Giải pháp chính sách tín dụng động lực phát triển kinh tế tư nhân
Động lực phát triển kinh tế chính của đất nước
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 10 năm trở lại đây, khu vực KTTN chiếm khoảng 40% GDP và đang có dấu hiệu tăng lên nữa. Riêng năm 2018, mức đóng góp của KTTN vào GDP khoảng 42,1%. Bên cạnh đó, KTTN còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho xã hội. Năm 2019, số lao động đang làm việc trong khu vực KTTN chiếm 83,3% tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc của cả nước (khoảng 45,2 triệu người). Thêm nữa, trong khi tỷ trọng vốn đầu tư từ kinh tế nhà nước ngày càng giảm mạnh thì tỷ trọng này của khu vực KTTN trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh và vượt qua mức 40% trong hai năm 2017 và 2018. Cùng với đó, thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ khu vực KTTN ngày càng tăng, đặc biệt, năm 2018 là năm đầu tiên thu NSNN từ sản xuất, kinh doanh của khu vực này vượt qua khu vực FDI và doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đây là những tín hiệu phản ánh sự lớn mạnh về quy mô, số lượng chủ thể và hiệu quả của KTTN. Đồng thời, xu hướng này sẽ tiếp tục được duy trì cùng với quá trình tái cơ cấu các DNNN. Nghị quyết Hội nghị TW 5 khóa XII ngày 3/6/2017 đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 khu vực KTTN cả nước có ít nhất một triệu DN; đến năm 2025, có hơn 1,5 triệu DN và đến năm 2030, có ít nhất hai triệu DN; chiếm tỷ trọng 50% GDP vào năm 2020, tăng lên 55% vào năm 2025 và khoảng 60 - 65% vào năm 2030. Bình quân giai đoạn 2016-2025, năng suất lao động tăng khoảng 4-5%/năm. Thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của DN tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; nhiều DN tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu…
Toàn cảnh Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020
Xu hướng nổi bật của KTTN Việt Nam là vị thế ngày càng được cải thiện và trở thành nguồn động lực phát triển kinh tế chính của đất nước. Năm 2019, số DN thành lập mới tăng cả về số lượng, vốn đăng ký và số lao động. Trong đó, số DN thành lập mới đạt mức kỷ lục 138.100 DN với tổng vốn đăng ký là 1,7 triệu tỷ đồng, đạt bình quân 12,5 tỷ đồng/DN - mức cao nhất trong những năm trở lại đây. Nếu tính cả 2,27 triệu tỷ đồng vốn tăng thêm của 40.100 DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn bổ sung vào nền kinh tế năm 2019 là trên 4 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 39.400 DN quay trở lại hoạt động, tăng 15,9% so với năm 2018, nâng tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động lên 177.500 DN. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 10,2% và bằng 33,9% GDP, trong đó, vốn khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 942.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất (46% tổng vốn đầu tư) và đạt tốc độ tăng vốn cao nhất (17,3%) so với năm trước, khẳng định rõ chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân đã trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Vốn khu vực nhà nước đạt 634.900 tỷ đồng, chiếm 31% và tăng 2,6%. Khu vực FDI đạt 469.400 tỷ đồng, chiếm 23% và tăng 7,9%.
Đòn bẩy tín dụng hỗ trợ KTTN
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về tiền tệ, ngân hàng, tạo thuận lợi cho khách hàng nói chung, KTTN nói riêng tiếp cận vốn vay. Năm 2019, NHNN bám sát chỉ đạo của Chính phủ, diễn biến thị trường để triển khai tổng thể các biện pháp nhằm tạo điều kiện cho DN và người dân tiếp cận vốn vay chi phí hợp lý, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Từ ngày 16/09/2019, NHNN điều chỉnh giảm đồng bộ 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; từ ngày 19/11/2019 giảm 0,2-0,5%/năm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng và 0,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm 0,75%/năm lãi suất nghiệp vụ thị trường mở. Đồng thời, chỉ đạo TCTD chủ động cân đối nguồn vốn và năng lực tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; điều hòa thanh khoản ổn định thị trường, nhờ đó duy trì lãi suất thị trường liên ngân hàng phù hợp, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn chi phí hợp lý cho TCTD. Kết quả sau các động thái điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm. Lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,2-0,5%/năm và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%/năm. Các TCTD có thị phần lớn chủ động giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên, áp dụng chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp với nhiều đợt cắt giảm trong năm 2019.
Trong bối cảnh chịu áp lực từ biến động thị trường quốc tế, NHNN đã điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, điều chỉnh tỷ giá mua/bán ngoại tệ với các TCTD bám sát diễn biến thị trường. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường diễn biến ổn định, thanh khoản dồi dào; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Tín dụng tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, tập trung phân bổ vào lĩnh vực sản xuất, ưu tiên tạo động lực cho phát triển, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu hợp pháp về vốn, nhất là vốn tín dụng tiêu dùng của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen. Tín dụng ngoại tệ tiếp tục được kiểm soát theo đúng lộ trình hạn chế đô la hóa theo chủ trương của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý.
