Cựu chiến binh Trường Sơn Hồ Bá Huệ - Người con Kẻ Bể vùng bãi ngang miền duyên hải xứ Nghệ
Tháng 6 năm 1966, khi chưa tròn 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông đã chia tay gia đình, quê hương, đồng ruộng, lên đường nhập ngũ. Khí thế hừng hực trong ông khi biết mình sẽ được đi ngay lên tuyến đầu và Trường Sơn, mặc dù chưa biết trước nhiệm vụ mình sẽ làm gì.
Rời quê hương vào tuyến lửa Trường Sơn khi đã bước vào giai đoạn 2 của quá trình xây dựng tuyến đường lịch sử. Đó là giai đoạn củng cố và phát triển từ gùi thồ hàng trên vai bộ đội, sang giai đoạn phá đá mở đường xuyên rừng rậm để những chuyến xe hàng hoá, trang bị vũ khí và con người ngày đêm qua lại đi vào tuyến lửa chiến trường Quảng Trị, Khu 5 và Đông Nam Bộ.
Khi mới nhập ngũ, ông được đưa về đơn vị công tác ở chiến trường C72, D734, BTL 500. Sau sát nhập vào đoàn 559 Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Sau thời gian huấn luyện, trên cương vị là một chiến sỹ lái xe ô tô vận tải chiến lược ông chạy cung tuyến nối các điểm giao liên, Binh Trạm. Trên tuyến đường Trường Sơn những năm tháng ác liệt đó, không biết bao nhiêu trận đánh đã diễn ra, máy bay địch hoạt động đánh phá. Năm 1972 ông bị bom vùi được chuyển thương ra an dưỡng tại Quân khu Việt Bắc. Sức khỏe hồi phục đến 1974 được điều về xây dựng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Hà Nội.
Cựu chiến binh Hồ Bá Huệ.
Về với đời thường, đã nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc, ông làm hết các cương vị từ Phó chủ tịch Hội Truyền Thống Trường Sơn huyện Diễn Châu, bí thư chi bộ,…Dù ở cương vị nào, phẩm chất bộ đội Trường Sơn trong ông luôn toả sáng.
Chia sẻ trong hội nghị tổng kết công tác hội năm 2021, ông xởi lởi bộc bạch: “Tôi làm công tác Hội CCB - Hội Trường Sơn của huyện tính từ năm 1999 đến giờ là ba đời chủ tịch, chuyên làm cấp phó, không lên cấp trưởng được. Đời chủ tịch mới được leo lên ô tô con, đưa đón để đi 31 cơ sở xã thị khắp huyện mất hơn một tuần. Trước đây tôi đi xe đạp, rồi sang xe máy cà tàng “cày” suốt cả tháng. Đội mưa đội gió Lào đi suốt, người ngợm xơ xác như áo tơi hết đát, vợ tôi thấy rất lo lắng”
“Đồng đội tôi hơn 10 ngàn người còn nằm lại Trường Sơn ! Mong trời thương cho sức khỏe, hương hồn đồng đội phù trì mà qua bát thập, tôi còn hoạt động tốt. Tôi hoạt động công tác xã hội đền ơn trả nghĩa, vì nghĩa tình đồng đội để kết nối, sẻ chia yêu thương” Ông nói với nhiều hi vọng
Được biết, hội Truyền Thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyện Diễn Châu được thành lập khá sớm. Chỉ sau khi được sự quan tâm sát sao của tỉnh Hội Trường Sơn Nghệ An, cấp ủy và các đoàn thể ở địa phương. Ban thường vụ Hội đã về huyện trực tiếp chỉ đạo, cơ cấu lại nhân sự. Đến nay phong trào ở Diễn Châu đã khởi sắc trông thấy.
Gần đây Hội Truyền Thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyện Diễn Châu do ông làm hội phó đã bứt phá có nhiều việc làm đáng ghi nhận. Được UBND tỉnh Nghệ An tặng bằng khen do nỗ lực phấn đấu.
Ông quá nhiệt tình, tích cực xốc vác, vác tù và ở cái tuổi 80 mà khiến cho nhiều người vừa phục, vừa thương. Ngoài công tác Hội CCB - Hội Trường Sơn, Hồ Bá Huệ còn có nghề gia truyền khá nổi tiếng vùng Phủ Diễn - Bốc thuốc nam cho nhân dân trong vùng.
Ông đã chữa lành cho rất nhiều người, kể cả bệnh nhân được bệnh viện trả về. Ông nhiệt tình đội mưa gió ông đi, cứ ai gọi là có mặt, miễn sao họ thoát được lưỡi hái tử thần là ông vui “Mình giúp đời là chính” - Ông nói.
Một hình ảnh đẹp về phẩm chất người lính với bản chất mộc mạc, thật thà đến chân quê. Cộng thêm cái nghề bốc thuốc thuận lợi cho việc đối nội, đối ngoại. Khiến nhiều người yêu mến ông. Như bản chất người lính trong ông vậy.
Tâm huyết của một người lính Trường Sơn, ông coi việc tham gia công tác xã hội là trách nhiệm của người lính cụ Hồ, thêm niềm vui tuổi già. Cái làm được lớn nhất trên cương vị Phó chủ tịch Hội Truyền Thống Trường Sơn huyện Diễn Châu là tạo nên sự đồng sức đồng lòng, trung tâm đoàn kết, động viên mọi đảng viên và quần chúng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.