Cựu chiến binh làm nông, trồng cây ăn quả thu về hàng trăm triệu đồng/năm
Ông Nguyễn Đức Hùng (SN 1957, sống tại óm Ấp Chè, xã Văn Hán, huyện Đông Hỷ, Thái Nguyên) là cựu chiến binh, mang 61% tỷ lệ thương tật. Hiện, ông là Chi hội trưởng Chi hội CCB xóm Ấp Chè, là tấm gương thương binh vượt khó làm kinh tế giỏi ở địa phương.
Sau khi đất nước hòa bình, ông Hùng trở về quê nhà sản xuất nông nghiệp như bao người dân khác. Tuy nhiên, thu nhập từ công việc thuần nông chẳng đáng là bao, khiến ông vô cùng trăn trở để thoát nghèo. Trải qua năm tháng, vợ chồng ông Hùng cùng nhau bươn chải, xoay đủ thứ nghề để kiếm sống, từ trồng ngô, cấy lúa, sao chè, rồi nuôi lợn, gà và cả buôn bán nhỏ lẻ...
Cựu chiến binh Nguyễn Đức Hùng là tấm gương phát triển kinh tế giỏi (Ảnh: Báo Thái Nguyên)
Sau đó, tận dụng diện tích đất vườn đồi khoảng 10.000m2, ông đi khắp nơi tìm hiểu về cách trồng và kỹ thuật chăm sóc bưởi Diễn. Năm 2008, ông mang cây bưởi Diễn về trồng và đến năm 2012, ông cải tạo khu đất của gia đình, trồng cây ăn quả với 120 gốc bưởi Diễn, còn lại là bưởi da xanh và bưởi đỏ.
Đến năm 2015, 120 gốc bưởi của gia đình ông Hùng đã cho nguồn thu nhập đầu tiên, tuy còn rất khiêm tốn với chỉ vài triệu đồng. Đến năm 2020, nguồn thu nhập từ bán bưởi của gia đình chưa vượt ngưỡng 20 triệu đồng/vụ, nhưng ông Hùng đã tự tin khẳng định chất lượng quả bưởi trồng trong vườn nhà không thua kém bất cứ vùng trồng bưởi nào tại Thái Nguyên. Ngoài trồng cây ăn quả, gia đình ông còn nuôi gà dưới tán cây cho thu nhập từ 16-18 triệu đồng/năm; thu mua chè khô bán cho các đầu mối… Tổng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, dịch vụ và ngành nghề khác của gia đình ông Hùng hiện đạt trên 350 triệu đồng/năm. Với nguồn thu nhập trên, vợ chồng ông đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, mua sắm được các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, nuôi dạy các con nên người.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, ông Hùng còn nhiệt tình giúp đỡ, chỉ dẫn bà con trong xóm kinh nghiệm trồng bưởi Diễn. Ông đã đứng ra thành lập HTX bưởi Văn Hán với 10 xã viên, trong đó có tới 8 xã viên là hội viên Hội CCB. Với vai trò là Giám đốc HTX bưởi Văn Hán, ông đã cùng Ban Giám đốc xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh cho từng năm. Những năm đầu, HTX tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc cây bưởi trong giai đoạn kiến thiết cơ bản và giai đoạn kinh doanh cho xã viên. Những năm tiếp theo, ông cùng các xã viên quyết tâm xây dựng HTX phát triển theo chiều sâu, tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế hợp tác; thực hiện đăng ký về an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nhãn mác, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm trên thị trường.
Tương tự, cựu chiến binh Phan Công Thi SN 1954, thôn Hoa Sơn, xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) cũng là tấm gương làm giàu. Năm 1984, ông trở về quê với vết thương ở tay, thương tật 41%, hạng 4/4, hưởng chế độ thương binh và chất độc da cam.
Mô hình phát triển kinh tế trên đồi hoang giúp ông Thi có thu nhập cao (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)
Theo lời dạy của Bác Hồ - “thương binh tàn nhưng không phế”, ông Thi luôn trăn trở tìm cách xây dựng kinh tế. Được bố mẹ để lại cho 5 ha vườn đồi ở thôn Hoa Sơn, năm 1990, ông Thi cùng vợ con chuyển đến dựng nhà, khai hoang lập nghiệp.
Địa hình đồi dốc, hoang sơ, thời điểm đầu máy móc nhiều khi không thể vào để hỗ trợ việc cải tạo, có lúc ông Thi phải cột dây vào từng tảng đá lớn dùng trâu kéo rồi dùng sức người để san ủi. Ông nghiên cứu kỹ đặc điểm từng khoảnh đất và quy hoạch từng vùng để cải tạo trồng cây ngắn ngày nhằm “lấy ngắn nuôi dài”…
Đàn trâu cho gia đình ông Thi thu nhập 30 triệu đồng/con (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)
Ông còn xin xã cấp thêm 30ha để xây dựng mô hình nông lâm kết hợp. Để có thể rút ngắn thời gian xây dựng mô hình, ông Thi đã tự mày mò tìm hiểu cách làm và đi đến các huyện khác học mô hình trang trại nông lâm kết hợp, tích lũy thêm kiến thức.
Có đất, có cách làm rồi nhưng vốn không có, ông Thi làm hồ sơ gửi lên chính quyền vay theo diện ưu đãi, kết quả, ông được duyệt cho vay 50 triệu đồng. Chừng đó cũng không đủ nên ông vay thêm anh em, bạn bè.
Vùng đồi cằn cỗi ngày nào nay đã được phủ xanh bằng 30 ha rừng, vườn ao chuồng (21 ha trồng keo). Với diện tích keo cứ sau 4-5 năm thu hoạch, bán luân phiên mỗi lứa, ông Thi thu vài trăm triệu đồng.
Ngoài trồng keo, ông Thi đào ao rộng hơn 1 ha thả hơn 1 tấn cá leo, cá chép, cá rô phi, trồng thêm cây cảnh bán để có tiền “lấy ngắn nuôi dài”. Bên cạnh đó là đàn trâu gần 50 con đã nuôi gần 2 năm có giá bán từ 25-30 triệu đồng/con cũng tăng thu nhập cho trang trại của ông.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.