Gỡ ‘nút thắt’ trong phân luồng học sinh THCS sang học nghề
Liên thông trong học nghề giúp học sinh, sinh viên sớm hòa nhập với thị trường lao động. Ảnh: XC |
Tại buổi tư vấn cho học sinh THCS về hướng nghiệp mới đây tại trường THCS Yên Nghĩa (Hà Đông), chị Nguyễn Thị Nga (Hà Đông, Hà Nội) phụ huynh học sinh chia sẻ: "Tôi vẫn mong muốn con tôi học tiếp lên cao nữa. Phải đợi kết quả thi tốt nghiệp THPT Quốc gia sắp tới, gia đình sẽ tư vấn các cháu chọn trường cụ thể".
Từ thực tế tư vấn tuyển sinh từ cấp THCS tại nhiều địa phương trong cả nước vừa qua cho thấy, ở độ tuổi 15 - 16, đa số học sinh chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, nên công tác tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với đối tượng này phụ thuộc chủ yếu vào quyết định của phụ huynh. Thế nhưng, phần lớn phụ huynh vẫn có tâm lý mong muốn con, em mình học lên cao hoặc lựa chọn trường nghề khi có thông tin rõ ràng về sự liên thông giữa các cấp học.
Trong thời gian qua, về phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có nhiều chính sách tạo điều kiện để học sinh tốt nghiệp THCS, THPT được vào học trung cấp, cao đẳng. Về tuyển sinh và đào tạo liên thông trình độ cao đẳng đối với người học tốt nghiệp THCS, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hướng dẫn các trường tạo điều kiện người tốt nghiệp THCS có nguyện vọng học liên thông lên trình độ cao đẳng có thể đăng ký dự tuyển theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình học phải hoàn thành chương trình văn hóa THPT theo quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Triển khai mô hình 9+ tại Việt Nam bản chất là liên thông, đầu vào THCS học trung cấp rồi tiếp tục liên thông lên cao đẳng, không bỏ qua trình độ trung cấp. Nhưng các trường phải xây dựng chương trình đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng gọn nhất. Nhiều trường đang triển khai mô hình 9+3 hoặc 9+4. Hiện có những hiểu nhầm về mô hình 9+ là có đầu vào THCS nhưng được học lên thẳng cao đẳng, tuy nhiên luật cũng chưa cho phép.
Thầy Phạm Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cho biết: Để tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp có thể học liên thông lên cao đẳng, trường đã xây dựng học theo từng mô đun. Học sinh có thể căn cứ theo nhu cầu có thể học xong các mô đun trung cấp để đi làm hoặc có thể học tiếp lên cao đẳng.
Còn thầy Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội cho biết: Để học sinh tốt nghiệp THCS học liên thông lên cao đẳng, học sinh phải học văn hóa tại Trung tâm giáo dục thường xuyên; trong khi về phía trường cao đẳng hoàn toàn có đủ năng lực để dạy các môn văn hóa này theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do đó, rất cần sửa đổi Luật Giáo dục cho phép học sinh tốt nghiệp có thể học lên cao đẳng. Khi triển khai thì các hiệu trưởng trường cao đẳng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm khi tổ chức học văn hóa tại trường.
“Cho phép đào tạo, tuyển sinh đầu vào THCS để học lên cao đẳng với ngành nghề phù hợp sẽ là giải pháp được kỳ vọng sẽ gỡ “nút thắt” cho tuyển sinh THCS cho các trình độ giáo dục nghề nghiệp. Theo đó cho phép các trường cao đẳng, trung cấp tổ chức đào tạo kiến thức văn hoá phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các trường được xác nhận hoàn thành chương trình văn hóa. Đơn vị nào dạy văn hoá thì hiệu trưởng, hoặc giám đốc trung tâm sẽ xác nhận hoàn thành chương trình văn hoá đó, học sinh không nhất thiết phải thi tốt nghiệp để có bằng phổ thông, xác nhận rồi mới có thể học liên thông” ông Trương Anh Dũng kiến nghị.
Tháng 5/2018, Thủ tướng đã phê duyệt đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025". Theo đó, đến năm 2020 phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%.
“Nếu nút thắt về chính sách này được tháo gỡ thì việc phân luồng từ THCS sẽ được đẩy mạnh sang học nghề, có như vậy mới nâng tỷ lệ phân luồng đạt mục tiêu 30% học sinh tốt nghiệp THCS sang học các trường nghề trong những năm tới”, lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân kiến nghị: Để tạo phân luồng học sinh THCS, Điều 27 dự thảo Luật Giáo dục có thể sửa là học sinh THCS không chỉ được học lên trung cấp mà có thể lên cao đẳng. Luật hiện hành đang quy định học sinh học hết lớp 9 vào học trung cấp nên học sinh phải học khối lượng văn hóa khá nặng. Nếu dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi quy định này, các trường cao đẳng, trung cấp sẽ thiết kế chương trình học văn hóa phù hợp hơn để khi 18 - 19 tuổi, khi ra nghề, các em có thể tự tin bước vào thị trường lao động.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.