Doanh nhân Phạm Khắc Hà: Sáng mãi tấm gương người lính Cụ Hồ
2016-10-30 18:08:44
0 Bình luận
Không chỉ là một doanh nhân tiêu biểu mà còn là một trong những Thương binh- Cựu chiến binh Việt Nam làm kinh tế giỏi, ở ông, chúng tôi thấy toát lên phẩm chất tốt đẹp của người lính bộ đội Cụ Hồ.
Cần cù, năng động, sáng tạo…là những nhận xét chân thành của người dân làng lụa Vạn Phúc – Hà Đông (Hà Nội) khi nói về ông Phạm Khắc Hà – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc. Ở ông, chúng tôi thấy toát lên phẩm chất tốt đẹp của người lính bộ đội Cụ Hồ: Một thương binh tàn mà không phế.
Kí ức về một thời hoa lửa
Mặc dù đã được đồng nghiệp trong làng báo nhắc nhiều về ông, một doanh nhân mang đậm chất lính: Hào khí, sôi nổi, mãnh liệt, nhưng rất đỗi chân thành, khi gặp ông, tôi mới hiểu được cái chất lính trong con người ông Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc Phạm Khắc Hà mãnh liệt, hào khí như thế nào. Không câu nệ tiểu tiết, ông thoải mái, hào sảng, thân thiết như những người bạn lâu ngày gặp nhau. Khi chúng tôi gợi chuyện về những kỉ niệm kháng chiến, giọng ông bỗng trầm lại, kí ức về một thời hoa lửa bỗng ùa về rõ nét.
Nghệ nhân Phạm Khắc Hà luôn miệt mài, tâm huyết với nghề lụa truyền thống Vạn Phúc |
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương giàu truyền thống cách mạng, trong những năm cả nước kháng chiến chống Mỹ, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, người thanh niên Phạm Khắc Hà xếp lại bút nghiên,hăng hái lên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu.
Nhờ có sức khỏe và thể hiện được sự thông minh khéo léo trong quá trình huấn luyện, Phạm Khắc Hà được tuyển chọn vào đơn vị Binh chủng Đặc công. Đây là Binh chủng trẻ nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam thời đó nhưng lại nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng trong quá trình tác chiến. Binh chủng này được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ví rằng: “Binh chủng Đặc công là Binh chủng không quân chiến lược đi chân đất không có máy bay”.
Đặc biệt, trong quá trình chiến đấu, đơn vị của ông đạt được nhiều chiến công. Bản thân ông đã nỗ lực hết mình và đã nhận được nhiều bằng khen của đơn vị như: Danh hiệu dũng sĩ xung kích, tham gia nhiều hoạt động trong quá trình tác chiến.
Là một người lính đặc công, mỗi khi nhận nhiệm vụ chiến đấu không chỉ Phạm Khắc Hà mà đồng đội của ông đều xác định có thể nằm lại chiến trường, không hẹn ngàytrở về. Xác định là một chuyện, nhưng mỗi lần chứng kiến đồng đội hy sinh trước mắt mình khiến người lính Phạm Khắc Hà đau đớn như mất đi một phần thịt da. Một trong những trận đánh ác liệt in đậm trong tâm trí Phạm Khắc Hà là vào đêm 30/6/1972, đơn vị của ông nhận lệnh đánh vào Trung tâm Truyền tin núi Bà Rá (thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) của địch. Trận đánh ác liệt này khiến nhiều đồng đội của ông đã hi sinh. Riêng ông Hà bị địch bắn bị thương nặng phải chuyển ra miền Bắc điều trị và được xác định thương binh hạng 3/4.
