Hà Nội: Nhiều cơ sở không có chứng nhận về an toàn thực phẩm
2016-07-03 10:33:40
0 Bình luận
Qua công tác sơ kết thanh kiểm tra về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, các lỗi vi phạm chủ yếu là không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hoặc có nhưng đã hết hiệu lực, không có giấy khám sức khỏe, không rõ nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, điều kiện vệ sinh không đảm bảo…
Những thông tin trên được Sở Y tế Hà Nội nêu rõ tại buổi sơ kết 6 tháng thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.
Thời gian vừa qua, tại Hà Nội có 5 quận, huyện và 10 xã, phường triển khai thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành.
Tại các đơn vị triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm có hơn 12.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thức phẩm. Trong đó bao gồm 464 cơ sở sản xuất thực phẩm, hơn 3.000 cơ sở kinh doanh thực phẩm, hơn 7.800 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, 552 cơ sở giết mổ, 34 siêu thị và 490 cơ sở khác.
Số cơ sở thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là hơn 9.400 cơ sở.
Về công tác thí điểm thanh tra chuyên ngành, các quận, huyện, xã, phường, thị trấn đã thành lập được 65 đoàn kiểm tra, thanh tra. Đã có 2.563 cơ sở được thanh tra, kiểm tra (trong đó, 710 sơ sở được thanh tra và 1853 cơ sở được kiểm tra).
Đoàn thanh kiểm tra đã xử phạt 543 cơ sở bị xử lý vi phạm, đạt 21% trong có 227 cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền phạt 750.300.000 đồng (cùng kỳ năm 2015 là 222.980.000 đồng).
Các đơn vị với các lỗi vi phạm chủ yếu là không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc có nhưng đã hết hiệu lực, không có giấy khám sức khỏe, không rõ nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, điều kiện vệ sinh không đảm bảo…
Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, số lượng cơ sở được thanh tra, kiểm tra sau 6 tháng triển khai thực hiện thí điểm thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tuy ít hơn so với cùng kỳ trước khi triển khai thực hiện thí điểm (kiểm tra 3.428 cơ sở), nhưng số cơ sở vi phạm bị xử lý cao hơn, số tiền xử phạt cao hơn.
Tiến sỹ Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tăng tần suất thanh tra chuyên ngành, tập trung thanh tra đột xuất các địa bàn trọng điểm (chợ, lò giết mổ) thức ăn đường phố, các nhóm hàng nổi cộm (rau, thịt) và xử lý vi phạm hành chính, nhất là với xã, phường.
Sở Y tế Hà Nội sẽ công khai danh sách các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo TTX