Trong năm 2019, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, để góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”, trong các Chỉ thị từ đầu năm, Thống đốc NHNN đều yêu cầu các TCTD đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và người dân tiếp cận vốn; có giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Đồng thời, NHNN đã ban hành Quyết định 1178/QĐ-NHNN về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/4/2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính cũng được NHNN đặc biệt quan tâm. NHNN đã liên tiếp 4 năm liền xếp vị trí số 1 về cải cách hành chính (CCHC) trong các Bộ, cơ quan ngang bộ. NHNN xác định mục tiêu xuyên suốt là đẩy mạnh CCHC trong hệ thống NHNN gắn với đổi mới phương thức phục vụ của ngành Ngân hàng lấy người dân, DN làm trung tâm và phải tạo chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường kinh doanh trong hoạt động ngân hàng.
Với việc triển khai các giải pháp quyết liệt trên, ngành Ngân hàng cơ bản đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, các nhu cầu đời sống chính đáng của người dân. Đến cuối năm 2019, tín dụng tăng khoảng trên 13,70% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý. Ước đến 31/12/2019, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 11% so với cuối năm 2018, chiếm khoảng 25% tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng đối với DN nhỏ và vừa tăng khoảng 16%, tín dụng đối với DN ứng dụng công nghệ cao tăng khoảng 15%. Theo báo cáo về Môi trường kinh doanh 2020 được Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 24/10/2019, Chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam xếp hạng 25/190 nền kinh tế, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (chỉ sau Brunei - hạng 1/190).
Công tác cơ cấu lại các TCTD cũng tiếp tục được đẩy mạnh. Sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững, thể hiện ở các mặt như: Năng lực tài chính của các TCTD tiếp tục được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm; quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng; năng lực quản trị điều hành, hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ và quản lý rủi ro của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế; sự minh bạch trong hoạt động của hệ thống các TCTD đã được nâng cao một bước... Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD.
Trong lĩnh vực thanh toán, bên cạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Nhu cầu vốn của nền kinh tế rất lớn và hệ thống ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn chủ đạo cho nền kinh tế, trong đó tỷ trọng vốn cho vay trung dài hạn, vốn đầu tư cho nền kinh tế rất lớn. Quy mô tín dụng đến nay đã đạt trên 8,2 triệu tỷ đồng từ hệ thống ngân hàng, trong đó dư nợ đối với khối DN là trên 4 triệu tỷ đồng, chiếm trên 53%. Đặc biệt, DNNN chỉ khoảng xấp xỉ 5% trong tổng dư nợ tín dụng cho DN, trong khi khối DN tư nhân chiếm 43%, còn lại là hộ kinh doanh và cá nhân chiếm khoảng 45,7%. Hiện nay vốn tín dụng cho KTTN chiếm gần 90% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 19% tổng dư nợ cho vay. Vốn tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của DN tư nhân, kể cả DN FDI, DN liên doanh, công ty cổ phần, hộ gia đình, cá nhân, tổ hợp tác trong mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề.
Năm 2019, cả nước có 2.756 DN nông, lâm, thủy sản (NLTS) được thành lập mới, tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số DN nông nghiệp lên 12.581 DN tăng 36,23%. Cũng trong năm qua, có 17 dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản lớn với tổng mức đầu tư trên 20 nghìn tỉ đồng đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, năm qua ngành nông lâm ngư nghiệp đã thành lập mới 6 liên hiệp HTX và 1.800 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 45 liên hiệp HTX nông nghiệp và 15.300 HTX nông nghiệp trên cả nước. Trong đó, có gần 73% số HTX hoạt động có hiệu quả. Tỉ lệ HTX tham gia dịch vụ tiêu thụ nông sản cho xã viên tăng từ dưới 10% trước đây lên 24,5%. Cả nước hiện có 36 nghìn trang trại theo tiêu chí mới, tăng 500 trang trại so với năm 2018. Các trang trại ngày càng sử dụng nhiều đất đai, lao động và sản lượng nông sản hàng hóa lớn; tổ chức sản xuất theo chuỗi, hợp tác liên kết quy mô lớn tiếp tục được nhân rộng ở các lĩnh vực và nhiều địa phương. Đặc biệt trong năm qua, lực lượng DN nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh. Năm 2019, cả nước thành lập mới trên 2.750 DN, tăng trên 25% so với năm 2018, nâng tổng số DN trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp lên gần 12.600 DN, tăng 36%. Đáng lưu ý, NLTS là một trong những lĩnh vực có số DN quay lại hoạt động cao hơn đáng kể so với lượng tạm ngừng. Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các DN nhỏ và vừa, một số tập đoàn, DN lớn đã mở rộng đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như TH, Vinamilk, Đồng Giao, Nafoods, Dabaco, Masan, Lavifood, Ba Huân, Biển Đông. Lực lượng DN nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
Cùng với hiệu ứng của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ được nâng cao năng lực, một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sâu. Năm qua, có 17 dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản lớn với tổng mức đầu tư trên 20 nghìn tỉ đồng đi vào hoạt động. Tính từ năm 2018 đến nay, tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp trên 33 nghìn tỉ đồng với 30 dự án đã hoạt động và đang triển khai trên cả nước, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng NLTS.
