Giải pháp tài chính tăng vốn điều lệ ngân hàng thương mại nhà nước
Thực trạng vốn điều lệ và tỉ lệ an toàn vốn
Vốn điều lệ của một NHTM là cấu phần dùng để xác định vốn tự có cấp 1 của NHTM đó. Do đó, để đáp ứng được yêu cầu về tỉ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu, các NHTM có thể tăng vốn bằng nhiều cách, trong đó tăng vốn điều lệ là một trong những cách giúp NHTM có thể tăng được CAR.
Ở Việt Nam hiện nay, theo quy định NHTM Nhà nước là NHTM trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ. NHTM Nhà nước bao gồm NHTM do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và NHTM cổ phần do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Theo đó, trên thực tế hiện nay đang có 7 NHTM Nhà nước bao gồm 4 NHTM do Nhà nước sở hữu 100% và 3 NHTM cổ phần do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Bốn NHTM do Nhà nước sở hữu 100% bao gồm Agribank và 3 NHTM cổ phần được Nhà nước mua lại là Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí toàn cầu (GP Bank) Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (Ocean Bank) và Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng (CBBank), 3 NHTM cổ phần do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ bao gồm Vietinbank, BIDV và Vietcombank. Do 3 NHTM cổ phần được Nhà nước mua lại đang trong quá trình kiểm soát đặc biệt nên gặp khó khăn trong việc tăng vốn điều lệ.
Về vốn điều lệ của 4 NHTM Nhà nước lớn của Việt Nam, theo thống kê của NHNN, đến cuối tháng 6/2019, vốn điều lệ của 4 NHTM Nhà nước (Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV) đạt 139.006 tỉ đồng. Trong đó, vốn điều lệ của Vietinbank là 37.234 tỉ đồng, cao nhất trong nhóm Big 4. Tiếp theo lần lượt là Vietcombank, BIDV và Agribank với vốn điều lệ tương ứng 37.089 tỉ đồng, 34.187 tỉ đồng và 30.496 tỉ đồng. Nếu so với tổng vốn điều lệ toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) ở Việt Nam vào cùng kì thời điểm này là 586.932 tỉ đồng thì tỉ lệ vốn điều lệ của nhóm này chiếm 23,36% tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống các TCTD ở Việt Nam.
Thứ hạng này đã bị thay đổi vào cuối tháng 10/2019, BIDV đã phát hành riêng lẻ cho đối tác KEB Hana Bank của Hàn Quốc hơn 603,3 triệu cổ phần, tương ứng tỉ lệ 15% vốn điều lệ. Nhờ đó, vốn điều lệ của BIDV đã tăng thêm 6.033 tỉ đồng, từ mức 34.187 tỉ đồng lên hơn 40.220 tỉ đồng, cao nhất trong nhóm Big 4 đến thời điểm hiện nay. Sau giao dịch thành công này, tỉ lệ sở hữu vốn Nhà nước tại BIDV đã giảm từ 95,28% xuống còn 80,80% vốn điều lệ. Tuy nhiên, tỉ lệ sở hữu vốn Nhà nước tại BIDV vẫn còn cao hơn so với Vietinbank (64,46%) và Vietcombank (74,80%).
Về mức độ tăng vốn điều lệ của 4 NHTM Nhà nước lớn, trong vòng gần 5 năm trở lại đây, Vietcombank là ngân hàng được tăng vốn điều lệ nhiều nhất. So với đầu năm 2015, vốn điều lệ hiện có của Vietcombank đã tăng hơn 10.400 tỉ đồng, tương đương tăng hơn 39%. Trong năm 2016, Vietcombank đã phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 35% (tương đương hơn 9.300 tỉ đồng) và gần đây nhất là đầu năm 2019, vốn điều lệ của Vietcombank đã tăng hơn 1.000 tỉ đồng nhờ phát hành cổ phiếu cho GIC và Mizuho Bank. Trong khi đó, Vietinbank sau đợt tăng mạnh vào năm 2013 và 2014 nhờ phát hành cho cổ đông chiến lược thì đến nay gần như không tăng được vốn điều lệ. Agribank chỉ tăng nhẹ được vốn điều lệ khoảng 1.000 tỉ đồng. BIDV nhờ có đợt tăng vốn điều lệ vào thời điểm tháng 10/2019 vừa qua đã trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong 4 NHTM Nhà nước lớn cũng như trong toàn hệ thống các TCTD của Việt Nam.
