4 câu thơ nhưng đã khắc họa sự hy sinh, mất mát quá đỗi lớn lao của bộ đội ta trong trận chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mà ai đọc lên cũng rưng rưng, xót xa đến xé lòng.

Hồi niệm về 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng trị, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Hán Duy Long kể lại:  Rạng sáng mùng 10/7, các đơn vị tiếp cận chốt, ngày 13 bắt đầu trận đánh đầu tiên. Ngay trận đầu tiên, đơn vị ông đã có 3 đồng chí hy sinh.

Trong 81 ngày đêm không có ngày nào không đánh nhau. Càng về cuối càng ác liệt hơn. Bầu trời Quảng Trị không có lúc nào thấy ánh sáng bởi mịt mù khói bom đạn. “Đúng 81 ngày đêm chúng tôi không được đánh răng rửa mặt, nước cũng không có. Địch chặn tuyến vượt sông, lương khô cũng thiếu. Nhưng mọi người đều gắn bó, sẵn sàng hy sinh tính mạng để cứu đồng đội". 

Điều đau xót nhất trong những ngày chiến đấu ở Quảng Trị là cái chết của hàng trăm đồng đội, đồng chí. Nó hằn in rất sâu vào ký ức của ông. Ngồi với chúng tôi sau nửa thế kỷ, ông vẫn rành rọt kể từng ngày, từng người đã từng sát cánh kề vai bên ông nằm xuống: Ngày 13/7, các anh Trần Văn Ngữ, Tạ Văn Vung, anh Cường chính trị phó; ngày 23/8 là các anh Phiên, Tam… Ngày 16/9/1972, khi quân số của Tiểu đoàn bị thương vong gần hết cũng là lúc K3 được lệnh rời khỏi Thành, kết thúc chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Từ 325 người ban đầu, không tính số quân được bổ sung, cả Tiểu đoàn chỉ còn lại hơn 10 người sống sót.

Khi đến với Thành Cổ Quảng Trị mới thấy, các anh chỉ có duy một ngôi mộ tập thể. “Đài tưởng niệm trung tâm” là biểu tượng của nấm mồ chung, của ngôi mộ tập thể đó. Sự dữ dội, quyết liệt của trận “quyết chiến chiến lược” này đã trở thành kinh điển khắc khoải, đau nhói.

Nhật ký Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi viết:

“Ngày 9 tháng 7 năm 1972

Sáng nay, Tư lệnh Lê Trọng Tấn cùng Tham mưu trưởng Mặt trận xuống trao nhiệm vụ chiến đấu cho tiểu đoàn. Tiểu đoàn K3-Tam Đảo của chúng tôi bây giờ là quân của Tỉnh đội Quảng Trị và nhiệm vụ của chúng tôi là sáng mai tất cả tiểu đoàn sẽ sang sông, chốt giữ bên trong Thành cổ Quảng Trị. Ban chỉ huy tiểu đoàn có: Tiểu đoàn trưởng Đỗ Văn Mến, Chính trị viên Nguyễn Hữu Đoài, Tiểu đoàn phó Mai Văn Đề, đồng chí Canh Trợ lý tham mưu, Chính trị viên phó Lê Binh Chủng.

Trở về Quảng Trị thắp nén hương cho những đồng đội năm xưa​​​​​​Cán bộ tham mưu có tôi là Trợ lý quân lực, Đoàn Quốc An là Trợ lý chính trị. Tất cả chúng tôi đứng nghiêm nhận lệnh. Đồng chí Tiểu đoàn trưởng thay mặt tiểu đoàn hứa với Tư lệnh: K3 - Tam Đảo chúng tôi còn thì Thành cổ Quảng Trị còn.

Rạng sáng mai, ngày 10/7, tất cả tiểu đoàn vượt sông Thạch Hãn sang Thành cổ…”

Nhớ về những trận đánh ác liệt tại Thành cổ Quảng Trị, Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi kể: trận đánh ngày 23/8/1972 là đỉnh điểm của trận đánh ác liệt tại Thành cổ Quảng Trị khi lực lượng của ta còn ít người nhưng phải đương đầu với số lượng lớn quân địch trong Đại đội lính thủy đánh bộ của Ngụy.

Lúc này, bằng sức mạnh phi thường và ý chí kiên định, đồng chí Hán Duy Long, chiến sỹ Đại đội 9 đã bắn liên tục 9 quả B40 và 1 quả B41 vào đội hình địch. Quân ta đã kiên cường đánh trả quân địch khiến chúng phải tháo chạy ra khỏi Thành cổ Quảng Trị ngay sau đó. Hết người này ngã xuống thì người khác xông lên để thực hiện lời thề với Tổ quốc với non sông.

