Công nghệ giám định ADN góp phần đẩy nhanh việc xác định danh tính liệt sĩ
Hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa xác định thông tin
Theo ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội): Hiện nay, cả nước có gần 1,2 triệu liệt sĩ. Công tác tìm kiếm, quy tập (TKQT) HCLS tính đến nay đã thu thập được hơn 900.000 HCLS về an táng tại các nghĩa trang trên toàn quốc. Trong đó, hơn 200.000 HCLS đã quy tập về nghĩa trang liệt sĩ chưa xác định được thông tin; hơn 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Trong những năm qua, công tác xác định danh tính HCLS còn thiếu thông tin ở nước ta được thực hiện với hai hình thức: Phương pháp phân tích di truyền (ADN) và phương pháp thực chứng (thông qua các thông tin TKQT, bằng chứng do đồng đội hoặc người dân cung cấp...). Trong đó, giám định ADN là phương pháp khoa học, đem lại kết quả cao trong việc định danh hài cốt và tìm kiếm thông tin về các liệt sĩ.
Nhân viên Trung tâm Giám định ADN tiến hành giám định ADN.
Nói về những khó khăn trong việc giám định ADN HCLS, theo PGS, TS Chu Hoàng Hà, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hiện các đơn vị giám định đang gặp thách thức lớn từ việc thu nhận ADN đạt yêu cầu cho các công nghệ phân tích hiện có. Bởi, phần lớn các mẫu hài cốt tính tới thời điểm hiện tại đều có độ tuổi từ 40 đến 100 năm nên chất lượng không bảo đảm, thậm chí có những mẫu hài cốt phân hủy mạnh kèm theo việc nhiễm vi sinh vật và các chất ức chế. Ngoài ra, đối tượng lấy mẫu sinh phẩm (da, tóc, móng tay, móng chân...) của thân nhân liệt sĩ để đối chứng thì tuổi cao, sức yếu, không ít trường hợp đã mất. Mặt khác, quy định của Nhà nước hiện nay là giám định mẫu hài cốt phải có kết quả thì mới trả kinh phí, trong khi không ít mẫu đã bị phân hủy nặng, phải thử nhiều phương pháp khác nhau, sử dụng nhiều hóa chất, nhiều nhân lực nhưng không cho kết quả thì cũng không nhận được kinh phí...
Đẩy nhanh việc giám định ADN
Trung tâm giám định ADN thuộc Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là một trong 3 trong đơn vị chủ chốt được Chính phủ giao nhiệm vụ phân tích ADN để định danh các mẫu HCLS, bên cạnh Viện Pháp y Quân đội (Bộ Quốc phòng) và Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an). Trung tâm được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, bao gồm tổ hợp 10 phòng sạch với các chức năng xử lý mẫu hài cốt và mẫu thân nhân, các phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu và phát triển, khu vực lưu trữ mẫu, khu vực kiểm định, kiểm chuẩn, hệ thống máy chủ và hệ thống văn phòng trên diện tích 750m2. Bên cạnh đó, trung tâm còn được trang bị các thiết bị phục vụ cho công việc tách chiết ADN tự động, khuếch đại và kiểm định ADN, hệ thống giải trình tự ADN thế hệ mới... Từ tháng 8-2019 đến nay, trung tâm đã tiến hành 2.870 lượt phân tích mẫu HCLS và 180 lượt phân tích mẫu thân nhân. Kết quả thu được 669 trường hợp cho ra dữ liệu ADN có chất lượng tốt có thể được dùng cho so sánh đối khớp. Trung tâm đã tối ưu hóa quy trình giám định trên các hệ máy sẵn có, tăng công suất tách chiết và phân tích từ 60 mẫu/tháng (năm 2018) lên 400 mẫu/tháng (năm 2020). Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục triển khai ứng dụng các quy trình đã tối ưu để định danh cho hơn 4.000 liệt sĩ.
Ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công đánh giá, việc Trung tâm Giám định ADN phối hợp với Cục Người có công trong việc giám định ADN HCLS thời gian qua góp phần trả lại rất nhiều danh tính liệt sĩ, giải mã được nhiều hệ gen của HCLS, thân nhân liệt sĩ để lưu trữ vào ngân hàng ADN. Ông Đào Ngọc Lợi mong muốn Trung tâm Giám định ADN đẩy nhanh hơn nữa việc tiến hành giám định ADN HCLS và tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, góp phần hiện đại hóa công nghệ giám định để thực hiện được những mẫu khó tại Việt Nam.
PGS, TS Chu Hoàng Hà cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác giám định ADN HCLS, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc hoàn thiện ngân hàng gen để tạo ra cơ sở dữ liệu đầy đủ về ADN của liệt sĩ và cả người thân, giúp việc đối chiếu, xác định danh tính liệt sĩ dễ dàng hơn...
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.