Công trình trọng điểm đường dây 220KV Trực Ninh (Nam Định): Nhiều trụ móng làm bằng bêtông trộn... đất
2016-05-30 15:23:24
0 Bình luận
Theo thiết kế, công trình đường dây 220kV Trực Ninh cắt đường dây 220kV Ninh Bình - Nam Định có tổng chiều dài 29,437km và cần trên 50 cột đỡ. Tại mỗi móng cột, để đảm bảo các hệ số an toàn, cần khoảng 300m3bêtông mác 200. Tuy nhiên, trong quá trình thi công những móng cột tại địa phận xã Đại An, huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định), phần lớn bêtông đã bị đánh tráo bằng hỗn hợp đất, cát, bùn... Sự trắng trợn này tại công trình năng lượng trọng điểm đã khiến chính những công nhân thi công cảm thấy bất bình.
Một xe rùa chứa toàn đất được đổ vào để thi công trụ móng công trình (ảnh cắt từ clip). |
Những lời gan ruột
Hai người đàn ông chất phác nhưng táo bạo này là anh em ruột, cùng trú tại xã Đại An, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Trong khi người anh Vũ Văn Thuận (SN 1970) là thợ máy thì người em Vũ Ngọc Hồi (SN 1974) là chủ máy. Ngoài công việc chính là làm nông, cuộc sống của cả hai tất tả xoay quanh chiếc máy trộn bêtông cỡ nhỏ, công suất khoảng 30m3/ngày. Trong lần đầu tiếp xúc với PV, anh Thuận thật thà bộc bạch: “Nghỉ thì cũng khó khăn đấy nhưng tôi thấy thối nát quá, lương tâm tôi không cho phép. Nhà tôi túng, nhà tôi nghèo, làm ruộng thì lấy đâu ra tiền...”.
Đưa PV đến tận hiện trường sự việc, nơi móng cột thứ nhất đã được lấp gọn gàng dưới đất, chỉ còn lộ ra những cột chờ thẳng thớm; còn móng cột thứ 2 cũng đang trong quá trình hoàn thiện, anh Thuận cho biết, khu vực thi công nằm ngay trên phần ruộng nhà anh thuộc cánh đồng Vồ (thôn An Hưng) và cũng chính tay anh điều khiển máy trộn nên biết rất rõ những sai phạm đã diễn ra tại công trình này, đặc biệt tại móng đầu tiên.
Theo lời kể, khoảng cuối tháng 3.2016, ông Nguyễn Văn Toán - Đội trưởng Đội thi công - đã liên lạc với em trai anh là anh Vũ Ngọc Hồi để bàn thảo về việc thuê máy trộn cùng nhân công. Theo thỏa thuận, anh Hồi sẽ phụ trách trộn toàn bộ số bêtông cho 2 móng cột với khối lượng khoảng trên 600m3. Sau khi trải xong lớp bêtông lót, đến ngày 19.4, hai anh em được gọi đến để trộn bêtông đổ vào khoang móng. Tuy nhiên theo phản ánh, vai trò chính của chiếc máy trộn tại công trường chỉ để... làm cảnh, bởi phần lớn hỗn hợp được đổ xuống khoang móng lại là đất, cát, đá... được trộn ào ào qua loa. Đáng lưu ý, việc làm trắng trợn này diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật mà không gặp bất cứ rào cản nào từ bộ phận giám sát.
Anh Thuận bức xúc nhớ lại: “Đây là công trình quốc gia, rất lớn như vậy mà tôi không thấy bóng dáng ông giám sát nào, toàn thợ là thợ. Cái máy bêtông của tôi trộn trung bình là 1 bao một ben, nhưng đây chỉ nửa bao, mà cái có cái không, chủ yếu là đưa máy múc đổ tràn vào, chỉ toàn đất cả cát, chứ làm gì có ximăng...”.
Hình ảnh chất lượng bêtông toàn bằng đất, đá tại công trình. Ảnh: Người dân cung cấp gãy đổ. |
Mở cho PV xem những hình ảnh khủng khiếp về quá trình thi công được ghi lại một cách vụng về bằng điện thoại di động, anh Thuận tiếp tục nói bằng giọng gay gắt: “Tôi thấy nó không đúng, lại đúng thời điểm ấy có vụ cột điện gãy đổ ở Bắc Giang, cứ bên này đổ lỗi cho bên kia mãi không tìm được nguyên nhân, nên tôi nghĩ nếu mình mà không báo sớm thì nó lại đổ, lúc ấy biết làm sao. Anh em tôi sẵn sàng thế chấp cả gia tài để mời người về kiểm định, bảo múc chỗ nào thì các ông múc lên, tôi cam đoan không có ximăng đâu, toàn cát với đá thôi”.