Trở về quê hương với thương tích của chiến tranh,nhưng so với các đồng đội, ông cho rằng bản thân còn may mắn hơn nhiều.“Đồng đội tôi nhiều người đã ngã xuống cho nền độc lập, hòa bình của đất nước hôm nay. Có người đến bây giờ vẫn còn đang nằm lại đâu đó trên chiến trường chưa được trở về đoàn tụ cùng gia đình. So với sự những sự hi sinh ấy, công lao của tôi có đáng là gì”. Đó là nỗi niềm trăn trở, đau đáu khi ông nghĩ rằng bản thân chưa làm trọn nghĩa tình đối với những người đồng đội đã sát cánh chiến đấu trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Chân dung người lính trên mặt trận kinh tế
Sau 8 năm chiến đấurời chiến trường trở về quê hương, mặc dù mang trên người thương tích của chiến tranh nhưng bản lĩnh của anh bộ đội cụ Hồ không lùi bước trước những khó khăn, vất vả. Ông hăng hái tham gia vào phát triển kinh tế lao động sản xuất ở địa phương.Thời điểm này nền kinh tế nước ta đang trong thời kì bao cấp, cuộc sống gia đình thiếu thốn, khó khăn.Gia đình ông ngoài làm nông nghiệp còn có nghề dệt lụa tơ tằm truyền thống lâu đời.Tuy nhiên, thời điểm này sản phẩm người dân làm ra không tiêu thụ được bởi giá thành của sản phẩm cao hơn nhiều so với các loại vải khác.
Nghệ nhân Phạm Khắc Hà luôn miệt mài, tâm huyết với nghề lụa truyền thống Vạn Phúc. |
Nhiều gia đình ở địa phương có ý định bỏ nghề. Họ bán máy dệt, gỡ bỏ khung cửi, bỏ làng đi xứ khác làm thuê, kiếm sống. Nhưng ông Phạm Khắc Hà kiên quyết giữ nghề. Không chỉ bởi gia đình ông đã có ít nhất 5 đời làm nghề dệt lụa tơ tằm truyền thốngmà bản thân ông từ khi lên 10, tuổi thơ đã gắn liền với những sợi tơ, tiếng thoi dệt lụa. Bởi lẽ, ông cho rằng phải giữ lấy nghề vì nghề là máu thịt, mồ hôi, xương cốt cha ông làng Vạn Phúc để lại. Tâm huyết với nghề, sống chết với nghề, coi nghề như người bạn tri kỉ, chúng ta có thể thấy được đây là một phẩm chất đáng quý của ông.
Năm 1991, Nhà nước có định hướng phát triển nền kinh tế thị trường thay cho cơ chế bao cấp lâu đời. Nắm bắt cơ hội này, ông bàn với gia đình chuyển đổi mô hình kinh doanh. Và ông cũng chính là người tiên phong trong phong trào sản xuất tư nhân ở địa phương.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường, ông quyết định vào miền Nam để mua công cụ sản xuất, kết hợp tìm hiểu thị trường tìm đầu ra cho sản phẩm lụa tơ tằm truyền thống. Tuy nhiên, thời điểm này sản phẩm lụa tơ tằm vẫn do Nhà nước quản lý, coi là hàng quốc cấm nên việc mua bán, trao đổi không được tự do, gây nhiều khó khăn cho việc phát triển thị trường lụa.
Không nản chí, hằng ngày, ông lên khu vực phố cổ ở Hà Nội lân la tìm hiểu thị trường cho sản phẩm lụa tơ tằm.Khu vực này tập trung lượng khách du lịch lớn, ưa thích những sản phẩm truyền thống. Nắm bắt được nhu cầu thị hiếu của khách, ông Hà đưa sản phẩm lụa tơ tằm vào các cửa hàng thời trang giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Để tạo ra sự khác biệt, ngoài những sản phẩm, mẫu mã truyền thống lâu đời, ông còn sáng tạo thêm các sản phẩm mới.
Sản phẩm lụa hoa dây ra đời trên ý tưởng mô tả nét đẹp dịu dàng, đằm thắm của người phụ nữ Việt Nam. Đó là hàng lụa mỏng, có hoa nổi, hoa chìm, hoa nổi trên mặt lụa thì bóng mịn, hoa chìm phải soi qua ánh sáng mới thấy được.