Quá trình tăng vốn điều lệ của các NHTM Nhà nước bị đánh giá là rất chậm trong thời gian qua. Giai đoạn từ năm 2015-2019, vốn điều lệ của 3 NHTM Nhà nước dường như không đổi. Cùng lúc đó, các NHTM cổ phần khác đã gia tăng mạnh được vốn điều lệ và rất ít trả cổ tức. Ví dụ Techcombank chỉ trong vòng 4 năm qua vốn điều lệ đã gia tăng nhanh từ mốc 10.000 tỉ đồng lên xấp xỉ các NHTM Nhà nước ở thời điểm cuối năm 2019. Thông tin tại buổi làm việc đầu năm 2020 của lãnh đạo Chính phủ với MB cho biết, 2 ngân hàng Vietcombank và Vietinbank sẽ được tăng vốn điều lệ trong quý I/2020 khoảng 10.000 tỉ đồng. Riêng Agribank sẽ được phép dùng toàn bộ lợi nhuận nộp ngân sách nhà nước năm 2020 để tăng vốn điều lệ. Đây là thông tin tích cực cho các NHTM Nhà nước trực tiếp tác động làm tăng tỉ lệ CAR cho các NHTM Nhà nước, đồng thời tiếp tục thể hiện vai trò chủ đạo của các NHTM Nhà nước trên thị trường tài chính tiền tệ ở Việt Nam.
Về CAR của các NHTM Nhà nước, số liệu thống kê gần đây của NHNN cho thấy, tỉ lệ CAR bình quân của 4 NHTM Nhà nước lớn theo chuẩn Basel I chỉ đạt 9,4%, cao hơn mức an toàn tối thiểu theo quy định 9%. Tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với CAR của các NHTM cổ phần (12,1%) và thấp hơn so với mức bình quân chung của toàn hệ thống các TCTD (13%). Theo TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, nếu tính theo chuẩn Basel II, CAR của NHTM Nhà nước lớn sẽ giảm xuống dưới 8%.
Thông tin từ NHNN, đến nay đã có 18 NHTM trong đó có 16 NHTM trong nước và 2 NHTM nước ngoài đáp ứng chuẩn Basel II. Trong số 4 NHTM Nhà nước lớn thì mới chỉ có Vietcombank và BIDV được NHNN chấp thuận thực hiện chuẩn Basel II. NHNN cho biết, những ngân hàng đáp ứng được chuẩn Basel II sẽ được NHNN cấp hạn mức tín dụng ở mức cao hơn so với tỉ lệ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc Vietinbank và Agribank sẽ gặp khó khăn trong hoạt động tăng trưởng tín dụng của năm 2020 nếu không đáp ứng được chuẩn Basel II.
Cơ chế tài chính giúp tăng vốn điều lệ
Báo cáo của NHNN gửi Quốc hội cho thấy, đến cuối tháng 8/2019, tổng tài sản của 4 NHTM Nhà nước (Agribank, Viecombank, Vietinbank và BIDV) đạt 5,081 triệu tỉ đồng, tăng gần 4 lần trong vòng 10 năm và chiếm 43,01% toàn hệ thống các TCTD. Tổng tài sản của các NHTM Nhà nước lớn đều đã vượt qua 1 triệu tỉ đồng, trong đó BIDV và Agribank đã cán mốc 1 triệu tỉ đồng từ năm 2016. Đối với Vietinbank và Vietcombank thì mốc này được vượt qua vào năm 2017 và 2018. Mặc khác, theo một thống kê của NHNN đến cuối tháng 6/2019, tiền gửi của khách hàng tại 4 NHTM Nhà nước đạt hơn 3,95 triệu tỉ đồng, chiếm tới 48% tiền gửi của cả hệ thống TCTD. Cho vay thị trường 1 của nhóm Big 4 này cũng đạt tới 3,652 triệu tỉ đồng, chiếm 47,9% toàn hệ thống các TCTD. Điều này cho thấy rõ vai trò chủ đạo của các NHTM Nhà nước trong hoạt động huy động vốn và cho vay nền kinh tế mà các NHTM tư nhân khó có thể thay thế được.
