Đại án OceanBank: Giữa năm bị mua 0 đồng, “cuối năm báo lãi 1.000 tỷ”
Sáng 9/9, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội tiếp tục phiên xét xử vụ án Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm trong đại án kinh tế xảy ra tại OceanBank.
“Lãi hơn 1.000 tỷ ngay sau khi bị mua 0 đồng”
Trong phiên toà lần này, OceanBank tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn dân sự. Tại toà, bà Vũ Thị Kim Ngọc, đại diện theo uỷ quyền của OceanBank đề nghị Toà tuyên buộc các bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho ngân hàng số tiền hơn 1.500 tỷ đồng.
Bà Vũ Thị Kim Ngọc, đại diện theo uỷ quyền của OceanBank tại phiên Tòa ngày 9/9.
Trả lời câu hỏi của luật sư Nguyễn Minh Tâm (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn) về số tiền 1.576 tỷ đồng, căn cứ vào đâu mà OceanBank cho là thiệt hại của ngân hàng và đòi bồi thường, bà Ngọc cho biết, ngân hàng xác định khoản tiền 1.576 tỷ đồng là được chi ra từ 3 tài khoản của OceanBank, tức là rút ra từ ngân hàng.
Cơ qua điều tra xác định việc hạch toán vào tài khoản 801 là không đúng quy định. Theo kết quả giám định thì khoản này không có khả năng thu hồi nên xác định đó là thiệt hại của OceanBank.
Tuy vậy, luật sư Tâm cho rằng, việc xác định thiệt hại phải dựa trên cơ sở đầu vào, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đầu ra thì mới biết có thiệt hại hay không. OceanBank chỉ căn cứ vào chính bản cáo trạng, nhưng nghĩa vụ chứng minh thuộc về ngân hàng chứ không phải cơ quan giám định.
Đại diện OceanBank cho rằng, việc hạch toán khoản chi là trái quy định, tới thời điểm này không có khả năng thu hồi nên bị coi là thiệt hại.
Trước đó đã rất nhiều lần tại các phiên toà, bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch OceanBank một mực khẳng định 1.576 tỷ đồng bị quy kết trong cáo trạng không phải là thiệt hại mà đó là khoản chi lãi ngoài để huy động vốn, từ đó thu lợi nhuận về cho ngân hàng.
Bị cáo là cổ đông lớn nhất OceanBank, không đời nào bị cáo hồ đồ tự làm thiệt hại cho ngân hàng của mình”, bị cáo Thắm nói.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Thị Nga, nguyên Trưởng Ban Tài chính kế toán của ngân hàng tỏ ra rất bức xúc trước việc OceanBank đòi bồi thường.
“Bị cáo nghĩ tất cả đã được thể hiện rõ, chi phí đó mà xét là thiệt hại không ai có thể chấp nhận được. OceanBank là đơn vị kinh doanh, nếu xét khoản chi cho đó là thiệt hại thì đại diện ngân hàng nên về xem xét lại toàn bộ lợi nhuận ngân hàng là từ đâu? tại sao lại ra kết luận thiệt hại lại chỉ xem xét đến chi phí? Bị cáo không thấy thỏa đáng, bị cáo không đồng ý”, bị cáo Nga nói.
Cũng theo bị cáo Nga, sau khi ngân hàng bị mua 0 đồng, bị cáo vẫn còn làm Giám đốc khối Tài chính thêm một năm nữa. Do đó, báo cáo tài chính cuối năm 2015 là do chính bị cáo ký.
“Lợi nhuận ngay lập tức sau khi ngân hàng bị mua 0 đồng là hơn 1.000 tỷ đồng vào cuối năm đó. Đến bây giờ con số thu hồi nợ có thể đã hơn 5.000 tỷ đồng”, bị cáo Nga khai.
Bị cáo Nguyễn Minh Thu, nguyên Tổng giám đốc OceanBank tại Tòa
Lãnh đạo Lọc hoá dầu Bình Sơn nhận gần 19 tỷ đồng?
Cũng tại phiên toà sáng nay, bị cáo Nguyễn Minh Thu, nguyên Tổng giám đốc OceanBank, trong khoảng thời gian từ tháng 7/2012 đến tháng 6/2014, Thu đã nhiều lần đến thăm và chi tiền chăm sóc cho lãnh đạo Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn khoảng 19 tỷ đồng.
Cụ thể, Thu khai đã gửi Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn là ông Nguyễn Hoài Giang mỗi lần từ 500 triệu đến 1 tỷ, đưa bao nhiêu lần thì bị cáo không nhớ chính xác. Ngoài ra, bị cáo cũng đưa cho ông Đinh Văn Ngọc, Tổng giám đốc và ông Vũ Mạnh Tùng, Phó tổng giám đốc công ty khoảng 7,8 lần, mỗi lần mỗi người từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Bị cáo cũng đưa cho ông Quang, kế toán trưởng công ty từ 300 đến 500 triệu đồng mỗi lần.
Nguyên Tổng giám đốc OceanBank cũng khai, mỗi lần đến Lọc hoá dầu Bình Sơn đều nhờ giám đốc chi nhánh Quảng Ngãi là Phan Thị Tú Anh liên hệ gặp và đi cùng.
Trong khi đó, khi được gọi lên đối chấp trước toà, đại diện của Lọc hoá dầu Bình Sơn một mực khẳng định những lời Thu khai là không đúng.
“Đây chỉ là lời khai một chiều của chị Thu. Qua trao đổi với các lãnh đạo, tôi được biết các vị này không hề nhận tiền từ chị Thu”, đại diện này nói.
Trước các lời khai này, Hội đồng xét xử quyết định cho triệu tập 4 vị lãnh đạo nêu trên của Lọc hoá dầu Bình Sơn tới phiên toà xét xử vào sáng thứ Hai tuần tới.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.