Dừng giải ngân gói 30.000 tỷ từ ngày 1/6: Sự thực gây hoang mang
Trở tay không kịp
Trước thông tin sau ngày 31/5/2016 người mua nhà đã hợp đồng vay gói 30.000 tỷ đồng sẽ không còn được hưởng lãi suất ưu đãi đối với khoản giải ngân sau thời hạn này, nhiều người dân đang cảm thấy rất hoang mang.
Theo tìm hiểu của phóng viên qua một số nhân viên tín dụng đang phụ trách giải ngân gói 30.000 tỷ của ngân hàng BIDV, Tienphong Bank... tại Hà Nội thì hầu hết đều bảo đã nghe tin nhưng "khó trả lời", chưa chắc chắn phương án đối với những người đang giải ngân dở dang thì sẽ như thế nào, hoặc đang chờ văn bản quyết định chính thức của ngân hàng mới trả lời được.
Hương Giang
Anh Nguyễn Minh Hải, người mua căn hộ tại dự án First Home Thạnh Lộc (Quận 12, TP.HCM) cho biết anh mua căn hộ tại dự án này với giá 520 triệu đồng. Vì không đủ tiền nên anh đành vay khoảng 320 triệu đồng của Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) từ gói 30.000 tỷ đồng. Đến thời điểm này Vietinbank mới chỉ giải ngân cho anh được khoảng 50 triệu đồng tổng số tiền vay.
Theo anh Hải, với khoản vay của mình mỗi tháng anh phải trả gần 3 triệu đồng bao gồm cả gốc và lãi, trong đó phần lãi là 1,7 triệu đồng. Gần đây anh nghe tin những người vay từ gói tín dụng này sẽ không còn được hưởng lãi suất ưu đãi trong các lần giải ngân sau ngày 31/5 tới đây thì rất lo lắng.
Anh Hải cho hay với khoảng 260 triệu đồng ngân hàng chưa giải ngân, nếu sau ngày 1/6 anh thì phải trả lãi suất thương mại. Tính sơ mỗi tháng vợ chồng anh phải “gồng gánh” lên hơn 5 triệu đồng. “Để có tiền trả nợ hàng tháng tôi đã lên kế hoạch chi tiêu rất cụ thể, giờ nếu mỗi tháng phải trả gần gấp đôi như thế thì thật khó khăn”, anh Hải chia sẻ.
Nhiều người vay gói 30.000 tỷ đồng lo lắng khi biết khoản lãi phải trả cho các đợt giải ngân sau ngày 31/5 tới đây sẽ tăng cao. |
Một số khách hàng mua căn hộ tại dự án HQC Hóc Môn (Công ty Địa ốc Hoàng Quân là chủ đầu tư) cũng tâm trạng như của trường hợp anh Hải. Các khách hàng vay gói 30.000 tỷ đồng mua căn hộ tại đây cho biết đến nay họ chỉ được giải ngân khoảng 70% trên tổng số tiền vay. Và nếu lãi suất số tiền còn lại được ngân hàng tính như lãi suất thương mại thông thường thì họ sẽ phải trả thêm một khoản đáng kể.
Nhiều người vay gói 30.000 tỷ đồng cho rằng trước khi đặt bút ký hợp đồng vay đã không được tư vấn một cách rõ ràng, chính vì thế khi biết thông tin này thì trở tay không kịp, bởi đa số họ đều đã có lên kế hoạch trả nợ dài hơi và đáng nói hơn họ là người có thu nhập không cao.
Chủ đầu tư nên ngồi lại với ngân hàng
Một đại diện của Ngân hàng Nhà Nước chi nhánh TP.HCM cho biết, theo quy định tại Thông tư 11 sau ngày 31/5/2016 gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng sẽ ngưng giải ngân. Tức là mọi đối tượng thuộc diện vay gói tín dụng này sẽ không còn được hưởng lãi suất ưu đãi với các khoản giải ngân sau thời hạn này. Quy định này áp dụng cho cả doanh nghiệp xây dựng nằm trong diện được vay và người mua nhà cá nhân.
Cũng theo vị này, không có sự khác biệt nào giữa người vay mua nhà ở xã hội hay nhà ở thương mại. Đến nay người dân đang hiểu sai là người vay mua nhà ở xã hội thì sẽ không thuộc sự điều chỉnh của Thông tư 11 và vẫn được hưởng lãi suất ưu đãi như quy định tại Nghị định 100 của Chính phủ về chính sách quản lý và phát triển nhà ở xã hội.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), liên quan đến vấn đề giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, hiệp hội cùng các cá nhân, tổ chức khác đã nhiều lần kiến nghị nên kéo dài đến năm 2018 hay tốt hơn là không giới hạn thời gian. Nhưng ý kiến này đã không nhận được sự đồng ý của Ngân hàng Nhà Nước.
Ông Châu cho hay trong số 17.711 tỷ đồng đã giải ngân thì khoản vay cho người mua nhà ở xã hội chỉ chiếm 3.978 tỷ đồng, vay mua nhà thương mại là 8.062 tỷ đồng và vay cải tạo, xây mới nhà là 1.731 tỷ đồng. Qua đó cho thấy tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ còn khá chậm.
Chủ tịch HoREA cho rằng cách giải quyết vấn đề tối ưu nhất hiện nay là các chủ đầu tư nên ngồi lại với ngân hàng để có cách linh hoạt giải ngân cho người mua nhà sớm nhất có thể. Nhiều chủ đầu tư đang xây dựng dự án nhà ở xã hội cũng đang “đứng ngồi không yên” bởi họ cũng sẽ không được hưởng lãi suất ưu đãi từ gói 30.000 tỷ cho các khoản giải ngân sau ngày 31/5/2016. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2015, tổng số tiền đã cam kết cho vay thuộc gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ về nhà ở là 26.999 tỷ đồng (đạt 90%). Trong đó, tổng số tiền đã giải ngân là 17.711 tỷ đồng, đạt 59%.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.