Đầu năm "xông đất" các đại gia về đất
Các doanh nghiệp bất động sản lớn, có nhiều quỹ đất và nhiều dự án gồm: Vingroup (VIC), Đất Xanh (DXG), Nhà Khang Điền (KDH), Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI), CEO, Đầu tư và Kinh doanh nhà Intresco (ITC), Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) là những đơn vị đang nắm lợi thế trong cuộc cạnh tranh trên thị trường bất động sản năm 2016.
VIC - Điểm rơi doanh thu?
Doanh nghiệp bất động sản lớn nhất trên thị trường hiện nay là VIC, với quỹ đất 81 triệu m2 trải dài khắp đất nước, đủ để duy trì tăng trưởng cho VIC trong 10 năm tiếp theo.
Cơ cấu doanh thu của VIC dự kiến sẽ dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng của mảng cho thuê bất động sản và dịch vụ du lịch - những mảng kinh doanh có tính ổn định cao.
Năm 2016, VIC đặt mục tiêu động lực tăng trưởng từ 3 mảng kinh doanh chính gồm: Bán căn hộ, cho thuê Trung tâm thương mại, du lịch và khách sạn.
Với mảng bất động sản, từ năm 2016 sẽ là điểm rơi của các dự án trọng điểm của VIC (Vincom Central Park, Park Hill, Vincom Nguyễn Chí Thanh). Đối với mảng cho thuê Trung tâm thương mại, tổng diện tích sàn cho thuê 2016 dự báo đạt 1,08 triệu m2 (tăng 82% so với năm 2015) với các trung tâm thương mại mới sẽ đi vào hoạt động như như Vincom Mega Mall Thảo Điền, Vincom Lê Văn Việt (TP.HCM) và Vincom Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) sẽ hoạt động trong cả năm.
Vincom Nguyễn Chí Thanh mới được đưa vào sử dụng từ quý 4/2015. |
Với mảng du lịch và khách sạn, Vinpearl Hạ Long và Phú Quốc (Giai đoạn 2) đi vào hoạt động giúp tổng số phòng tại các khu du lịch của VIC tăng 36% đạt 3.745 phòng.
DXG: Vốn điều lệ tăng vốn gấp đôi
Xuất phát điểm là một doanh nghiệp môi giới bất động sản giúp DXG có lợi thế trong việc nắm bắt nhu cầu của người mua cũng như lựa chọn được đúng dự án để tiến hành M&A.
Trong năm 2016, vốn điều lệ của DXG dự kiến tăng từ 1.172 tỷ lên 2.345 tỷ đồng thông qua việc phát hành cho cổ đông hiện hữu, số tiền thu được sử dụng để mua lại 1 dự án tại quận 2 (TP. HCM).
Mặc dù tốc độ tăng vốn nhanh nhưng danh mục dự án và tốc độ bán hàng hiện tại vẫn đảm bảo cho tăng trưởng về lợi nhuận.
KDH: Tăng mạnh về quỹ đất
Việc CTCP Đầu tư và Xây dựng Bình Chánh (BCI) trở thành công ty con của KDH đã giúp gia tăng đáng kể quỹ đất của KDH tại Tp. Hồ Chí Minh.
Quỹ đất của KDH đã tăng lên khoảng 750 ha, trong đó diện tích đất sạch là 450 ha. Các dự án của KDH nằm ở vị trí thuận lợi khi tập trung ở khu vực quận 9 được bao quanh bởi các trục giao thông chính.
Năm 2016 tiếp tục là điểm rơi của các dự án trọng điểm như Song Lập, Lucasta, Quốc Tế.
BCI: Kỳ vọng nhờ KDH
Với quỹ đất lớn ở Tp. Hồ Chí Minh khoảng 300 ha, báo cáo tài chính 2015 cho thấy BCI có nợ vay thấp, có thu nhập ổn định từ KCN Lê Minh Xuân và khoản đầu tư vào Big C An Lạc.
Trong các năm qua, khó khăn của BCI là chưa triển khai được các dự án lớn như Corona City, KCN Lê Minh Xuân mở rộng. Vấn đề này kỳ vọng sẽ được giải quyết khi BCI đã trở thành công ty con của KDH – một trong những doanh nghiệp bất động sản có năng lực phát triển dự án tốt nhất ở Tp. Hồ Chính Minh.
CEO: Hưởng lợi từ Phú Quốc
CEO Group có tổng quỹ đất 760 ha, trong đó CEO đang hưởng lợi từ sự phát triển của Phú Quốc với quỹ đất 260 ha đã được tích lũy từ các năm trước. Danh mục dự án đảm bảo duy trì tăng trưởng trong vòng 3-5 năm tới ở khu vực Bãi Trường (Phú Quốc) là Sonasea Resorts & Villas, Sonasea Residences, Sonasea Golf.
Báo cáo tài chính của công ty cho thấy cơ cấu vốn an toàn với nợ vay/vốn chủ sở hữu (0.65), định giá hấp dẫn P/E (7.5). Áp lực giảm giá cổ phiếu trong giai đoạn vừa qua đến từ việc công ty sẽ tăng vốn thông qua việc phát hành 2:1 giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Năm 2016 CEO ghi nhận doanh thu – lợi nhuận từ việc bàn giao biệt thự tại dự án Sonasea Villas and Resorts.
ITC: Khó khăn đang dần qua
Giai đoạn khó khăn nhất của ITC được cho là đã qua, dự báo công ty sẽ tăng trưởng mạnh trong các năm tới với động lực đến từ 2 dự án lớn là KDC Long Thới và Lý Chính Thắng (TP. Hồ Chí Minh).
Báo cáo tài chính cho thấy ITC có tài chính lành mạnh với nợ vay thấp, giá cổ phiếu chiết khấu cao so với giá trị sổ sách với P/B 0.23.
Thị trường vẫn đang đánh giá khá tiêu cực với ITC sau nhiều năm không tăng trưởng và chuyển nhượng dự án Intresco Tower dưới giá trị sổ sách. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của ITC đã có sự cải thiện và việc thoái vốn của các cổ đông lớn là Resco (sở hữu 16,2%) được hoàn tất.
DIG: Kết quả kinh doanh không có nhiều biến động
DIG là doanh nghiệp sở hữu quỹ đất rất lớn, khoảng 2000 ha, phân bổ chủ yếu ở Vũng Tàu (251 ha), Đồng Nai (365 ha), Vĩnh Phúc (194 ha), Phú Quốc (285 ha), và Hà Nam (650 ha).
Kết quả kinh doanh 2016 của DIG dự báo sẽ không có nhiều biến động khi các dự án lớn như dự án An Thới (Phú Quốc) mới bắt đầu triển khai từ năm 2016, bên cạnh đó hệ thống các công ty con và liên kết khá cồng kềnh, hoạt động không hiệu quả cũng đang làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.