Ở cấp quốc gia, đến nay đã có 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (Hậu Giang, Phú Yên và Bạc Liêu) và 8 khu khác đang trong quá trình hoàn thiện đề án. Cấp địa phương, có 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về nuôi trồng thủy sản, trồng hoa, lúa, chuối được địa phương công nhận; 124 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do DN đầu tư được UBND cấp tỉnh thành lập. Hiện cả nước có 45 DN nông nghiệp được công nhận là DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cùng với việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, số lượng các chuỗi liên kết, ứng dụng khoa học kĩ thuật trong sản xuất nông nghiệp cũng tăng lên đáng kể. Năm qua, đã xây dựng và vận hành ổn định gần 1.484 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, tăng 388 chuỗi so với năm 2018, với 2.374 sản phẩm (tăng 948 sản phẩm) với 3.267 địa điểm bán nông sản của chuỗi (tăng 93 địa điểm). Bước đầu tiến hành xây dựng các chuỗi liên kết một số sản phẩm chủ lực trên quy mô vùng như chuỗi liên kết cá tra ba cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL; chuỗi liên kết trồng, chế biến, xuất khẩu lâm sản; chuỗi liên kết lúa gạo với hàng ngàn hộ trồng lúa ở vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, các NHTM cũng đang triển khai đồng bộ các biện pháp thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP; chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra theo Quyết định số 540/QĐ-TTg, ngày 16/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách đối với lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản; cho vay phục vụ tái canh cây cà phê ở khu vực Tây nguyên; Chương trình tín dụng xanh.
Để phát triển KTTN Đảng và Nhà nước (i) Sớm hoàn thiện lý luận, tạo cơ sở cho việc thống nhất nhận thức về vai trò của KTTN trong nền kinh tế thị trường. Đặc biệt, cần nhấn mạnh “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, KTTN là động lực quan trọng của nền kinh tế” và xác định đúng vị trí, vai trò của mỗi khu vực trong nền kinh tế. (ii) các quy định pháp luật cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo hướng xóa bỏ các thủ tục phiền nhiễu trong việc xúc tiến đầu tư, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn kinh doanh. Đặc biệt, Nhà nước cần xem xét việc xóa bỏ các ưu đãi theo thành phần kinh tế để xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng; xóa bỏ các rào chắn ngăn cản quá trình tự do hóa đi vào thị trường, bảo đảm quyền sở hữu tư nhân. Bên cạnh đó, KTTN cũng cần được bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, sử dụng các nguồn tài nguyên của quốc gia như các thành phần kinh tế khác. Cần hoàn thiện khuôn khổ pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, những rào cản pháp lý, sự vướng mắc, rườm rà trong các thủ tục hành chính hiện nay chính là rào cản lớn, khiến DN tốn thêm thời gian, chi phí và không thể toàn tâm vào nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Do đó, Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính một cách thực chất hơn nữa, từ đó tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho DN được sáng tạo, phát triển. (iii) thực hiện đúng tinh thần “những gì mà pháp luật không cấm thì các DN đều có thể được làm”, đặc biệt là cần hỗ trợ các DN tư nhân tiếp cận thông tin thị trường, khuyến khích đầu tư nghiên cứu đổi mới kỹ thuật, công nghệ, vận dụng các tiến bộ kỹ thuật công nghệ vào trong sản xuất, kinh doanh và quản trị DN. (iv) bản thân các DN cần chủ động xây dựng và phát triển văn hoá DN lành mạnh, hình thành đội ngũ doanh nhân có trách nhiệm với xã hội, sống và làm việc tuân thủ những chuẩn mực do DN xây dựng, đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động, từ đó thay đổi thái độ mặc cảm đối với các DN và doanh nhân thuộc khu vực KTTN. (v) Nhà nước cần có chính sách khẳng định rõ các DN tư nhân trong nước sẽ là trụ cột của nền kinh tế quốc dân và năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngoài ra, cần có các biện pháp thích hợp để phát huy tiềm năng của hộ kinh doanh như: khuyến khích hộ kinh doanh đăng ký thành lập DN; cải cách các quy định pháp luật nhằm xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp nhất để hộ kinh doanh có thể chuyển đổi thành DN.
Một vấn đề quan trọng nữa hiện nay là chính sách phát triển DN cần ưu tiên vào việc nâng cao trình độ công nghệ. Các DN tư nhân cần được hỗ trợ để đảm bảo việc ứng dụng công nghệ và kiến thức sẽ dẫn đến năng suất cao hơn, tăng trưởng mạnh mẽ hơn./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.