Giúp người khuyết tật làm chủ cuộc đời
Một lần, qua chương trình của riêng mình về nấu cơm và tặng quà Tết cho trẻ khuyết tật, cô nhìn thấy quá nhiều trẻ khuyết tật. Điều này làm cô đau đáu trong lòng, đặc biệt khi thấy cảnh bạn bế một em bé trên tay và đút cơm nhưng bé ăn rất khó, bọt mép cứ chảy ra.
Phải làm điều gì đó để giúp trẻ khuyết tật và gia đình các em. Nghĩ vậy nên dù tốt nghiệp chương trình giáo viên mầm non tại Trường ĐH Sài Gòn và đã có 4 năm đi làm nhưng cuối năm 2015, cô vẫn quyết định nghỉ dạy học để tập trung đầu tư vào sản xuất tranh bằng sợi dây đồng.
Thấy thị trường chấp nhận sản phẩm này và người khuyết tật có thể đảm đương được nhiều công đoạn, tháng 9-2018 cô quyết định thành lập doanh nghiệp tại số 1/7 Đỗ Thúc Tịnh, phường 12, quận Gò Vấp, TP HCM nhằm tạo công ăn việc làm cho họ. Nghe tin này, bạn bè, học trò cũ hết sức giúp đỡ, đặc biệt là người yêu của cô - anh Bhavesh (quốc tịch Thụy Điển).
Tổ ấm của người khuyết tật tại cơ sở sản xuất tranh dây đồng của cô Nguyễn Nhật Minh Phương
Từ ban đầu chỉ có 4 người khuyết tật tham gia, sau lên 8 người và nay đã có 11 người được đưa vào làm việc; có người mang dị tật bẩm sinh, có người câm điếc hoặc teo cơ, tai nạn lao động. Người lớn tuổi nhất trong số này là ông Huỳnh Ngọc Thanh (56 tuổi), trợ lý giám đốc. Nhỏ nhất là em Thủy bị câm điếc, đến từ Đắk Lắk. Họ hưởng mức lương khởi điểm 5 triệu đồng/tháng và cá biệt có người sau đào tạo 1 năm, nay đã tự lực được 100% để làm ra những bức tranh rất đẹp, gắn với thương hiệu SHARK UMA.
Em Dương Thị Mỹ Huyền (25 tuổi), quê Quảng Ngãi, bị dị tật từ nhỏ, vừa mới lập gia đình hơn 1 tháng với anh Nguyễn Thanh Định (26 tuổi), quê Đồng Nai, cho biết hiện thu nhập của vợ chồng em là hơn 10 triệu đồng/tháng. Anh K’Macos (35 tuổi, người dân tộc Châu Mạ ở Lâm Đồng, bị bệnh hoại tử cả 2 chân sau một vụ tai nạn), về với công ty hơn 1 năm nay. Anh Lê Hữu Tài bị bại liệt 2 chân, phụ trách mảng thiết kế và marketing, nay đã có gia đình. Tất cả họ đều yên tâm học nghề và góp phần làm ra sản phẩm để nuôi sống mình.
Minh Phương cho hay sau 14 năm theo đuổi việc quấn tranh bằng dây đồng, cô đang được đề xuất xác lập kỷ lục Việt Nam "Nghệ nhân làm tranh dây đồng ở Việt Nam". Điều đó rất vui nhưng vui hơn và hạnh phúc hơn là đã giúp được những người khuyết tật đoàn kết làm việc, hạnh phúc bên nhau như một gia đình.
"Dạy nghề cho người bình thường đã khó, dạy cho người khuyết tật, đặc biệt là người câm điếc, càng khó gấp bội" - cô giáo Minh Phương tâm sự và cho biết dù thế nhưng quyết tâm của cô vẫn cháy bỏng, chưa bao giờ nản lòng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.