Hà Nội giãn cách xã hội: Những loại hàng nào được bán hàng online và gọi shipper?
Theo Chỉ thị 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, từ 6h sáng 24/7, Hà Nội cách ly xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng trong vòng 15 ngày, trên phạm vi toàn thành phố.
Trong Chỉ thị, Chủ tịch Hà Nội dừng hoạt động vận tải hành khách đường bộ bằng ô tô, đường thủy: xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa. Trong đó đặc biệt có nội dung: dừng vận tải hành khách công cộng vận chuyển hành khách bằng xe mô tô (bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe “ôm”); trừ trường hợp: phục vụ công tác phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia.
Một đoạn phố Hàng Giầy có lẽ là nơi duy nhất ở Hà Nội mà hầu như tất cả cửa hàng ở đây đều mở cửa bán hàng công khai như chưa hề có dịch mà không vi phạm quy định theo Chỉ thị của Thành phố vì dọc phố toàn là cửa hàng bán tạp hóa.
Tuy nhiên, một câu hỏi được nhiều người quan tâm là các shipper - giao hàng có được phép hoạt động hay không?
Trong phát biểu trên báo, ông Vũ Văn Viện (Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết, theo chỉ đạo của thành phố, trước mắt, đối với shipper (giao hàng) trên địa bàn thành phố sẽ tạm dừng hoạt động. Theo ông Viện, hiện nay, chưa thể kiểm soát được lực lượng shipper (giao hàng) này và nếu không may họ đi lại "lung tung, gieo rắc dịch bệnh" sẽ rất nguy hiểm cho thành phố.
Do đó, lãnh đạo Sở GTVT cho rằng, hiện nay, thành phố vẫn tổ chức hoạt động, kinh doanh đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ thiết yếu nên trước mắt, nếu cần thiết, người dân sẽ tự đi mua về sử dụng.
Theo ghi nhận của Phóng viên Hòa nhập (hoanhap.vn) trong ngày hôm nay các nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển công nghệ có cách thực hiện lệnh giãn cách không giống nhau. Tại thời điểm chúng tôi đặt dịch vụ (gần trưa), 3 ứng dụng khá phổ biến là: Grab, Bee, Gojek vẫn nhận dịch vụ giao hàng. Phóng viên đã đặt dịch vụ giao hàng chuyển đi ngay lập tức đã có shipper nhận đơn. Mặc dù các ứng dụng này đều đã đóng chức năng vận chuyển người, nhưng đối với hàng hóa, không nhất thiết là đồ ăn, shipper vẫn nhận được lệnh và liên hệ để giao hàng. Nhân viên shipper cũng không hỏi là ship hàng gì mà chỉ hỏi địa chỉ.
Shipper Grab (Công ty TNHH Grab) nhận giao hàng.
Trên ứng dụng Gojek, gần 11h trưa, chúng tôi đặt giao hàng "chiếc túi", tài xế nhận lệnh rồi gọi để lấy đơn. Đến chiều nay, chức năng giao hàng trên Bee đã bị vô hiệu hóa. Trên ứng dụng Gojek và Grab, dịch vụ giao hàng vẫn hoạt động và chúng tôi vẫn đặt được dịch vụ như bình thường, vẫn có tài xế nhận đơn.
Shipper Bee (Công ty cổ phần Bee group) nhận giao hàng.
Theo lệnh giãn cách, một số cửa hàng, siêu thị bán hàng điện máy, điện thoại đã chấp hành việc đóng cửa không đón khách mà chuyển sang bán hàng online. Những cơ sở kinh doanh này không sử dụng shipper công nghệ mà nhận đơn hàng rồi cử nhân viên giao hàng. Qua tổng đài của của hệ thống siêu thị Điện Máy Xanh, chúng tôi gọi điện vẫn đặt hàng. Quá 12h trưa 24/7, chúng tôi gọi vào tổng đài 1800 đặt mua nồi điện tại Hà Nội... nhân viên giọng miền Nam trả lời và xác nhận đơn hàng, địa chỉ giao hàng. "Nồi này có giá XYZ, bên em sẽ giao hàng vào khoảng 15h". Chúng tôi được nhân viên giao hàng khá nhanh chóng sau 1-2 tiếng đồng hồ đúng lịch hẹn.
Điện máy xanh trên đường Kim Mã đóng cửa không đón khách nhưng vẫn giao hàng online.
Cửa hàng bán điện thoại di động Hoàng Hà Mobile trên đường Kim Mã treo biển: Đặt hàng online, miễn phí giao hàng trong 1h.
Hoàng Hà Mobile vẫn bán hàng online.
Một điều khác với Chỉ thị trước, dịch vụ "nhà hàng ăn uống được bán mang về" cũng không được nhắc đến trong Chỉ thị 17 lần này. Chỉ thị ghi rõ: Đóng cửa, tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trừ các trường hợp sau: Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho nhân dân trên địa bàn; cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch; cở sở dịch vụ khám chữa bệnh, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chúng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.