Giấc mơ làm kỹ sư công nghệ của chàng trai viết chữ bằng chân
Sang tưới nước cho những chậu xương rồng - Ảnh: P.L.
Tôi là Nguyễn Tấn Sang, năm nay tôi 22 tuổi, tôi đang viết bằng chân và học lớp 8. Mong ước sau này làm nghề công nghệ thông tin, vì đôi chân tôi có thể sử dụng được máy tính. Không gì là không thể, tôi nghĩ vậy và bắt đầu cho tương lai của mình từ hôm nay như cách tôi bắt đầu viết chữ cách đây 8 năm".
--------(Tự sự của Sang)---------
Với Sang, chẳng có ngày nào đẹp hơn ngày bước vào lớp 1 lúc 15 tuổi - cái ngày Sang dùng đôi chân mình họa hình những con chữ đầu tiên tại lớp học. "Đó là ngày hạnh phúc nhất của tôi. Ngày tôi khuất phục tạo hóa, ngày tôi thấy mình cũng như bao người bình thường khác", Sang nói.
Đôi chân không chỉ để đi
Sang nhớ hết những bất lực mình đã trải qua, nhớ những lần mẹ ghì lấy đôi tay cậu, cố gắng tập luyện cho cậu tự cầm các vật dụng đơn giản nhất. Nhưng đôi tay Sang không chịu nghe lời. Sang và mẹ càng cố điều khiển thì chúng càng trơ ra.
Những tháng ngày khó khăn rồi cũng thành quen, bà Bé - mẹ Sang - chấp nhận sự thật. Bà nói: "Tôi từng buông xuôi và những gì xảy ra tôi đổ lỗi cho số mệnh". Bà mẹ buông xuôi nhưng Sang thì không. Đôi tay yếu ớt và vô dụng nhưng ý chí và nghị lực của cậu thật mãnh liệt.
Sang bắt đầu chinh phục đôi chân. Cậu lặng thầm luyện tập, gắp từng khúc cây, nâng từng hòn sỏi... Sang hạnh phúc khi các vật dụng đơn giản dần dần được đôi chân giữ vững. "Đó là tín hiệu để tôi biết đôi chân tôi có thể làm được những gì, và nó không chỉ để đi", Sang nói.
Chính vì lẽ đó, Sang muốn đi học. Bà Bé đưa con đến trường tiểu học gần nhà nhưng bị từ chối. Bà phải đạp xe 30 cây số đưa con ra trường khuyết tật tại thành phố Quảng Ngãi. Cô giáo Thủy - phó hiệu trưởng - đồng ý nhận Sang".
Cô Lê Thị Tiên - giáo viên chủ nhiệm lớp 1 của Sang - nhớ lại: "Đau đớn vì hai ngón chân sưng vù, mồ hôi đổ đầm đìa, vậy mà Sang vừa bậm môi vừa viết. Tôi giữ chân Sang cũng không dám cầm mạnh vì sợ con đau. Lúc con viết được chữ ghép, tôi vui lắm".
Cô Tiên và cô Thủy có một vị trí rất đặc biệt trong cuộc đời Sang. Một người mở cánh cổng trường, còn một người giúp em mở đầu con chữ. "Tôi biết ơn hai cô và mẹ lắm. Tôi nghĩ nếu không có ba người này, tôi sẽ chẳng biết con chữ là gì".
Sang cần mẫn viết chữ bằng chân trong lớp học - Ảnh: P.L.
Khát vọng học tập
Tám năm trôi qua, giờ Sang bước vào lớp 8, bàn chân không còn sưng vù khi viết chữ nữa. Sang của hôm nay viết lèo vài trang giấy, làm phép tính, nháp từng bài tập cũng chẳng phải điều khó khăn. Đôi chân ấy giờ còn vẽ rất đẹp. Nhìn cách Sang nhẹ nhàng lật từng trang vở bằng chân và cho biết ước mơ trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin trong tương lai khiến tôi nhớ đến nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, người cũng dùng chân viết chữ như Sang.
Sang đã sống như một chồi cây, khuất phục dần những khó khăn của số mệnh. Cậu cho người khác thấy rằng trên đời này chẳng có điều gì là không thể, chỉ cần dám ước mơ, khao khát. "Tôi nghĩ mình có thể sửa chữa lại cuộc đời bằng đôi chân này", Sang nói.
Hôm rồi, bài văn viết về nghị lực quanh mình tại trường, nhiều học sinh đã lấy hình ảnh của Sang làm hình mẫu. Điều ấy khiến Sang hạnh phúc. Em Phạm Ngọc Nhân, Trường THCS Đức Phú, nói: "Hình ảnh của anh Sang mỗi ngày khiến tụi em cố gắng nhiều hơn. Ở đây ai cũng khâm phục nghị lực của anh ấy".
Mỗi ngày, Sang đều chép lý thuyết vào vở trước khi đến lớp, vì viết chậm hơn các bạn. Từng con chữ đối với Sang là giá trị cuộc sống, bởi vậy cậu bé viết rất nắn nót, giữ vở sạch sẽ. Cô giáo Trần Thị Kim Oanh - dạy môn sinh học, chủ nhiệm lớp 8C - cho biết: "Sang rất hiền và chăm chỉ. Vừa rồi chấm bài kiểm tra môn sinh, em được điểm 8. Tôi rất vui và tự hào về em".
Sang và em gái út học chung một lớp. Cô bé là lớp trưởng, trước đây học lớp chọn nhưng đã xin qua học cùng để giúp đỡ anh. Mỗi ngày, hai anh em chở giấc mơ trên con đường làng để đến lớp.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.