Giành giải Nhất cuộc thi Trạng nguyên Tiếng Việt cấp quốc gia, cậu bé bại não ở Phú Thọ ước mơ làm bác sĩ
Là con trai cả trong gia đình có ba anh em, khi sinh ra Mạnh phát triển bình thường. Được 9 tháng tuổi, gia đình phát hiện em có nhiều biểu hiện bất thường, không được nhanh nhẹn như bạn bè đồng trang lứa. Lên 1 tuổi, Mạnh được bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương khám và kết luận là em bị mắc hội chứng bại não.
Cuộc sống gia đình nghèo khó giờ lại càng chật vật hơn. Bố mẹ phải chia việc để vừa cáng đáng ruộng đồng, kiếm kế sinh nhai, vừa ở nhà chăm sóc con cái. Không có người lớn, Mạnh không thể đứng dậy, đi lại hoặc vệ sinh cá nhân được.
Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, bệnh tật của em khó chữa nhưng em mong muốn được học tập. Em quyết xin bố mẹ cho đi học. Kể từ đó, mẹ là “đôi chân” đưa Mạnh đến trường mỗi ngày.
Hà Đức Mạnh – cậu bé mang trong mình bệnh bại não nhưng ý chí học tập của em rất cao (ảnh: Giáo dục Việt Nam)
Chia sẻ về hành trình nâng bước con đến trường này, chị Sang tâm sự: “Nhiều hôm bận rộn các công việc, lại còn các em nhỏ của Mạnh, tôi phải gửi các cháu nhỏ cho bà, cho bác,… để đi đón Mạnh. Cũng có hôm bận quá, không thể tự đi, mình nhờ người đi đón con nhưng sau đó không đón được, nên lại phải tức tốc đến trường đưa con về. Lúc đó, cảm xúc trong lòng lạ lắm, vừa buồn, vừa tủi, lại thương con”.
Ở trường, Mạnh được thầy cô đánh giá là một cậu học sinh chăm ngoan và biết cố gắng nỗ lực vượt qua hoàn cảnh. Mặc dù, Mạnh phải nỗ lực gấp nhiều so với bạn bè cùng chăng lứa nhưng em vẫn không bỏ cuộc, vẫn theo kịp bài giảng của thầy cô. Khi có bài khó, em luôn cố gắng chăm chú lắng nghe, có điều gì chưa hiểu sẽ hỏi lại để nhờ thầy cô hướng dẫn lại.
Các bạn trong lớp cũng không vì hoàn cảnh hay bệnh tật mà xa lánh em. Ngược lại, học sinh đều yêu quý Mạnh, vui chơi cùng nhau, khi cần, các bạn không ngần ngại giúp Mạnh.
“Em thích đi học lắm! Dù không đi lại, nô đùa như các bạn nhưng các bạn luôn chơi cùng em, thầy cô giúp đỡ cho em. Em còn được học nhiều điều bổ ích tại trường nữa”- Mạnh hào hứng chia sẻ với chúng tôi.
Em Mạnh (ngồi xe lăn) và các thí sinh đạt giải trong cuộc thi Trạng nguyên Tiếng Việt cấp quốc gia (Ảnh: Giáo dục Việt Nam)
Trong quá trình học tập của mình, em Mạnh cũng tham gia thử sức một số cuộc thi năng khiếu, học sinh giỏi do nhà trường triển khai, trong đó có cuộc thi Trạng nguyên Tiếng Việt.
Nói về hành trình đạt tới giải Nhất cuộc thi Trạng nguyên Tiếng Việt cấp quốc gia, Mạnh cũng chỉ nghĩ thi thử sức với các bạn trong lớp. Nhưng bằng sự quyết tâm, ý chí vươn lên Mạnh đã lần lượt vượt qua vòng thi các cấp, tiến tới vòng chung kết cấp quốc gia. Đây là thành quả của quãng thời gian miệt mài học tập của em.
Theo lời kể của mẹ, Mạnh rất ham học. Mỗi ngày, ngoài việc đi học trên trường, về nhà em còn đọc sách, tự cố gắng luyện chữ, có những hôm em thức đến học bài đến tận 11 – 12 giờ khuya.
Mạnh cho biết, dù đã đạt giải nhất cấp quốc gia, nhưng em vẫn sẽ tiếp tục cố gắng, nỗ lực học tập để vươn tới ước mơ trở thành một bác sĩ giỏi chữa bệnh cho những người cùng hoàn cảnh.
Chia sẻ về những dự định sắp tới của gia đình, chị Hà Thị Sang (mẹ em Mạnh) nói: “Sắp tới đây, Mạnh sẽ được hỗ trợ để tham gia tập phục hồi chức năng. Giờ gia đình chỉ mong con có sức khỏe, có thể phần nào tự đi đứng, hoạt động lại (dù là chống nạng) cũng rất mừng”.
Tuy hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, cùng căn bệnh bại não bẩm sinh, nhưng hình ảnh về cậu học trò nhỏ với đôi mắt sáng, gương mặt rạng rỡ, luôn cố gắng vươn lên trong học tập đã khiến cho rất nhiều người nể phục. Với nghị lực ấy, mong rằng tương lai tốt đẹp sẽ đến với cậu bé Hà Đức Mạnh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.