Doanh nghiệp Việt và giấc mơ xuất ngoại cổ phiếu
2017-06-15 11:44:41
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Sự kiện Công ty cổ phần VNG ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) với Sở Giao dịch chứng khoán NASDAG để thực hiện IPO và niêm yết cổ phiếu tại sàn chứng khoán số một về công nghệ và có quy mô thứ hai trên thế giới vào chiều ngày 29/5/2017 vừa qua, một lần nữa hâm nóng ước mơ vươn tới sàn chứng khoán ngoại của các DN Việt.
Thị trường chứng khoán VN đang hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa |
Chia sẻ về quyết định này, ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG thừa nhận việc IPO tại Mỹ là thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, VNG hy vọng chính thách thức này sẽ tạo động lực cho những chuyển biến bước ngoặt về tư duy, tổ chức, con người nội tại để công ty có thể tiến nhanh hơn vào thị trường toàn cầu và sẵn sàng cho làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0. Bởi lần đầu tiên một công ty công nghệ Việt Nam niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ, đánh dấu bước tiến đầu tiên vào cách mạng công nghiệp 4.0 của Chính phủ.
Từ đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, rà soát, lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia bám sát các công nghệ mới để tập trung đầu tư phát triển.
Các DN Việt Nam phát triển những giải pháp theo đúng nhu cầu của thời đại để không bỏ lỡ chuyến tàu cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài quyết tâm và khát vọng, công ty công nghệ VNG đã có cách tiếp cận độc đáo, khác biệt để cho ra đời những sản phẩm có hàng triệu người dùng như Zalo.
Để khẳng định DN Việt Nam phải đi cùng cách mạng công nghiệp 4.0, VNG đã lựa chọn đưa cổ phiếu lên niêm yết tại NASDAQ, Hoa Kỳ - nơi Apple, Microsoft, Google, Facebook, Ebay và rất nhiều các công ty công nghệ khác hiện đang niêm yết cổ phiếu của mình.
Ngay sau lễ ký kết, lãnh đạo VNG cho biết, công ty đang xúc tiến để quá trình IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) tại Mỹ diễn ra nhanh nhất có thể với mong muốn trở thành công ty công nghệ Việt Nam đầu tiên IPO tại Hoa Kỳ.
“Để niêm yết trên NASDAQ phải đạt được các tiêu chuẩn, yêu cầu nghiêm ngặt từ kinh doanh đến tài chính, quản trị của công ty. Điều này sẽ đánh dấu bước phát triển mới của VNG khi quyết định trở thành một DN toàn cầu. DN phải đứng chung với các DN toàn cầu, lấy họ làm mục tiêu và nguồn cảm hứng để phát triển” – ông Minh chia sẻ. Khi một DN công nghệ Việt Nam niêm yết ở thị trường chứng khoán NASDAQ sẽ đánh dấu bước phát triển mới cho toàn bộ nền khởi nghiệp cũng như ngành công nghệ Việt Nam.
Ông Minh cũng hy vọng rằng, sau VNG sẽ có thêm nhiều DN cũng như các công ty khởi nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục niêm yết ở nước ngoài cũng như ở NASDAQ.
Bình luận về việc VNG tuyên bố sẽ IPO trên NASDAQ, ông Eddie Thai, Giám đốc đầu tư của 500 Startup và 500 Startup Vietnam nhận định: đây mới là khởi đầu cho một quy trình dài và không ai có thể đoán trước được kết quả như thế nào. Tuy nhiên, đội ngũ tại VNG xứng đáng nhận được những lời chúc mừng – ông Eddie Thai nói. VNG đã trải qua cả một chặng đường từ lúc được thành lập vào năm 2004, khi nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam còn non trẻ hơn rất nhiều. Giờ đây họ đã có thể tính đến khả năng niêm yết trên sàn NASDAQ, bởi đây chính là thành quả lao động cật lực của đội ngũ VNG.
“Tôi hy vọng VNG sẽ là công ty công nghệ Việt Nam đầu tiên tiến hành IPO và trong vòng 10-15 năm tới, chúng ta sẽ thấy nhiều công ty khác làm được điều tương tự. Một vài trong số đó có thể đang tồn tại rồi, một số khác đang sẽ được thành lập trong tương lai. Dù thế nào đi chăng nữa, IPO cũng chỉ là một trong số nhiều cột mốc đánh dấu thành công của các DN” - ông Eddie Thai chia sẻ.
Trong số các DN Việt công khai kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn ngoại từ hơn 10 năm nay, có lẽ Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) là DN kiên trì nhất. Tuy nhiên, do nhiều hạn chế từ pháp lý nên kế hoạch này đã tạm dừng giữa chừng, dù những nỗ lực của Vinamilk và Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Trung tâm lưu ký chứng khoán không hề nhỏ.
Mặc dù, Vinamilk đã nhận được Thư Chấp thuận niêm yết từ Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX-ST) vào ngày 31/10/2008 về việc phát hành và niêm yết 8.763.784 cổ phiếu phổ thông mới của Vinamilk trong danh sách chính thức trên sàn giao dịch chính thức của SGX-ST, tuy nhiên, việc lựa chọn thời điểm niêm yết đã không thành hiện thực. Trong công bố thông tin sau đó, HĐQT Vinamilk cho biết sẽ thực hiện việc phát hành và niêm yết cổ phiếu trên SGX-ST khi điều kiện thị trường thuận lợi.
Ngoài Vinamilk, những tên tuổi khác như SSI, Gemadept, PVDrilling, Kinh Đô… cũng từng đánh tiếng về việc lên sàn ngoại, gần thì ở Singapore, Hồng Kông, xa hơn là Anh, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, tính đến nay việc hiện diện của chứng khoán Việt Nam trên các sàn quốc tế vẫn chỉ là những con số lẻ loi.
Về trái phiếu DN, ngoài trường hợp của HAG, mới chỉ có Vingroup phát hành trái phiếu công ty thành công và niêm yết tại Sở GDCK Singapore. Về cổ phiếu, từng có trường hợp Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Việt Nam-Cavico Corp đã sáp nhập với một công ty Mỹ để đạt tiêu chuẩn niêm yết tại sàn NASDAQ. Tuy nhiên, ngay sau đó, Cavico Corp đã buộc phải rời sàn NASDAQ vì lỗi công bố thông tin.
Đây là câu chuyện của gần 10 năm về trước, khi mà hành lang pháp lý còn hạn chế và hoàn thiện. Còn bây giờ, khi mà những ách tắc liên quan đến chính sách đã được gỡ bỏ, câu chuyện về pháp lý cho việc niêm yết trên sàn ngoại đã có bước chuyển biến khá tích cực và mở ra cơ hội cho nhiều DN Việt tiếp tục hy vọng về giấc mơ “xuất ngoại” cổ phiếu.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Đông Thịnh