Dân mạng bất bình khi chương trình VTV sai kiến thức lịch sử
Mở đầu clip, hai MC - một người Việt và một người nước ngoài - trò chuyện với nhau. MC ngoại quốc hỏi: "Em có biết vị tướng nào đã đánh thắng quân Nguyên - Mông 3 lần và có một trận chiến rất lẫy lừng trên sông Bạch Đằng?". MC người Việt tự tin trả lời: "Chắc chắn đó là Ngô Quyền rồi, điều này thì người Việt Nam nào cũng biết".
Cư dân mạng bất bình khi xem chương trình S_Việt Nam Đầu năm vãn cảnh đình Hàng Kênh |
Lỗi sai khó chấp nhận
Hiện tại, nội dung chương trình trên website vtv.vn được gỡ bỏ. Nhưng video này vẫn được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và nhận nhiều ý kiến bức xúc về cách biên tập ẩu, sai kiến thức lịch sử.
"Khổ thân ông Ngô Quyền đang làm vua tự nhiên bị giáng xuống làm tướng" là bình luận của nickname Ngân Hakata.
Một dân mạng khác lại hài hước đặt câu hỏi: "Làm sao Ngô Quyền sống ở thế kỷ 10 có thể 'hiển linh' ở thế kỷ 13 để đánh thắng quân Nguyên - Mông được nhỉ?".
"Bữa trước có học sinh nhầm Quang Trung với Nguyễn Huệ là hai anh em. Đến nay, mới biết cả kênh truyền hình quốc gia cũng có những nhầm lẫn tương tự".
Giới nghiên cứu sử học bức xúc
Ngay khi xem xong video, thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên môn lịch sử THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) - gọi đây là sai sót không thể chấp nhận được.
Đình Hàng Kênh ( tên chữ là Nhân Thọ đình ) nằm trên đường Nguyễn Công Trứ, phường Hàng Kênh, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. |
Theo diễn giải của thầy Hiếu, nói đến Ngô Quyền, bất cứ ai từng học phổ thông đều biết ông đã lãnh đạo cuộc chiến chống quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938. Thắng lợi này kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc và mở ra thời kỳ phong kiến độc lập của nước ta.
Theo cách nói của MC VTV, chiến thắng quân Nam Hán một lần duy nhất của Ngô Quyền từ thế kỷ 10 bị nhầm thành 3 lần chiến thắng quân Nguyên - Mông của Trần Hưng Đạo ở thế kỷ 13. Lịch sử nhà Ngô bị nhầm sang nhà Trần. Đây là sai sót không thể chấp nhận được với một kênh truyền hình chính thống quốc gia.
"Theo tôi, sự nhầm lẫn này sẽ rất tai hại đối với học sinh vì nhiều người cho rằng, mọi thông tin trên VTV là chính xác và chính thống. Các em sẽ dễ rơi vào tâm lý hoang mang, hoài nghi với sách giáo khoa Lịch Sử phổ thông, cùng những gì các thầy cô đã dạy. Như thế, báo chí truyền thông đã phản tác dụng, không còn là định hướng dư luận" - ông Hiếu cho biết.
"Dù đây là chương trình do đơn vị liên kết sản xuất thì với vai trò biên tập và kiểm duyệt, VTV vẫn phải chịu trách nhiệm về sai sót này. Tôi đề nghị VTV cần có ngay lời đinh chính thông tin, kèm theo lời xin lỗi khán thính giả" - ông nói thêm.
Xen lẫn với nỗi bức xúc của vị giáo viên đang dạy phổ thông là thái độ có phần "ngán ngẩm" của giáo sư sử học Phan Huy Lê khi biết thông tin này. Trao đổi với Zing.vn, chủ tịch Hội Khoa học - Lịch sử Việt Nam cho hay: "Sai sót như vậy là khó chấp nhận. Chúng ta phê phán học sinh dốt lịch sử mà đến giờ VTV cũng nhầm lẫn thì nghiêm trọng quá".
Theo GS. TS Nguyễn Quang Ngọc, Nguyên Trưởng khoa Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội, đền Hàng Kênh được nhắc đến trong chương trình trên đúng là thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền, nhưng việc nói Ngô Quyền 3 lần chiến thắng quân Nguyên - Mông là sai sót quá lớn.
Có thể từ khóa "sông Bạch Đằng" là nguyên nhân dẫn đến sai sót, vì cả Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo đều từng đánh tan giặc ngoại xâm trên dòng sông này.
S-Vietnam là chương trình được VTV liên kết sản xuất với nhiều đơn vị. Hiện tại, phía đơn vị trực tiếp sản xuất và ban biên tập của VTV đều từ chối lên tiếng về sai sót này
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.