Công ty con của Viettel bị xử phạt vì xả chất thải ảnh hưởng đến môi trường vịnh Bái Tử Long
Nhận được phản ánh của người dân về việc Công ty CP xi măng Cẩm Phả xả thải xuống vịnh Bái Tử Long, UBND TP Cẩm Phả đã cử lực lượng chức năng đi kiểm tra.
Sau khi kiểm tra, ngày 12/4/2018, Đội Kiểm tra Trật tự đô thị và Môi trường TP Cẩm Phả đã có Tờ trình số 94/TTr-Đội KTTTĐT&MT gửi UBND TP Cẩm Phả về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty CP xi măng Cẩm Phả.
Clip xả ra môi trường biển của Công ty CP Xi Măng Cẩm Phả. Nguồn: BVPLNgày 20/4/2018, UBND TP Cẩm Phả có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1274/QĐ-XPVPHC xử phạt Công ty CP xi măng Cẩm Phả số tiền là 60.000.000 đồng.
Trong quyết định xử phạt nêu rõ, Công ty CP xi măng Cẩm Phả không có biện pháp thu gom clinker trong quá trình vận chuyển xuất cảng khiến cho clinker rơi vãi xuống biển (Vịnh Bái Tử Long). Cụ thể, hành vi này của Công ty CP xi măng Cẩm Phả đã vi phạm điểm b, khoản 4, điều 10 của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 về Quy định phạt hành chính trong lĩnh vực Bảo vệ Môi trường.
Sau khi xử phạt, UBND TP Cẩm Phả cũng yêu cầu Công ty CP xi măng Cẩm Phả thực hiện đầy đủ các nội dung trong đề án môi trường đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt.
Biên bản vi phạm hành chính của Công ty CP Xi măng Cẩm Phả |
Cũng theo UBND TP Cẩm Phả cho trả lời báo chí cho biết Công ty CP xi măng Cẩm Phả đã nhiều lần bị xử phạt vì phát tán bụi ảnh hưởng đến môi trường, theo CLXH.
Những vi phạm này hoàn toàn trái ngược với khẳng định của ông Hoàng Quang Thoa, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Cẩm Phả: Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm tới vấn đề môi trường và các hoạt động tuyên truyền, giáo dục người lao động về phát triển bền vững. Mục tiêu “Công viên trong Nhà máy, Nhà máy trong Công viên” được đơn vị xác định quan trọng nhất bên cạnh việc ổn định sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Ngay từ khi đầu tư Nhà máy, Chủ đầu tư đã xác định công tác sản xuất kinh doanh phải đi liền với bảo vệ môi trường và phải đặt lên hàng đầu. Do vậy, Công ty CP Xi măng Cẩm Phả đã đầu tư dây chuyền thiết bị tiên tiến hiện đại của Nhật Bản và các nước EU/G7 với yêu cầu chỉ tiêu môi trường khắt khe hơn so với tiêu chuẩn của Việt Nam quy định. Đơn vị đã tiên phong trong ứng dụng và nghiên cứu các công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, đẩy mạnh triển khai các sáng kiến và giải pháp kỹ thuật để cải tiến quy trình công nghệ với mục tiêu làm cho môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp hơn. Ngoài ra, công ty đã tiến hành nghiên cứu và sử dụng thành công phế thải của các ngành công nghiệp khác như xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao luyện thép, tro bay nhiệt điện, thạch cao nhân tạo... Qua đó góp phần đáng kể vào công tác bảo vệ môi trường của toàn xã hội (Báo Quảng Ninh).
Được biết, dư án xây dựng Nhà máy Xi măng Cẩm Phả được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2002 với tổng mức vốn đầu tư trên 6.000 tỷ đồng. Chỉ sau 3 năm hoạt động, Xi măng Cẩm Phả đã liên tục báo lỗ với luỹ kế lên đến 1.588 tỷ đồng (chưa kể lỗ chênh lệch tỷ giá là 213 tỷ đồng). Đến hết năm 2012, cổ đông lớn là Vinaconex nắm 99,63% vốn đã phải trả nợ thay cho Xi măng Cẩm Phả là 2.393 tỷ đồng, khiến Vinaconex gặp nhiều khó khăn về tài chính và không còn đủ nguồn lực để tiếp tục hỗ trợ cũng như trả nợ thay cho doanh nghiệp này.
Trước tình hình đó, ngày 24/10/2013, Vinaconex ký hợp đồng bán 70% vốn cổ phần của Xi măng Cẩm Phả cho Tập đoàn Viettel. Kèm theo việc bán cổ phần sẽ là bán cả phần nợ của Xi măng Cẩm Phả do Vinaconex bảo lãnh. Sau khi mua 70% vốn cổ phần của Xi măng Cẩm Phả, Viettel ngoài việc tái cấu trúc doanh nghiệp, Viettel còn phải xử lý các khoản nợ ngân hàng mà công ty phải gánh.
Như vậy, song song với việc tái cấu trúc để Công ty CP xi măng Cẩm Phả ổn định hoạt động, Tập đoàn Viettel cũng cần giám sát chặt chẽ hơn nữa các hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển của Vịnh Bái Tử Long, Quảng Ninh, đừng để dư luận cho rằng nhà máy xi măng Cẩm Phả đang có tác động xấu tới cảnh quan và môi trường của Vịnh Hạ Long.
Bởi ngay sau khi Công ty CP Xi măng Cẩm Phả hoạt động, theo Báo SGGP đăng tải, UNESCO đã gửi văn bản tới UBND tỉnh Quảng Ninh, yêu cầu đánh giá tác động việc xây dựng Nhà máy Xi măng Cẩm Phả đối với vịnh Hạ Long. Bởi, nhà máy xi măng này đặt gần vịnh và có quy trình khai thác đất sét rồi chuyển về khu sản xuất bằng sà lan chạy ngang qua vịnh Bái Tử Long, có thể sẽ làm ô nhiễm môi trường nước, không khí, cảnh quan của vịnh. Mặt khác, việc vận chuyển các nguyên, nhiên liệu như than, clinker, phụ gia... trên cầu tàu được thiết kế "ăn" rộng ra biển tới 4km chắc chắn không khỏi làm ô nhiễm môi trường nước.
Dư luận đang băn khoăn với việc để cho clanke rơi xuống biển, Công ty CP Xi Măng Cẩm Phả đã khắc phục sự cố như thế nào để không ảnh hưởng đến môi trường biển?
Hoanhap.vn sẽ tiếp tục thông tin!
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.