Đạp xe 40km/ngày suốt 6 năm đi dạy học sinh mù
Ân dạy không vì một đồng tiền công hay một danh hiệu, tiếng tăm nào đó.
Hồng Ân và lớp học đặc biệt |
Lớp học đặc biệt của “Ông thầy sinh viên”
Lớp học đặc biệt ấy bắt đầu vào những buổi chiều muộn, từ khoảng 17h30 – 19h30. Học trò có khi là những cô bé, cậu bé mới chừng 7, 8 tuổi, cũng có khi là những cô cậu đã ngoài 20. Nhưng tất cả đều không may mắn so với bạn bè cùng trang lứa khi mang trong mình những khiếm khuyết của cơ thể. Có em bị mù lòa vĩnh viễn, cũng có em vẫn còn nhìn thấy mờ mờ… Thầy giáo dạy các em không chỉ dạy một môn học mà còn kiêm thêm 3,4 môn khác, nào toán, lí, hóa, nào anh văn, tin học… dạy từ chữ thường cho đến chữ nổi. Người thầy ấy là một cậu sinh viên năm cuối khoa CNTT của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) tên Vũ Đắc Hồng Ân (sn 1990).
Ân kể, cái duyên đưa em đến với những học trò tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu này bắt nguồn khi cậu mới còn ngồi trên ghế nhà trường. Đó là cuối năm lớp 12, khi chuẩn bị chọn trường thi đại học, Ân thường chạy xe lòng vòng khắp Sài Gòn để tìm hiểu. Tình cờ đi ngang qua trường này thấy nhiều bạn nhỏ ra vào trường phải dò dẫm từng bước một. Tò mò, Ân lên mạng tìm thông tin về trường và có tới trường chơi mấy lần nên nhận thấy rằng các em nhỏ đang có nhu cầu học thêm rất lớn.
Năm thứ nhất đại học, Ân chủ động đến xin thầy hiệu trưởng được dạy học tình nguyện. Những học trò ban đầu của Ân có chừng 1, 2 em nhưng dần dần lên tới hơn chục em. Ân phải tham gia thêm những khóa tập huấn dạy chữ nổi để có thể dạy và hiểm thêm về “thế giới bóng tối”.
Chân dung "Ông thầy sinh viên" và cô học trò khiếm thị Bùi Thị Dung |
Ngày thường, khoảng 9 đến 10 giờ đêm, Ân đi xe thêm 20 cây số mới về đến nhà mình ở cuối Q. Gò Vấp. Còn trong đợt cao điểm ôn thi đại học cho học trò, có hôm 12 đêm Ân mới về tới nhà. Khó khăn, vất vả là thế nhưng không bao giờ chàng trai này từ bỏ đến trường dạy chữ cho những học trò mù. Ngay cả những năm cuối ngồi trên giảng đường đại học, phải làm luận văn, Ân vẫn thu xếp đảm bảo công việc thiện nguyện. Những lúc các em làm bài tập, thầy giáo Ân lại tranh thủ lôi máy tính ra làm luận văn. Có chăng là Ân ít có thời gian lên mạng hay vào facebook như những bạn bè đồng trang lứa.
Ân chia sẻ: “Mỗi lúc nhìn thấy các em khiếm thị vẫn say mê học hành và mơ ước có một tương lai tươi sáng hơn, em không dứt ra nổi”. Ân còn nhớ cô học trò đầu tiên mình dạy tên Mai Thị Mai, sn 1990, quê ở Lâm Đồng. Mai là cô bạn học hành sáng dạ và luôn khao khát được bước chân vào giảng đường đại học. Nhưng do sức khỏe ngày càng yếu dần nên học xong lớp 9, ba mẹ cho Mai nghỉ để về quê. “Em muốn tiếp sức thêm cho những ước mơ còn dang dở ấy…”, Ân nói.
Ước mơ “lạ lùng”
Dốc hết sức và thời gian cho công việc dạy học tình nguyện nhưng Ân vẫn đảm đang việc nhà, việc học. Tổng kết điểm trung bình các môn học của Ân trên 8,0. Ngoài ra, Ân còn dành thời gian đi làm gia sư để kiếm thêm thu nhập. Điều Ân vui mừng hơn hết thảy là việc cả bố và mẹ ban đầu phản đối gay gắt chuyện Ân đi dạy nhưng sau hiểu được ý nghĩa công việc Ân làm nên quay ra ủng hộ con.
Khi được hỏi, những việc Ân làm ngoài bố mẹ, bạn bè Ân có biết không? Ân cười bảo, em chỉ muốn làm một công việc thầm lặng, không cần một đồng thù lao cũng như không cần một danh hiệu mỹ miều nào đó. Ân thích sống chậm, sống nội tâm nên cũng ít chia sẻ những câu chuyện hay công việc của mình lên trang xã hội, chẳng thế mà bạn bè Ân thường trêu Ân là chàng trai “cù lần”.
“Nhưng em có một ước mơ hơi bị bự. Đó là sau khi học xong có thể dùng những kiến thức của mình để thành lập nên một doanh nghiệp xã hội để có thể giúp đỡ nhiều bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn tìm thấy ánh sáng tương lai. Tuy nhiên, hiện tại ở Việt Nam, loại hình doanh nghiệp này chưa có trong quy định pháp lý nên em hy vọng tương lai nó sẽ được công nhận. Bởi còn rất nhiều học trò em chưa đưa đi thi đại học lắm… Trước mắt, em sẽ làm cho một doanh nghiệp xã hội “chui” và làm thêm ở 1 công ty để lấy kinh nghiệm và trang trải cho cuộc sống”, Ân vui vẻ tiết lộ ước mơ “lạ lùng” của mình.
Khi nhìn thấy những cô cậu học trò của Ân trưởng thành mới thấy ước mơ “lạ lùng” của cậu sinh viên ấy ý nghĩa chừng nào. Em Bùi Thị Dung, sn 1993, quê huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng – một trong những học trò giỏi của Ân tâm sự, Dung sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác. Song đến năm lên lớp 3, mắt em bị mờ dần, đi khám thì phát hiện bị bong võng mạc. Dù đã được phẫu thuật nhưng vẫn không hết, mẹ đành đưa Dung xuống Sài Gòn gửi vào học trường đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu rồi lại ngược về Lâm Đồng.
Từ đấy, cô bé bắt đầu cuộc sống xa nhà và phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi mọi sinh hoạt cá nhân, học tập đều phải mò mẫm trong bóng tối, không biết nhờ ai chăm nom. Nhất là từ năm Dung lên cấp 3 phải chuyển sang học hòa nhập với những học sinh sáng mắt tại Trung tâm GDTX Chu Văn An (Q.5). Dung rơi vào hụt hẫng và chán nản, muốn nghỉ học vì không theo kịp bạn bè.
Nhờ sự tận tình dạy bảo của “Ông thầy sinh viên” Hồng Ân mà dung đã quen dần cuộc sống tự lập và rèn cho mình một nghị lực sống phi thường để bám trụ được ở đất Sài Gòn. Mùa thi 2014 vừa qua, Dung đã mạnh dạn thi vào khoa Xã hội học Trường Đại học Mở với ước mơ sau này sẽ giúp đỡ những bạn có cùng hoàn cảnh như mình.
Và người đưa Dung đi thi không ai khác chính là Hồng Ân. Dung vui vẻ kể, Ân vừa là thầy giáo vui vẻ, tâm huyết vừa là xe ôm kiêm “ma ma tổng quản” cho Dung suốt mùa thi. “Người ta thì tiếp sức mùa thi còn anh ấy là… hết sức mùa thi”, Dung cười nói.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.