Dự thảo đổi mới chương trình, sách giáo khoa
2016-03-24 21:10:28
0 Bình luận
Hôm nay (24/3) tại Trường Cán Bộ quản lý giáo dục TP HCM diễn ra Hội thảo khoa học “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa” do Câu lạc bộ Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh thành phía Nam tổ chức.
Toàn cảnh hội thảo
Tham dự hội thảo có TS Nguyễn Vinh Hiển – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT và các giám đốc, phó giám đốc Sở GD&ĐT của 32 tỉnh thành phía Nam với 32 bài tham luận, ý kiến.
Hội thảo bàn về khía cạnh đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình sách giáo khoa. Đây là một trong các giải pháp chủ yếu được thực hiện xuyên suốt qua các giai đoạn của lộ trình đổi mới chương trình sách giáo khoa sau năm 2015.
Mở đầu hội thảo, PGS. TS Nguyễn Xuân Tế - Hiệu trưởng Trường CBQL Giáo dục TP HCM - phát biểu đề dẫn: Sự thành công của Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa lần này tùy thuộc rất lớn vào hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên.
Do đó, để đảm bảo mục tiêu đổi mới chương trình sách giáo khoa lần này là “tạo chuyển biến căn bản toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông, kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa, đức, trí thể, và phát huy tốt nhất tiềm năng của học sinh thì phải hiểu thấu đáo và thể hiện đầy đủ trong các hoạt động – một số định hướng sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Thứ hai, công tác đào tạo bồi dưỡng phải thực sự hiệu quả với đối tượng thụ hưởng chính là người dạy và người học.
Như vậy, ngay từ bây giờ, các Sở GD&ĐT, các trường phổ thông cần phải chuẩn bị cho mình một nguồn nhân lực, vật lực đủ sức thực hiện các nhiệm vụ nói trên sao cho người dạy thật sự thông suốt những điều mới mẻ, thành thạo các kỹ năng giảng dạy; sao cho người học thực sự hứng thú với những thông điệp mới, vận dụng sáng tạo những điều đã học để có thể giải quyết tốt các vấn đề đặt ra.
Thứ ba, nâng cao vai trò của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đặc biệt, trong cuộc đổi mới này, các cơ sở, các trường cần phải chủ động nâng cao vai trò của mình qua việc nắm bắt các vấn đề mới, nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng phát triển năng lực, phát triển chương trình nhà trường, dạy học phân hóa, tích hợp, huấn luyện một đội ngũ giảng viên đủ tầm.
Chia sẻ tại hội thảo, NGND, TS Đặng Huỳnh Mai – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - cho rằng: Có nhiều giải pháp để đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý của ngành giáo dục. Các nội dung đào tạo cần có sự gắn kết hữu cơ để thúc đẩy mọi người vì sự phát triển ngành. Do đó, không phải cán bộ quản lý học một lớp, một lần là đủ…
Ngoài những ý kiến chia sẻ tại hội thảo, nhiều ý kiến được ghi nhận trong tham luận từ các ban ngành và tỉnh/ thành được ban tổ chức tổng hợp gửi về Bộ GD&ĐT
Thay mặt Bộ GD&ĐT, TS Nguyễn Vinh Hiển ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tham luận, đề xuất đến từ đại diện các Sở GD&ĐT./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo giaoducthoidai.vn