Sản phẩm mang nét đặc trưng riêng biệt của Thương hiệu Phúc Hưng – cơ sở sản xuất của ông nói riêng và làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông nói chung. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, ông Phạm Khắc Hà quyết định đổi mới hình thức sản xuất. Thay vì sản xuất bằng thủ công, dùng sức người là chính ông đầu tư máy móc, kỹ thuật vào sản xuất, vừa tiết kiệm được nhân lực, lại hạ giá thành sản phẩm.
Nhờ vậy, sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường càng lớn hơn. Ngoài chú trọng phát triển kinh tế, ông Phạm Khắc Hà còn hỗ trợ đào tạo nghề cho thế hệ trẻ ở địa phương. Mong muốn của ông là không ngừng mở rộng, phát triển nghề dệt truyền thống Vạn Phúc, không để bị mai một mà trở thành nghề mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân, làm giàu cho quê hương. Nhờ những đóng góp tích cực trong lĩnh vực phát triển làng nghề truyền thống mà ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch hiệp hội làng nghề Vạn Phúc. Và vinh dự được Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng nghệ nhân làng nghề truyền thống Việt Nam năm 2013.
Đặc biệt năm 2015, ông là nghệ nhân duy nhất được vinh danh bảng vàng gia tộc, được Ban tổ chức “Kí ức Hà Nội” tặng giấy khen nghệ nhân lụa truyền thống. Là một thương binh nặng, nhưng ông vẫn luôn miệt mài lao động, hăng hái trong các hoạt động phong trào quảng bá, giới thiệu hình ảnh sản phẩm làng nghề lụa Vạn Phúc ra thị trường, góp phần đáng kể vào sự phát triển của làng nghề. Năm 2015, ông là một trong những Cựu chiến binh tiêu biểu được Ban chấp hành Hội CCB Hà Nội chứng nhận Danh hiệu “Thương binh sản xuất, kinh doanh giỏi Thủ đô”. Cơ sở sản xuất lụa Phúc Hưng do ông làm chủ không chỉ tạo được thương hiệu trong làng lụa Vạn Phúc, mà khách còn được du khách trong và ngoài nước biết đến với chất lượng cao, mẫu mã sản phẩm bền đẹp do cơ sở sản xuất.
Gia đình là hậu phương vững chắc nhất
Trên con đường thành công của Doanh nhân Phạm Khắc Hà luôn có bóng dáng người bạn đời Nguyễn Thị Kim Thu ở bên. |
Có được những thành quả hôm nay, ngoài những hoạt động, sáng tạokhông biết mệt mỏi, người Thương binh, Cựu chiến binh Phạm Khắc Hà còn có được một hậu phương vững chắc phía sau. Đó là người vợ hiền tần tảo, chịu thương chịu khó đồng hành cùng ông vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Người phụ nữ ấy luôn lặng lẽ ủng hộ những hoạt động của chồng bằng việc đảm đang thay ông lo lắng, quán xuyến việc sản xuất tại nhà xưởng và việc gia đình, dạy dỗ con cái chăm ngoan nên người.
Nhiều năm liền, gia đình ông được chính quyền địa phương tặng Giấy khen “Gia đình văn hóa” – một gia đình chuẩn mực, con cái thành đạt, hiếu thuận, hiểu đạo lý. Dù như thế nào đi chăng nữa, ông vẫn luôn khẳng định: Gia đình là chỗ dựa vững chắc nhất để ông vững bước trong mọi hoạt động công việc của mình. Có thể nói, những đóng góp nhỏ bé của Doanh nhân, Thương binh, Cựu chiến binh Phạm Khắc Hà đối với nghề, với làng lụa, với địa phương và với đất nước lại không hề nhỏ bé.
Chúng ta trân quý con người ông và chúc ông khỏe mạnh để có thể làm được nhiều việc mà mình yêu thích và có ý nghĩa cho đời, cho đất nước hôm nay và mai sau.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo Hà Chi/giadinhvaphapluat.vn