Tuy nhiên, nhìn chunh việc tăng vốn của Vietinbank và Agribank thời gian qua gặp không ít khó khăn trong khi từ năm 2014 đến 2019, các NHTM Nhà nước đã đóng góp cho ngân sách Nhà nước 92 nghìn tỉ đồng bao gồm 60 nghìn tỉ đồng thuế và 32 nghìn tỉ đồng chi trả cổ tức bằng tiền. So với các NHTM cổ phần thì các NHTM Nhà nước có tỉ lệ trả cổ tức trên lợi nhuận cao hơn. Ngành Ngân hàng của Việt Nam có tiền lệ là có tỉ lệ giữ lại lợi nhuận rất cao để bổ sung vốn điều lệ liên tục qua các năm qua. Tuy nhiên, tỉ lệ trả cổ tức của các NHTM Nhà nước có tỉ lệ cao hơn hẳn.
Lý do gặp khó khăn trong tăng vốn điều lệ ngoài việc Quốc hội không cho phép sử dụng ngân sách Nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước, còn do nhu cầu bổ sung vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu CAR tối thiểu theo chuẩn Basel II, trong khi nguồn lực Nhà nước rất hạn chế. Mặt khác, quy định về tỉ lệ sở hữu Nhà nước trong các NHTM Nhà nước không thấp hơn 65% vốn điều lệ cũng khiến Vietinbank không thể tăng thêm vốn điều lệ. Do đó, để các NHTM Nhà nước có thể tăng được vốn điều lệ nhằm tránh gây xáo trộn không cần thiết về nhân sự và chiến lược kinh doanh, ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng của nền kinh tế, cần tạo ra được cơ chế tài chính thông thoáng để các NHTM Nhà nước có thể tăng được vốn điều lệ, nhằm đáp ứng được mục tiêu đến năm 2020, các NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phài đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực an toàn vốn của Basel II trong “Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Cơ chế tài chính để các NHTM Nhà nước có cơ hội để tăng vốn điều lệ là:
(1) Ngân sách Nhà nước cấp đủ vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước với tư cách là người chủ sở hữu của NHTM Nhà nước phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 199/NĐ-CP của Chính phủ.
(2) Nhà nước chỉ cần nắm giữ tỉ lệ sở hữu Nhà nước thấp nhất là 51% vốn điều lệ của các NHTM Nhà nước. Trên thực tế, sự gia tăng tỉ lệ sở hữu vốn nước ngoài đã làm thay đổi đáng kể cách thức quản trị, chiến lược kinh doanh, đầu tư công nghệ, quản lý rủi ro và gia tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh của các NHTM tư nhân lẫn NHTM Nhà nước.
(3) Tạo cơ chế cho phép các NHTM Nhà nước được sử dụng lợi nhuận giữ lại, chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng, phát hành cổ phần riêng lẻ tương tự như các NHTM cổ phần để tăng vốn điều lệ.
(4) Xây dựng lộ trình tăng vốn điều lệ một cách khả thi từ nhiều nguồn cho từng NHTM Nhà nước để đáp ứng các mục tiêu đã đề ra trong “Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến 2025, định hướng đến năm 2030”. Lộ trình tăng vốn cần gắn chặt và đảm bảo tính khả thi cũng như tính đồng bộ với định hướng chiến lược phát triển ngành Ngân hàng nói chung, các NHTM Nhà nước với vai trò chủ đạo nói riêng, kế hoạch thu chi ngân sách Nhà nước giai đoạn trung hạn, chiến lược và kế hoạch kinh doanh của từng NHTM Nhà nước, cơ chế, chính sách quản lí tài chính của Nhà nước đối với NHTM Nhà nước.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.