Nhớ về người Tiểu đoàn trưởng Đỗ Văn Mến, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Trọng Can chia sẽ: sự quyết tâm của Tiểu đoàn trưởng Đỗ Văn Mến được truyền tới tất cả các anh em trên trận địa. "Chúng tôi ghi tâm, khắc cốt và thấy rằng đó là trách nhiệm của mình với Tổ quốc, là trách nhiệm của mình trước sự hy sinh của đồng đội. Những người còn sống làm sao làm tròn trách nhiệm với người đã ngã xuống, thực hiện lời thề đó dù có hy sinh đi chăng nữa. Cho đến bây giờ, chúng tôi không bao giờ quên những năm tháng chiến đấu".

Ngày 16-8-1972, K3 - Tam Đảo nhận lệnh rời Thành cổ, kết thúc 81 ngày đêm anh dũng trong chảo lửa bom đạn. Ngày 23-9-1973, với thành tích đặc biệt xuất sắc trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo đã được Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân

Đến nay, dù mỗi người ở mỗi miền đất nước nhưng hàng năm các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị vẫn gặp nhau, họ vẫn kể lại những kỷ niệm sống trong làn ranh sinh tử nhưng vẫn quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Họ vẫn đến Quảng Trị để tưởng nhớ và tri ân những người đồng đội đã anh dũng hy sinh cho độc lập, tự do, hoà bình của dân tộc Việt Nam.

Hình ảnh anh dũng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ nền độc lập dân tộc của các chiến sỹ anh hùng Tiểu đoàn K3-Tam Đảo chính là sự khát vọng hoà bình, thống nhất, non sông liền một dải của thế hệ cha ông đi trước.

Sau hơn nữa thế kỷ đã đi qua, nhưng cho đến nay dưới 16 ha diện tích của Thành Cổ, hài cốt của các chiến sỹ giải phóng quân vẫn nằm dưới đó. Mỗi lớp cỏ non là một vành máu lửa, vẫn sáng bừng theo những tháng năm. Cuộc chiến tại Thành Cổ Quảng Trị đi vào lịch sử như những trang bi tráng nhất, 81 ngày đêm thấm đẫm “máu và hoa”. Mỗi tấc đất ở thành cổ Quảng Trị là một một câu chuyện, là một cuộc đời. Khi nằm xuống, các chiến sỹ giải phóng đã để lại cho chúng ta một di sản vô giá, đó là độc lập, tự do của dân tộc.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Từ tấm bản đồ má Sáu đến Đại thắng mùa Xuân: Chuyện chưa kể của người trong cuộc

Chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử sẽ mãi mãi là động lực tinh thần to lớn để Việt Nam kiên định, vững bước trên con đường mà Đảng và nhân dân ta đã chọn là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tiếp tục công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới.
2025-04-27 17:32:33

Vũ Phong Cầm - Cựu chiến binh có tâm hồn nghệ sĩ

Quảng Ninh vừa khai mạc triển lãm 50 năm nền văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025); Phim Tài liệu “Chuyện hai người lính” của đạo diễn Vũ Phong Cầm được trưng bày tại triển lãm này, những người bạn thời kháng chiến bảo, ông là Cựu chiến binh có tâm hồn nghệ sĩ.
2025-04-27 16:31:00

Sống mãi Tiểu đoàn 1 Long An trong mũi tiến công hướng Tây Nam Sài Gòn Xuân 1975

Thời gian đi nhanh quá. Mới 30 tháng 4 năm 1975 ngày nào đỏ rực rừng cờ giải phóng mà đã 50 năm trôi qua - một nửa thế kỷ đã lùi lại ! Tôi là một chiến sỹ của Tiểu đoàn 1 Long An anh hùng, năm ấy tóc xanh phới phới tuổi xuân, vác súng trung liên, đội bom đạn lội khắp chiến trường Long An đánh giặc, nay đã bạc trắng mái đầu. Ký ức của một thời chiến tranh khốc liệt vốn không thể nào quên lại ùa về dữ dội vẹn nguyên khi đơn vị tôi cùng cả tỉnh Long An và đất nước sắp tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/2025.
2025-04-27 15:08:07

Vinh quang ngày Thống nhất: Về Thành cổ Quảng Trị, nước mắt tuôn trào

“K3 Tam Đảo còn - Thành cổ Quảng Trị còn, dù phải hy sinh đến người lính cuối cùng” lời thề quyết tử của cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 3 - Tỉnh đội Quảng Trị là minh chứng hùng hồn cho khát vọng hoà bình của bao thế hệ chiến sĩ cách mạng, người dân Việt Nam.
2025-04-27 11:13:28

Từ tấm bản đồ má Sáu đến Đại thắng mùa Xuân: Chuyện chưa kể của người trong cuộc

Chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử sẽ mãi mãi là động lực tinh thần to lớn để Việt Nam kiên định, vững bước trên con đường mà Đảng và nhân dân ta đã chọn là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tiếp tục công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới.
2025-04-27 08:25:00

Người thương binh làm giàu từ nghề đá

Trở về từ chiến tranh với thương tật 61%, ông Nguyễn Cảnh Hưng đã biến những phiến đá vô tri thành tác phẩm non bộ giá trị, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giúp hàng trăm gia đình thoát nghèo.
2025-04-26 16:20:00
Đang tải...