Dự án 3 sẽ mang đến hiệu quả gì cho TP. Cần Thơ?
Xây dựng hệ thống thông tin quản lý ngập cho TP Cần Thơ (gọi tắt là hệ FRMIS) là hợp phần hỗ trợ kỹ thuật thuộc Dự án Phát triển TP. Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị (Dự án 3). Hệ FRMIS là một công cụ hỗ trợ giúp quản lý rủi ro ngập một cách thông minh, tự động điều chỉnh, kiểm soát mực nước trong vùng lõi đô thị, dựa vào các dữ liệu không gian từ các sở ngành hữu quan, các số liệu mực nước, khí tượng thủy văn, các công cụ của công nghệ thông tin và thiết bị điều khiển.
Dự án 3 khi hoàn thành sẽ chống ngập cho TP. Cần Thơ
Giải bài toán ngập lụt đô thị
Từ nhiều năm qua, TP. Cần Thơ luôn với hứng chịu tình trạng ngập nghiêm trọng mỗi khi mưa lớn hoặc triều cường dâng cao. Mức độ ngập năm sau thường cao hơn năm trước, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của ngừi dân cũng như sự phát triển của TP. Trước tình hình trên, từ năm 2016, Cần Thơ đã triển khai dự án Phát triển TP và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (dự án 3) với mục tiêu chủ yếu là chống ngập. Vậy dự án này cụ thể như thế nào? Đến nay đã triển khai đến đâu?
Dự án 3 có tổng mức đầu tư hơn 9.167 tỷ đồng (gồm vốn vay Ngân hàng Thế giới, vốn không hoàn lại từ SECO và vốn đối ứng), đến ngày 30-6-2024 kết thúc. Dự án có 59 gói thầu (không bao gồm 12 gói thầu trong giai đoạn chuẩn bị), trong đó có 48 gói thầu thuộc nguồn vốn ODA và 11 gói thầu thuộc nguồn vốn đối ứng.
Trong số này, bao gồm các hạng mục thi công cầu, đường, cải tạo hệ thống thoát nước, kè, âu thuyền, cống ngăn triều,… Khi dự án hoàn thành sẽ góp phần chỉnh trang đô thị, bảo vệ vùng lõi trung tâm TP (quận Ninh Kiều và Bình Thủy) trước rủi ro do ngập lụt. Đồng thời tăng cường khả năng kết nối giữa khu vực trung tâm TP và các khu vực đô thị mới phát triển (các công trình giao thông trọng điểm), phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó tăng cường năng lực của chính quyền trong việc quản lý rủi ro thiên tai.
Đặc biệt là xây dựng hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập (FRMIS) cho TP. Cần Thơ dự kiến đến năm 2025 vận hành, giúp kiểm soát nước, quản lý mực nước trong vùng lõi đô thị của thành phố hơn 2.600ha (Ninh Kiều và Bình Thủy), dựa vào hệ thống đê kiên cố bao quanh đã được đầu tư xây dựng và các công trình kiểm soát nước, các cống và các trạm bơm,… Hệ thống FRMIS cũng là công cụ hỗ trợ quản lý rủi ro ngập một cách thông minh, tự động điều chỉnh mực nước.
Trong dự án này, Gói thầu CT3-PW-1.8 Xây dựng âu thuyền Cái Khế là công trình có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nguồn nước, vệ sinh môi trường cũng như tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cho TP. Cần Thơ.
Đến nay, nhiều công trình ưu tiên của dự án 3 đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả. Như cầu Quang Trung với kiến trúc đẹp, hiện tại đang là cầu nối cho phương tiện lưu thông thuận lợi giữa khu đô thị cũ trung tâm thành phố (Ninh Kiều) với khu đô thị Nam Cần Thơ. Tuyến đường mới Trần Hoàng Na khang trang và rộng rãi, giúp giảm tải lưu lượng giao thông cho tuyến đường Nguyễn Văn Linh, cùng với công trình cầu Trần Hoàng Na khi hoàn thành cũng sẽ kết nối khu vực Ninh Kiều với khu đô thị Nam Cần Thơ…
Thi công công trình âu thuyền Cái Khế thuộc dự án 3
Các phương tiện lưu thông qua cầu Quang Trung 2 sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng
Gỡ khó, nỗ lực về đích
Theo Ban Quản lý các dự án ODA Cần Thơ (chủ đầu tư Dự án 3), đến nay có 4.311 hộ dân bị ảnh hưởng bởi các gói thầu của dự án, gồm các gói thầu hợp phần 1 và hợp phần 2. Trong đó, hợp phần 1 gồm: Kè sông Cần Thơ, cống ngăn triều, Kè rạch Cái Sơn - Mương Khai, Âu thuyền Hàng Bàng, Âu thuyền Cái Khế, các tuyến rạch chính Bà Bộ - Hàng Bàng, rạch nhánh Hàng Bàng, Ðầu Sấu, 12 tuyến rạch nhánh nội ô quận Ninh Kiều,…
