Thành phố Cần Thơ: Đẩy mạnh hiệu quả tín dụng chính sách
Tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; gắn hoạt động tín dụng chính sách với hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư để nâng cao hiệu quả vốn vay; khuyến khích người vay tham gia xây dựng các mô hình sản xuất, chuỗi liên kết, tổ hợp tác... Qua đó, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố là nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh Cần Thơ từ nay đến cuối năm và làm tiền đề cho qua năm 2024.
Theo NHCSXH Chi nhánh Cần Thơ, toàn thành phố có 2.019 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), với 1.983 tổ xếp loại tốt, khá, 1.692 tổ không có nợ quá hạn; trong đó, nhiều tổ không còn thành viên nghèo, cận nghèo. Tổ TK&VV là “cánh tay nối dài” của NHCSXH hoạt động tại ấp, khu vực, tập hợp hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống; cùng tương trợ, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ. Tổ TK&VV tích cực vận động hộ vay vốn tham gia gửi tiết kiệm, tạo thói quen tích lũy, có kế hoạch chi tiêu hợp lý trong gia đình, tự tạo lập vốn để phát triển sản xuất, tạo nguồn trả nợ vay.
Phát vay vốn từ ngân sách địa phương đối với NHCSXH trên địa bàn. Ảnh Trọng Triết
Nổi bật có Tổ TK&VV do anh Nguyễn Minh Tiến, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân khu vực Tràng Thọ 1, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, làm tổ trưởng, duy trì hoạt động hiệu quả. Nhiều năm liền, Tổ không có nợ quá hạn và hiện không còn hộ nghèo, cận nghèo. Anh Tiến chia sẻ, Tổ có 42 thành viên vay gần 1,6 tỉ đồng đầu tư sản xuất, mua bán nhỏ. Còn theo chị Nguyễn Trần Ngọc Muội, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN phường Thốt Nốt, Tổ trưởng tổ TK&VV, hiện Tổ có 49 thành viên, vay trên 2,4 tỷ đồng, chủ yếu mua bán nhỏ, kinh doanh dịch vụ. Tổ không có nợ quá hạn và không còn hộ nghèo, cận nghèo. Chị Hồ Thị Kim Hoa, chủ quán điểm tâm ở khu vực Long Thạnh A, cho biết: “Hơn 6 năm nay, tôi bán bún mắm, trừ chi phí, thu nhập từ 250.000 đồng/ngày. Tôi được hỗ trợ vay 15 triệu đồng mua nguyên liệu chế biến. Tôi cân đối chi tiêu để dành tiền đóng lãi, gởi tiết kiệm hằng tháng”. Hiện toàn quận Thốt Nốt có 217 tổ TK&VV, trong đó, có 195 tổ xếp loại tốt.
Thời gian tới, cùng với tăng cường TK&VV hướng dẫn, quản lý việc thành viên sử dụng vốn hiệu quả, để không còn hộ nghèo, cận nghèo. Mục tiêu hoạt động mà NHCSXH Chi nhánh Cần Thơ luôn nỗ lực thực hiện để ngày càng phát triển vững mạnh, là điểm tựa giúp người vay vốn an tâm phát triển kinh tế.
Đáng chú ý, UBND TP Cần Thơ vừa ban hành văn bản số 4394/UBND-KT về việc thực hiện tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (NCHXAPT) theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, giao Công an thành phố phối hợp NHCSXH Chi nhánh Cần Thơ và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan; phối hợp Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu HĐND, UBND thành phố bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH Chi nhánh Cần Thơ để cho vay đối với NCHXAPT và cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là NCHXAPT. Đồng thời, chỉ đạo công an cấp xã phối hợp chính quyền địa phương, định kỳ ngày 5 hằng tháng cung cấp danh sách NCHXAPT có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn chuyển NHCSXH quận, huyện làm căn cứ cho vay; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, kịp thời cung cấp thông tin để NHCSXH giải quyết, xử lý khi người vay vốn bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, đi khỏi nơi cư trú, phạm tội mới hoặc có dấu hiệu thất thoát vốn vay, không khả năng thu hồi nợ. Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phối hợp NHCSXH Chi nhánh Cần Thơ tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng này để NCHXAPT biết, thực hiện; phối hợp chính quyền, trưởng ấp, khu vực kịp thời bình xét, cho vay cũng như kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích…/.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.