Dự án 35 Nhà Chung (Hà Nội): Cần làm rõ việc chiếm dụng vốn trái phép
“Vẽ voi” mời chào
Theo đó, ngày 4/12/2008, UBND TP. Hà Nội có Công văn số 3718/UBND-GT gửi Sở Xây dựng, UBND quận Hoàn Kiếm và Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội với nội dung: UBND Thành phố nhận được Văn bản số 2997/SXD-PTN ngày 24/11/2008 của Sở Xây dựng báo cáo về việc quản lý nhà tại số 35 phố Nhà Chung (không nằm trong danh sách nhà có yếu tố tôn giáo) và đề nghị giao Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội thực hiện các thủ tục lập dự án cải tạo xây dựng lại biển số nhà nói trên theo nhiệm vụ đã giao tại QĐ số 771/QĐ-UBND ngày 16/9/2008 của UBND Thành phố.
UBND Thành phố đồng ý về nguyên tắc đề nghị của Sở Xây dựng; giao Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội điều tra, nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng lại tại biển số nhà 35 phố Nhà Chung…
Đến ngày 20/3/2009, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã ký HĐ nguyên tắc hợp tác về việc lập và thực hiện đầu tư xây dựng dự án trên với Công ty CP Tư vấn và Đầu tư phát triển Thanh Thảo, đại diện là ông Đỗ Văn Minh, Giám đốc công ty. Nội dung hợp tác đầu tư là thống nhất lập dự án phá dỡ và xây dựng nhà 35 phố Nhà Chung. Đây được coi là căn cứ để ký HĐ liên doanh hợp tác đầu tư sau này.
Điều đáng nói ở đây, mặc dù chỉ qua mối quan hệ quen biết, chứ không có bất kỳ tư cách pháp nhân nào liên quan đến dự án trên, nhưng tháng 4/2010, bà Nguyễn Thị Thảo đã mời chào bà Đặng Thị Minh Hiền, tại Lô 7, TT4, KĐT Mỹ Đình, (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) tham gia góp vốn đầu tư vào Dự án 35 Nhà Chung bằng một HĐ ký kết góp vốn đầu tư số 01/HĐGV.
Qua đó, hai bên sẽ cùng nhau góp vốn để đầu tư mua lại toàn bộ phần chuyển nhượng của các hộ gia đình tại số nhà 35 Nhà Chung và được quyền khai thác toàn bộ phần diện tích các hộ gia đình đã chuyển nhượng.
Sau khi ký HĐ, từ tháng 5 - 6/2010, bà Hiền đã chuyển khoản 3 lần (3 tỷ, 3 tỷ và 4 tỷ), tổng số tiền 10 tỷ đồng vào tài khoản cá nhân của bà Thảo. Tuy nhiên, đến nay, bà Thảo vẫn chưa triển khai thực hiện những thỏa thuận đã được ký kết giữa hai bên?
Mặc dù bà Hiền đã nhiều lần yêu cầu bà Thảo cung cấp thông tin về dự án và hoàn trả lại số tiền trên, nhưng bà Thảo mới trả lại số tiền là 3,6 tỷ đồng.
Ngấm ngầm thỏa thuận…
Tại Biên bản làm việc ngày 15/5/2013, giữa bà Thảo và đại diện theo ủy quyền của bà Hiền, bà Thảo đã đề xuất phương án để bà Hiền trở thành đồng chủ sở hữu một trong các căn hộ mà bà Thảo đã mua (tại 35 Nhà Chung), tương ứng với khoản tiền 6,5 tỷ đồng.
Đồng thời, trong 2 tuần kể từ ngày 15/5/2013, bà Thảo sẽ cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan gồm bản gốc HĐ thuê nhà, giấy ủy quyền, giấy biên nhận thanh toán... của tất cả các căn hộ đã mua; trong vòng 60 ngày bà Thảo sẽ hoàn thành các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để bà Hiền cùng đứng tên đồng chủ sử dụng và chủ sở hữu căn nhà theo tỷ lệ tiền góp đã mua căn hộ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, bà Thảo vẫn chưa thực hiện bất kỳ cam kết nào trong biên bản.
Qua tìm hiểu được biết, các giấy biên nhận, giấy chuyển nhượng của một số hộ dân ở đây cho bà Thảo đều là giấy viết tay, không có người làm chứng, không được chứng thực tại văn phòng công chứng và chứng nhận của các cơ quan có thẩm quyền. Việc tự ý, ngấm ngầm mua bán, chuyển nhượng lại cho nhau giữa hai bên, tính pháp lý của các HĐ chuyển nhượng ở đây là gì?
Làm việc với phóng viên, ông ĐVN (xin được giấu tên), một trong các hộ gia đình tại số 35 Nhà Chung cho biết: “Trước kia, nơi đây là Xưởng in Tenesa và từ năm 1963, Nhà nước quản lý, cho các hộ dân thuê lại. Năm 2009, Sở Xây dựng đã họp bàn với dân và có ý xây dựng khu chung cư tại đây, song đến nay vẫn chưa thực hiện được, việc mua bán trên là do các bên tự ngấm ngầm thỏa thuận với nhau…”.
Tại Điều 139 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có quy định về “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”:
“Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 500.000 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 500.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
… Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.