Có nên xây dựng nơi thờ tự trên đỉnh chung cư hay không?
Chùa trong nếp sống tâm linh người Việt
Trong tâm thức người Việt, Chùa là nơi tĩnh lặng, linh thiêng, là nơi mọi người đến nương nhờ Đức Phật để tìm chút bình an trong cuộc sống, cầu xin hạnh phúc cho gia đình.
Thế nên đã từ lâu, cây đa, bến nước, chùa làng là cấu trúc quần thể làng xã của người Việt Nam trên mọi miền đất nước.
Nếp sống ấy đã in sâu trong tâm thức người dân nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, hình ảnh về ngôi chùa tĩnh lặng đã trở thành nơi tìm về của bến đỗ tâm linh khi tuổi xế chiều…
Trong thời buổi kinh tế thị trường có sự chuyển biến mạnh mẽ như hiện tại thì đời sống tâm linh của người Việt cũng cùng với đó mà chuyển mình phù hợp.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không ít vấn đề về tín ngưỡng, tâm linh, chùa chiền đang được đưa ra bàn luận.
Những năm gần đây, việc xây dựng, tu bổ chùa để phục vụ mục đích và nhu cầu tâm linh của người dân khá được chú trọng. Do đó, sự xuất hiện của những ngôi chùa ở vị trí “khó tin” đang là chủ đề được chú ý.
Ngôi chùa được xây trên tầng thượng của tòa nhà Hòa Bình Green City. |
Điển hình là việc xây chùa trên tầng thượng chung cư, chuyện tưởng chừng không thể xảy ra, ấy vậy mà vẫn có tại những tòa chung cư cao cấp giữa lòng thủ đô Hà Nội.
Cùng với đó, thắc mắc quanh việc có nên xây dựng nơi thờ tự ở vị trí cao nhất của tòa nhà hay không cũng đang được nhiều người đặt ra và tìm lời giải đáp.
Có nên xây dựng nơi thờ tự trên đỉnh chung cư?
Ngôi chùa có tên Nam Xa Tự trên "nóc" chung cư Nam Xa La (ảnh internet). |
Ở góc độ tâm linh, nhiều người quan niệm, Chùa là nơi thể hiện tín ngưỡng, tâm linh của người dân, nên không phải ở đâu cũng xây dựng được mà phải theo quy trình, xét nhiều yếu tố có phù hợp để xây dựng nơi hương khói, thờ phụng hay không.
Vì Chùa là chốn linh thiêng, nằm hòa mình giữa thiên nhiên, phong cảnh, gần gũi với người dân, xóm langg.
Có nhiều quan điểm cho rằng việc xây dựng nơi thờ tự ở trên đỉnh chung cư là không phù hợp vì sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người dân.
Một ngôi Chùa khác trên tầng thượng của chung cư 27 Huỳnh Thúc Kháng. |
Bên cạnh đó, ngôi Chùa được xây dựng trên “nóc” của tòa chung cư, sẽ có những ảnh hưởng nhất định về mỹ quan, nên cần có những biện pháp và chế tài quản lý, thắt chặt về vấn đề mỹ quan và môi trường.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Hội viên Hội Di sản văn hóa Việt Nam: “Nếu hiểu theo nghĩa chùa là nơi thanh tịnh để tu hành, để đạt đến giác ngộ có thể thấy, việc xây chùa trên nóc chung cư là bất hợp lý, phản cảm và cũng đi ngược lại những ước mong tu hành như vậy.
Theo tôi, có lẽ những người nghĩ ra việc xây chùa trên nóc chung cư, cao tầng người ta chỉ nghĩ để tiện cho việc cầu khấn, xin xỏ Phật. Như vậy là hạ thấp và coi thường Phật” ông Nam chia sẻ.
Cùng với tín ngưỡng, tâm linh thờ phụng, cầu khấn, Chùa còn là một nét văn hóa truyền thống trong nếp sống tâm linh người Việt. Vậy nên, có thể nói, việc xây chùa trên đỉnh chung cư cao tầng trở nên trái ngược và không phù hợp với truyền thống và nét văn hóa đặc trưng của người Việt.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.