Công an Hà Nội triệt xoá một loạt ổ nhóm chăn dắt người khuyết tật
Qua đó, cơ quan điều tra đã phát hiện bắt giữ nhiều đối tượng chăn dắt và đưa nhiều người khuyết tật trả về gia đình chăm sóc.
Cuối tháng 6 vừa qua, Đội CSĐTTP về TTXH Công an huyện Gia Lâm phối hợp với Phòng PC02 và Công an TT Trâu Quỳ phát hiện một nam thanh niên đi xe máy thường chở theo hai người đàn ông khuyết tật ở chân.
Quá trình làm việc với công an, Trần Đình Minh (người đi xe máy, 36 tuổi, ở Tổ 6 – Việt Hưng – Long Biên – Hà Nội) khai nhận thuê những người khuyết tật này và bao ăn ở, trả lương để họ đi bán tăm tre, tăm bông kiếm tiền. Phùng Sinh Lanh (32 tuổi, ở Kim Bôi – Hòa Bình) khai đã được thuê khoảng 4 năm. Còn Tạ Quang Khánh (19 tuổi, quê Thanh Sơn – Phú Thọ) làm việc được khoảng 15 tháng. Lương thoả thuận là 7 – 8 triệu đồng/tháng.
Thấy nghề ăn xin dễ kiếm tiền nên cặp vợ chồng Nga và Kiện đã tổ chức thuê và lợi dụng người khuyết tật. Ảnh: Công an cung cấp
Minh thuê nhà trọ ở gần nhà. Hằng ngày, Minh đến đưa đón và mua hai loa kéo để gây sự chú ý cho người đi đường. Minh mua tăm bông, tăm tre rồi chở Lanh và Khánh đến các khu chợ dân sinh, nơi đông người qua lại. Tại chợ, Lanh và Khánh sẽ kéo loa vừa lê lết trên đường mang theo rổ và xô nhựa đựng tiền. Mỗi ngày làm 2 ca, ca sáng từ 7h đến 10h, ca chiều từ 16h30 đến 19h. Số tiền kiếm được, Minh sẽ thu hết rồi chi trả lương cho Lanh và Khánh như thỏa thuận và trả tiền ở trọ, ăn uống, điện nước hằng tháng.
Lanh và Khánh bị khuyết tật hai chân từ bé, không tự đi lại được.
Cơ quan công an đã bàn giao Phùng Sinh Lanh và Tạ Quang Khánh cho Trung tâm công tác xã hội và Qũy bảo trợ trẻ em Hà Nội – Sở Lao động thương binh xã hội Hà Nội quản lý, nuôi dưỡng.
Chiều tối 17/6 vừa qua, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hoàng Mai phối hợp Đội 8 - PC02 Công an TP. Hà Nội kiểm tra hành chính tại khu vực Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội đối với Nguyễn Thị Nga (41 tuổi, quê Quảng Xương, Thanh Hóa). Nga khai nhận cùng với chồng là Nguyễn Văn Kiện (cùng quê) lợi dụng người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn để ăn xin, bán hàng rong kiếm tiền. Nga và Kiện đang tổ chức cho 4 người ăn xin, bán hàng rong là: Phạm Văn Nhung, Phạm Văn Tháng, Nguyễn Văn Phú, Phạm Thị Thu.
Trần Đình Minh (kẻ chăn dắt người khuyết tật trong dáng vẻ xe ôm công nghệ) - Ảnh: Công an cung cấp
Những người khuyết tật khai do không có việc làm ổn định. Từ cuối năm 2019, Kiện và Nga thấy việc ăn xin tại các ngã tư Hà Nội dễ kiếm tiền, nên Kiện và Nga đã kiếm người ở quê Thanh Hóa tổ chức cho họ bán rong xin ăn.
Hằng ngày, Kiện lấy xe máy chở ông Nhung, Tháng, Phú, Thu đi ra các cây xăng, chợ, hoăc ngã tư ở Hoàng Mai, Hà Nội từ 7h sáng.
Kiện và Nga trả lương hàng tháng từ khoảng 4-5 triệu đồng và chuyển khoản về cho người thân của những người này ở quê chứ không trả tiền lương trực tiếp. Hằng ngày ở nhà trọ, Kiện và Nga mua mì tôm để sẵn để những người khuyết tật ăn sáng; buổi trưa và tối, Kiện mua cơm bụi cho họ ăn.
Trong số người bị chăn dắt, Phạm Thị Thu là người bị chất độc màu da cam, không nhận thức được, không nói được.
Cùng thời gian này, Đội 8 PC02 phối hợp với Công an huyện Thanh Trì và Công an xã Thanh Liệt kiểm tra khu nhà cho trọ ở Thanh Liệt, Thanh Tri, Hà Nội do Trần Thị Nhung (42 tuổi; quê Đông Sơn, Thanh Hóa) thuê. Tại đây phát hiện có nhiều người già và trẻ (trong đó có Hà Văn Trường 13 tuổi, bà Lữ Thị Uôn 73 tuổi).
Hầu hết những người này đều biểu hiện bị khuyết tật, mất sức lao động, già cả. Những người này khai nhận được Nhung thuê bán hàng rong (tăm bông bút, bật lửa, kẹo cao su,... ), thỏa thuận công là 4-5 triệu đồng/tháng, thời gian làm việc từ 6h sáng đến 22h hằng ngày, bao ăn nghỉ tại nhà trọ.
Qua xác minh, Trấn Thị Nhung đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú nên chưa lấy được lời khai của Trần Thị Nhung.
Sau khi xác minh sơ bộ nhận thấy việc Trấn Thị Nhung sử dụng lao động là người dân tộc, trái quy định pháp luật.
Cơ quan công an các cấp đang củng cố hồ sơ để xử lý các đối tượng chăn dắt theo quy định pháp luật.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.