Công ty XKLĐ Labcoop.,JSC tiếp tục lừa người lao động?!
Trong bài: “Thị trường XKLĐ: Lại thêm doanh nghiệp mang con bỏ chợ”, Hòa Nhập đã phản ánh những việc làm coi thường đạo lý, pháp luật của lãnh đạo Labcoop.,JSC và giám đốc Trung tâm XKLĐ Hồng Phát (đơn vị trực thuộc DN này).
Đã 1 tháng trôi qua kể từ khi lao động về nước trong tình trạng “bị tàn phế”, phía Lapcoop.,JSC vẫn thờ ơ, vô cảm. |
Sau khi lao động Trương Văn Quý bị tai nạn, thông qua môi giới là bà Vân (phía Việt Nam), Labcoop.,JSC đã “mặc cả” với gia đình nạn nhân là “chỉ hoàn lại 1000USD” trong tổng số 5.200USD họ đã nộp cho công ty trước khi xuất cảnh sang Đài Loan với lý do là: Số tiền 4.200USD đã chi phí hết cho các việc: xin vida, làm thủ tục xuất cảnh, mua vé máy bay, trả tiền viện phí ở nước ngoài.
Khi người lao động về nước và có đơn, biết không thể trốn tránh trách nhiệm, Labcoop.,JSC lại “nâng” số tiền phải hoàn trả lại cho nạn nhân lên 3.900USD. Cho đến khi nạn nhân phản ứng gay gắt cùng với sự vào cuộc của một số phóng viên báo chí và sự lên tiếng của Hòa Nhập, DN này mới chấpnhận hoàn trả lại 5.200USD cho người lao động.
Điều đáng nói về thái độ của lãnh đạo Labcoop.,JSC là, khi người lao động phải về nước vì tai nạn lao động, họ không cử cán bộ, nhân viên ra sân bay đón để động viên, chia sẻ rủi ro với nạn nhân. Trong suốt quá trình nạn nhân nằm điều trị tại Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội), Lapcoop.,JSC chỉ cử nhân viên đến thăm 1 lần với “món quà an ủi” là 300 ngàn đồng.
Khi thăm bệnh nhân, đại diện Lapcoop., JSC chỉ nhằm mục đích là “mặc cả” số tiền của người lao động được hoàn trả lại từ 1000USD lên 3.900USD mà không hề hỏi thăm về tình trạng sức khỏe, không hứa hẹn về việc công ty sẽ chi trả viện phí.
Bao giờ lãnh đạo Labcoop.,JSC mới chịu nhận trách nhiệm của mình về tình trạng sức khỏe của người lao động sau khi bị tai nạn? |
Biết không thể “quỵt” được số tiền 5.200USD của nạn nhân, trong khi lao động Trương Văn Quý đang nằm trên giường bệnh, lợi dụng áp lực của gia đình từ khoản nợ ngân hàng đã vay cho Quý đi XKLĐ, nhân viên của Labcoop.,JSC đã “dụ dỗ” bố và vợ nạn nhân (đang chăm sóc Quý tại bệnh viện), viết “giấy xác nhận” là Quý bị thoát vị đĩa đệm trước khi sang Đài Loan thì mới chấp nhận hoàn trả 5.200USD. Tất cả những việc làm gian dối nói trên, chắc chắn sẽ không bao giờ lừa được các cơ quan bảo vệ pháp luật!
Điều 142 Bộ Luật Lao động quy định rõ: “Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Quy định này được áp dụng đối với cả người học nghề, tập nghề và thử việc; Người bị tai nạn lao động phải được cấp cứu kịp thời và điều trị chu đáo; Tất cả các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các sự cố nghiêm trọng tại nơi làm việc đều phải được khai báo, điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ theo quy định của Chính phủ”.
Ngoài Trung tâm XKLĐ Hồng Phát, còn đơn vị trực thuộc nào của Labcoop.,JSC vô trách nhiệm với người lao động? |
Tuy nhiên, theo nguồn tin từ Cục Quản lý Lao động ngoài nước, cho đến nay, Labcoop.,JSC vẫn chưa có văn bản và các giấy tờ liên quan báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về vụ việc này. Kết quả khám, chụp cộng hưởng từ và điều trị của Trương Văn Quý tại Bệnh viện Quân y 354 và 103 cho thấy: Quý bị thoát vị đĩa đệm đốt sống lưng L4-L5; L5-S1. Sau khi bị tai nạn, chủ sử dụng lao động phía Đài Loan đã đưa Trương Văn Quý tới các cơ sở y tế để chữa trị nhưng không có hiệu quả nên ngày 26/11/2017, lao động Trương Văn Quý đã bị chủ sử dụng lao động trả về nước trong tình trạng không đi lại được.
Về bồi thường, điều 144 và 145- Bộ luật Lao động quy định người sử dụng lao động phải: “Thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế; Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị”; “Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội”.
Trong trường hợp người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động, tại điều 145 Bộ luật Lao động nêu rõ: Người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động: “Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%; Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên”
Trường hợp do lỗi của người lao động “thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này”.
Trong khi lao động đang nằm trên giường bệnh, thay vì động viên, chia sẻ với gia đình, Labcoop.,JSC lại “ép” nạn nhân ký các giấy tờ liên quan đến “thanh lý hợp đồng” thì mới chịu trả lại tiền. |
Luật Lao động quy định rất rõ là vậy, nhưng cho đến nay, lao động Trương Văn Quý chưa được Labcoop.,JSC chi trả bất cứ khoản tiền nào ngoài số tiền phải hoàn trả cho nạn nhân nói trên.
Được biết, sau khi nhận được thông tin do Hòa Nhập phản ánh và đơn kiến nghị lần thứ 2 của nạn nhân, sáng ngày 26/12/2017, ông Nguyễn Gia Liêm- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã ký văn bản gửi Công ty CP Nguồn nhân lực và Phát triển Kinh tế hợp tác yêu cầu báo cáo giải trình về nội dung báo chí phản ánh. Trao đổi với phóng viên Hòa Nhập, ông Liêm nói: “Cục sẽ yêu cầu Labcoop., JSC báo cáo đầy đủ về vụ việc. Nếu DN sai, sẽ phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.