Có nên quản lý giảng viên như ở công xưởng?
Hiện nay, nhiều trường đang áp dụng cơ chế thanh tra rất gắt gao đối với đội ngũ giảng viên, từ thanh tra giờ vào lớp, giờ ra lớp đến thanh tra ghi chép nhật ký giảng dạy, nội dung và phương pháp truyền đạt... gây ức chế cho không ít giảng viên khi không còn mảnh đất để sáng tạo, linh hoạt tìm những giải pháp hữu hiệu trong giảng dạy.
Thanh tra, kiểm soát gắt gao
Việc nhiều trường ĐH thanh tra như hiện nay bắt nguồn từ một vài trường hợp giảng viên không tuân thủ kỷ luật lao động khi lên lớp. Một số giảng viên tham gia giảng dạy nhiều trường (thỉnh giảng) nên việc chạy sô không kịp thời gian dẫn đến phải vào lớp muộn hoặc cho kết thúc sớm diễn ra thường xuyên, số khác thì tham gia kinh doanh thêm bên ngoài hoặc viện cớ bận việc gia đình, đón con... nên thường xuyên vào muộn, ra sớm hoặc nghỉ đột xuất.
Nhiều lúc sinh viên phải dở khóc dở cười khi đi xe buýt gần 2 giờ để đến lớp mới biết giảng viên bận việc đột xuất không đến được. Đối với sinh viên hệ chính quy có nhiều thời gian rảnh thì việc giảng viên vào trễ, ra sớm hay nghỉ đột xuất không tác động lớn đến tâm lý người học, thậm chí số đông còn vỗ tay mừng rỡ khi được cho nghỉ (dù vẫn phải bù). Tuy nhiên, đối với hệ vừa làm vừa học thì học viên tỏ thái độ khó chịu hẳn khi phải mất thời gian sắp xếp công việc riêng để đến lớp ngồi chơi rồi về. Dù thế nào thì dưới góc nhìn của chất lượng giảng dạy, đó là những biểu hiện khó có thể chấp nhận ở môi trường giáo dục.
Chính vì lẽ đó mà nhiều trường tăng cường cơ chế thanh tra đối với đội ngũ giảng viên hiện nay, có trường còn bố trí cả một lực lượng bảo vệ kiêm chức năng thanh tra trước các dãy hành lang phòng học, thậm chí còn xuất hiện ý tưởng lắp đặt máy quét vân tay ngay tại cửa phòng học. Đi kèm với cơ chế thanh tra chặt chẽ là các quy định về khấu trừ thu nhập và bình xét thi đua, xử lý kỷ luật nghiêm khắc.
Đối phó là chính
Từ khi áp dụng cơ chế này, việc vào trễ, ra sớm hoặc nghỉ đột xuất của giảng viên giảm hẳn và được coi như là thành công trong công tác quản lý giảng viên của nhiều trường. Tuy nhiên, điều đó không đi kèm với chất lượng giảng dạy được tăng lên mà lại tạo thêm thái độ khó chịu, hằn học của giảng viên đối với đội ngũ thanh tra và phản ứng lại chính cơ chế thanh tra nghiêm ngặt của nhà trường. Bởi lẽ, nhiều giảng viên cho rằng họ được quản lý quá kỹ, từ giờ giấc đến các sổ sách ghi nhật ký giảng dạy, thậm chí can thiệp cả phương pháp và nội dung giảng dạy (vốn là chức năng của tổ bộ môn) làm cho họ thiếu tính sáng tạo, thiếu động lực giảng dạy.
Một số giảng viên phản ứng tiêu cực đối với cơ chế thanh tra bằng cách vào lớp và ra lớp không lệch một giây nhưng trong suốt buổi học thì hơn nửa thời gian dùng để điểm danh. Mỗi khi điểm danh đến bất kỳ sinh viên nào thì đều dừng lại gần 5 phút để hỏi chuyện “trên trời dưới đất” trước khi chuyển sang điểm danh người khác. Nhiều sinh viên ngao ngán với cách dạy như vậy nhưng không dám phản ứng vì sợ bị cho điểm kém trong quá trình học hoặc thi kết thúc môn.
Song song đó, cơ chế thanh tra cứng nhắc đến mức thiếu tính linh hoạt phù hợp với hoàn cảnh giảng dạy. Đôi lúc còn vài phút trước khi hết giờ học nhưng nội dung bài giảng đã kết thúc, rất dở dang khi chuyển sang nội dung mới nhưng giảng viên không thể cho về sớm. Có giảng viên linh động thì viết tựa nội dung học mới, giới thiệu đại khái nội dung rồi xóa bảng ra về nhưng cũng có giảng viên bắt người học ngồi chờ hết giờ rồi ra về. Nhìn cảnh người dạy và người học lặng yên nhìn nhau giây phút cuối với tâm lý nơm nớp lo sợ thanh tra hoặc bảo vệ, làm mất hình ảnh và uy thế của giảng viên trước sinh viên do cơ chế cứng nhắc.
Nên thay bằng cơ chế kiểm định chất lượng
Giảng viên là nhà giáo nhưng cũng là nhà khoa học, là những người có trình độ học vấn tương đối cao (thạc sĩ, tiến sĩ...) nên tâm lý và thái độ cũng có phần sĩ diện lớn. Vì vậy, cơ chế quản lý đối với đội ngũ này đòi hỏi phải có chiều sâu, tăng cường tính tôn trọng, chủ động và sáng tạo đối với họ chứ không thể áp dụng cách thức quản lý cứng nhắc như lao động trong công xưởng. Mục tiêu chính của đào tạo là chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội đang cần thì nên chăng lấy mục tiêu đó làm nguyên tắc quản lý đội ngũ giảng viên; thay cơ chế quản lý thanh tra cứng nhắc bằng kiểm định chất lượng giáo dục linh hoạt, mềm mại, khích lệ tính sáng tạo, lòng đam mê của giảng viên trong quá trình giảng dạy.
Các trường nên tăng cường đơn vị phụ trách kiểm định chất lượng giáo dục đối với người dạy. Giảng viên nên chăng chỉ có mỗi nhiệm vụ giảng dạy một cách tốt nhất; được sáng tạo, linh hoạt trong khung chương trình đã thống nhất. Người dạy không được ra đề thi và tham gia chấm thi đối với những lớp mình giảng dạy. Việc ra đề thi được đơn vị kiểm định lấy từ ngân hàng đề hoặc đặt hàng từ các đơn vị đào tạo khác (ngoài phạm vi trường) cùng chuyên môn của môn học. Chấm thi theo hình thức trắc nghiệm hoặc đặt hàng đơn vị đào tạo khác cùng chuyên môn của môn học chấm thi.
Những giảng viên giảng dạy không đạt kết quả theo kiểm định, nhà trường sẽ có cơ chế điều chỉnh theo hướng hạn chế bố trí giảng dạy, hạ thi đua hoặc thanh lý hợp đồng... Từ đó, không cần thanh tra nhưng giảng viên nào cũng ra sức trau chuốt bài giảng của mình một cách tốt nhất. Cơ chế kiểm định vừa tăng cường, bảo đảm chất lượng đào tạo vừa sàng lọc người dạy đạt chất lượng một cách mềm mại, nhân văn và cầu thị, tôn trọng người dạy.
Giảng dạy với tâm lý đối phó thời gian thì khó mà tạo được cú hích về chất lượng đào tạo. Người dạy không say mê với nghề, lúc nào cũng nghĩ về mục tiêu khác (đối phó thanh tra) trước khi nghĩ về mục tiêu chất lượng...
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.