Đầu vào trường CĐ là tốt nghiệp THPT: Lo ngại chất lượng các trường dân lập
Theo Thông tư mới sửa đổi của Bộ GD&ĐT về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường cao đẳng là tốt nghiệp THPT. Điều này đã tạo ra không ít băn khoăn, tranh cãi. Liệu ngưỡng quá thấp có ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo cử nhân?
Liên quan tới vấn đề này, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “ Theo tôi hiểu, “ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào” cho các trường CĐ là tiêu chuẩn để tuyển vào các trường này. Lấy tiêu chuẩn “tốt nghiệp THPT” để tuyển sinh có nghĩa là các trường CĐ sẽ không tổ chức thi tuyển mà xét tuyển.
Đây là giải pháp tình thế để cứu các trường CĐ thoát khỏi tình trạng không tuyển được sinh viên, bởi vì ĐH mở ra nhiều quá, ngay ĐH cũng không phải trường nào cũng tuyển được sinh viên. Nhưng CĐ chỉ xét tuyển như vậy thì chưa biết các trường trung học nghề có tuyển sinh được không?”.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Cũng theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, dĩ nhiên đầu vào thấp sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của nguồn nhân lực. Nhưng chất lượng đầu vào không quan trọng bằng chất lượng đầu ra. Vì thế, các trường cần chú ý đánh giá chất lượng đầu ra theo đúng tiêu chuẩn quốc gia mà Bộ GD&ĐT sẽ công bố, nếu theo đúng tiêu chuẩn của các trường hàng đầu trong khu vực thì càng tốt. Có như vậy, sinh viên tốt nghiệp mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, tránh được nguy cơ thất nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều trường, nhất là các trường tư thục, chắc không sẵn sàng thực hiện đòi hỏi này, bởi vì nếu sàng lọc mạnh trong quá trình đào tạo thì số lượng sinh viên giảm, ngân sách của trường cũng giảm theo. Chỉ có sự chọn lọc của xã hội mới thay đổi được tình trạng này.
Cụ thể là các trường cần thực hiện kiểm định chất lượng và công khai kết quả kiểm định cho xã hội biết; trên cơ sở đó, người sử dụng lao động sẽ tuyển sinh viên của những trường có chất lượng cao, người học và gia đình họ cũng sẽ chọn những trường có chất lượng đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Những trường không kiểm định chất lượng hoặc có kết quả kiểm định thấp, không được người sử dụng lao động hoan nghênh sẽ buộc phải điều tiết quy mô đào tạo, cải thiện điều kiện đào tạo để nâng cao chất lượng; nếu không, sẽ bị đào thải.
Một điểm rất mới trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay là thí sinh được nộp hồ sơ vào 2 trường và mỗi trường 2 nguyện vọng. Điều này sẽ giúp các trường giảm bớt được tình trạng thí sinh ảo. Nhưng theo tôi, Bộ GD&ĐT nên thống nhất với các trường, căn cứ vào kết quả thi THPT Quốc gia cũng như chỉ tiêu của từng trường để chia thành các nhóm trường với mức điểm tuyển khác nhau. Ví như nhóm top cao (ĐH Y, ĐH Dược, ĐH Ngoại thương, HV Ngân hàng,...) tuyển thí sinh ở mức điểm nào và các nhóm top dưới tuyển ở mức nào; như thế sẽ thuận lợi hơn cho cả các trường và thí sinh.
ĐH và CĐ Bộ cũng đừng quy định ngưỡng điểm sàn
Liên quan đến vấn đề này, thầy Văn Như Cương Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng: “Về nguyên tắc khi chúng ta cấp bằng tốt nghiệp THPT cho học sinh là chúng ta đã chứng minh em đó đã học xong và đạt yêu cầu của chương trình học phổ thông. Vì thế, có năng lực học vào các trường ĐH cũng như CĐ. Nếu một trường ĐH quá đông học sinh đăng kí thì các trường tự lấy ngưỡng điểm đầu vào cho mình và Bộ GD&ĐT không nên can thiệp vào. Vì thế, cũng có những trường ĐH top dưới hoàn toàn có thể lấy ngưỡng đầu vào là tốt nghiệp THPT. Nếu không về mặt lý thuyết chúng ta không coi trọng giá trị của bằng tốt nghiệp THPT”.
Thầy Văn Như Cương Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh
Theo thông tư mới sửa đổi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016, các thí sinh được đăng kí vào 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng. Thầy Văn Như Cương cho rằng, sự thay đổi này sẽ giúp thí sinh có thể chọn ngành mình yêu thích thay vì đỗ đại học bằng mọi giá và chấp nhận học những ngành mình không yêu thích. Chính vì thế sẽ gây ra tình trạng sinh viên học xong không làm được việc lãng phí thời gian và tiền của.
Tuyển sinh ĐH đáng lẽ chúng ta phải cho các em được chọn ngành thay vì chọn trường như năm nay. Ví như, học sinh thích ngành bác sĩ đa khoa nếu ĐH Y Hà Nội không đỗ thì chuyển sang Đại học Y Dược Thái Bình...cho thí sinh cơ hội được trung thành với ngành mình yêu thích chứ không phải đăng kí vào Đại học Y Hà Nội nhưng khoa bác sĩ đa khoa không đỗ nên đành chọn ngành Răng - hàm - mặt...Vì thế, Bộ GD&ĐT cũng nên có những tính toán kĩ lưỡng để đảm bảo chất lượng đào tạo cử nhân, hạn chế tối đa tình trạng sinh viên thất nghiệp.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.