Hợp phần 2 của Dự án gồm: Cầu Quang Trung đơn nguyên 2, cầu và đường Trần Hoàng Na, đường nối IC3 đến Trần Hoàng Na, cống ngăn triều và đường nối Cách mạng Tháng 8 đến đường tỉnh 918, Khu tái định cư An Bình cải tạo đường Hoàng Quốc Việt và Hiện ngành chức năng đã tiến hành đo đạc, kiểm kê lập hồ sơ bồi thường 4.243 hồ sơ (đạt 98%) và đã có quyết định phê duyệt kinh phí 3.692 hồ sơ (đạt 86%), tổ chức chi trả 3.439 hồ sơ (đạt 80%), đã có 3.258 hộ dân bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công (đạt 76%). Các gói thầu của Dự án còn vướng mắc mặt bằng chủ yếu thuộc các hộ dân của các công trình trên địa bàn quận Ninh Kiều chưa bàn giao mặt bằng, với 1.043 hộ. Các hộ này tại các công trình như Kè sông Cần Thơ, Âu thuyền Cái Khế, đường Hoàng Quốc Việt, Khu tái định cư An Bình, rạch Bà Bộ - Hàng Bàng - nhánh Hàng Bàng - rạch Ðầu Sấu, các tuyến rạch nhánh nôi ô Ninh Kiều… Quận Bình Thủy cũng còn 10 hộ tại công trình cải tạo rạch Bà Bộ - Hàng Bàng chưa bàn giao mặt bằng.
Công trình kè sông Cần Thơ nhìn từ trên cao
Theo Ban Quản lý các dự ODA Cần Thơ, đến nay nhiều hạng mục, gói thầu thuộc dự án 3 đã hoàn thành công tác thu hồi đất và bàn giao mặt bằng để thực hiện xây dựng. Ðiển hình như công trình cống ngăn triều Ðầu Sấu, kè và đường sau kè tại phường Hưng Lợi và An Bình, Âu thuyền Hàng Bàng, cải tạo rạch Cái Sơn - Mương Khai,... Hầu hết các công trình trong số kể trên đã được thi công sắp hoàn thành và hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, góp phần đổi mới cho diện mạo đô thị Cần Thơ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, cũng như tạo điều kiện sống tốt hơn cho người dân.
Dù vậy, hiện vẫn còn nhiều hạng mục, gói thầu còn tiếp tục phải triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thu hồi đất để thực hiện Dự án và còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như khó khăn trong thực hiện hồ sơ, thủ tục để bồi thường vì hồ sơ pháp lý của nhiều trường hợp bị ảnh hưởng Dự án không rõ ràng, khó xác định nguồn gốc đất; khó khăn do có hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng và chưa thống nhất với chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cự; hộ dân đề nghị nâng giá bồi thường…
Ông Huỳnh Trung Trứ - Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết thêm: Thời gian qua quận tích cực phối hợp với Ban Quản lý dự án ODA để thực hiện giải phóng mặt bằng các công trình Dự án 3 trên địa bàn quận. Đây là trách nhiệm của địa phương, quận cũng đã tập trung giải quyết các trường hợp ưu tiên, để thi công các công trình thuận lợi. Ngoài tập trung thực hiện ở các công trình đang triển khai thi công, quận sẽ tiếp tục thực hiện các công trình tiếp theo, như cải tạo nạo vét các kênh rạch trên địa bàn quận. Đối với quận Ninh Kiều rất quyết tâm ưu tiên thực hiện Dự án 3, để Ninh Kiều được thụ hưởng từ các công trình hoàn thành…
Hiện tại, Cần Thơ đang triển khai gói thầu CT3-PW1.11, nâng cấp mặt đường và hệ thống thoát nước của 32 tuyến đường trên địa bàn quận Ninh Kiều. Quá trình thi công, mặt đường bị đào xới ảnh hưởng đến người dân, do tình trạng khói bụi, cát đá vương vãi ra đường.
Ông Nguyễn Văn Tho, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự ODA Cần Thơ, cho biết: “Chúng tôi luôn giám sát chặt chẽ và yêu cầu đơn vị thi công triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng đến người dân. Chẳng hạn như việc tưới nước thường xuyên để giảm bụi, tiến hành rào chắn, lắp đặt các biển báo nơi công trường,… Ngoài ra, một số đoạn đường sau khi đào xới, thi công xong, thì chưa thể thảm nhựa lại ngay được mà phải chờ ít ngày để kết cấu mặt đường ổn định sau khi đã lu xe.
Trong một không gian nội ô, với mặt độ người và phương tiện dày đặc thì những ảnh hưởng sẽ không thể tránh khỏi. Chúng tôi mong muốn người dân chia sẻ những khó khăn để dự án sớm hoàn thành. Khi đó, không chỉ đường phố khang trang, mà cuộc sống người dân cũng có thêm điều kiện để phát triển hơn”
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.