Cũng theo lời người đàn ông này, trong quá trình thi công phần móng cột điện thứ 2 trong khoảng thời gian đêm 21, rạng sáng 22.5, anh cũng lội tắt ruộng lúa để xâm nhập vào khu vực thi công để xem xét (có ghi hình). Theo đó, tình trạng tương tự cũng lặp lại khi dưới móng chỉ có đất, đá và cát, không hề có ximăng...
Dàn dựng vì mâu thuẫn công việc?
Theo tìm hiểu của PV, 2 cột móng bị phản ánh để xảy ra tiêu cực trên thuộc công trình “đường dây 220kV Trực Ninh cắt đường dây 220kV Ninh Bình - Nam Định”. Đây là công trình năng lượng cấp I, nhóm B do Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1 tư vấn thiết kế, Liên danh Công ty Cổ phần Sông Đà 11 và Công ty Cổ phần Xây lắp điện 1 thực hiện thi công. Ông Nguyễn Văn Toán là Đội trưởng Đội thi công của Chi nhánh Công ty Cổ phần Sông Đà 11.
Sáng 24/5, trong buổi làm việc với PV, sau khi xem qua một số hình ảnh được cung cấp về quá trình thi công, ông Lê Văn Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà 11 - tỏ ra vô cùng bất ngờ. Ông khẳng định, nếu những hình ảnh đó là sự thật, thì việc làm của đơn vị cấp dưới là “không thể chấp nhận được”. Cũng trong buổi làm việc, ông Đỗ Quang Cường - Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 11.7 - còn nói, lương tâm nghề nghiệp không bao giờ cho phép những người làm công tác xây dựng đổ đất xuống hố móng. Cả hai vị lãnh đạo cam kết sẽ cho kiểm tra ngay và làm rõ những phản ánh tiêu cực tại công trình năng lượng quan trọng này.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nói, không ngoại trừ khả năng dàn dựng. “Ban đầu anh đứng lên tố cáo được thuê máy trộn bêtông nhưng anh này ép giá nên anh em không thuê nữa thì có thể lúc đấy anh ta không hài lòng. Không dám khẳng định nhưng rất có thể động cơ cũng vì kinh tế do không được tiếp tục thuê nên anh này hậm hực. Tôi khẳng định là không bao giờ công ty tôi tổ chức hoặc làm được việc như thế. Chưa bao giờ làm cái này và có thể hình ảnh là do dàn dựng. Nếu cần thiết, chúng tôi sẵn sàng đào tung lên để kiểm tra, thẩm định...” - vị Tổng Giám đốc Sông Đà 11 cho biết.
Liên quan đến những “hình ảnh biết nói” tại công trình xây dựng đường dây 220kV này, sáng cùng ngày, PGS-TS Nguyễn Quang Viên - chuyên viên Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước về công trình xây dựng - khẳng định, những việc làm của đơn vị thi công là “lừa dối” và “không chấp nhận được”. Theo lời vị chuyên gia, nếu chỉ quan sát phần trên đất, thì cột chờ rất đẹp mắt, chất lượng bêtông cũng rất tốt nhưng bên dưới sự thực “bung bét” như thế thì rõ ràng là sự lừa dối. “Theo hình ảnh quan sát thì chắc chắn chất lượng bêtông không đảm bảo. Không ai đổ bêtông như thế cả. Bêtông phải có đủ 4 thành phần là cát, đá, xi, nước. Đây thì chỉ thấy đất, đá, cát... Đến nước còn không có thì làm sao thành bêtông được” - PGS-TS Viên nói.
Theo lời giải thích của vị chuyên gia có 25 năm hoạt động trong lĩnh vực giám sát các công trình, thì việc chất lượng bêtông không đảm bảo sẽ dẫn đến nước xâm thực vào bên trong, gây gỉ thép, làm nứt móng, giảm tuổi thọ và giảm cả khả năng chịu lực. Trong trường hợp cụ thể được phản ánh, về lâu về dài sẽ xảy ra hiện tượng lún không đều, gây nghiêng cột điện và dẫn đến gãy đổ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo laodong.com.vn