Hà Nội: Vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn biến phức tạp
Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết, thực hiện chế độ thông tin báo cáo, họp giao ban về công tác quản lý trật tự xây dựng tại Điều 12, Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc ban hành Quy định quản lý TTXD trên địa bàn TP. Lực lượng thanh tra đã tham mưu cho Sở Xây dựng Hà Nội ban hành nhiều văn bản liên quan, tính riêng trong năm 2020, lực lượng Thanh tra đã tham mưu cho Sở Xây dựng Hà Nội ban hành 908 văn bản và trực tiếp ban hành 1.176 văn bản gửi đến UBND quận, huyện, thị xã, UBND xã, phường, thị trấn, các Đội quản lý trật tự xây dựng (TTXD) đô thị trong công tác quản lý TTXD, yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng thực hiện đúng quy định của pháp luật khi tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn TP.
Công trình xây dựng sai thiết kế tại dự án Khu đô thị Gamuda Gardens (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai).
Tổng hợp báo cáo của UBND 30 quận, huyện, thị xã ghi nhận: UBND các quận, huyện, thị xã và các Đội Quản lý TTXD đô thị quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 628 trường hợp có vi phạm, trong đó đã xử lý xong 520 trường hợp vi phạm, chiếm tỷ lệ 82,8% và đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền: 108/628 trường hợp chiếm tỷ lệ 17,2%, tổng số tiền phạt trên 9,3 tỷ đồng.
“Lực lượng thanh tra cũng đã xử lý được hàng trăm trường hợp vi phạm TTXD tồn trọng, trong số 409 trường hợp tồn đọng từ giai đoạn 2015 - 2016, đến nay đã xử còn 32 trường hợp thuộc địa bàn 15 quận, huyện gồm: Ba Đình (3); Đông Anh (1); Gia Lâm (1); Hai Bà Trưng (5); Hoàn Kiếm (4); Hoàng Mai (1); Sóc Sơn (2); Tây Hồ (2); Thanh Trì (3); Cầu Giấy (1); Hà Đông (1); Hoài Đức (1); Nam Từ Liêm (1); Thạch Thất (1); Thanh Xuân (5)” – ông Nguyễn Việt Dũng cho hay.
Mặc dù, Thanh tra Sở Xây dựng và các Đội quản lý TTXD đô thị quận, huyện, thị xã đã xử lý được nhiều trường hợp vi phạm, tỷ lệ vi phạm TTXD trên địa bàn TP Hà Nội đã giảm xuống còn khoảng 2,15%. Nhưng theo đơn thư phản ánh từ bạn đọc trên thực tế vẫn còn nhiều vi phạm mới phát sinh với tính chất phức tạp hơn, đặc biệt là ở khu vực nội đô, bao gồm cả công trình trong dự án lớn và công trình nhà ở riêng lẻ.
Công trình khách sạn số 21 Lương Ngọc Quyến, phường Hàng Buồm vi phạm TTXD.
Đơn cử như: Dự án nhà ở thấp tầng và khu nhà ở tái định cư kết hợp thương mại, tại Linh Đàm (quận Hoàng Mai) do Công ty Bất động sản Linh Đàm làm chủ đầu tư, xây dựng khu nhà ở thấp tầng vi phạm mật độ xây dựng; Công trình vi phạm thiết kế, lắp đặt thang máy sai quy định tại dự án Khu đô thị Gamuda Gardens (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) do Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam làm chủ đầu tư, mới đây đã bị lực lượng chức năng quận Hoàng Mai xử phạt 45 triệu đồng về hành vi này và yêu cầu bắt buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu.
Đối với công trình nhà ở riêng lẻ, tại phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) nổi cộm có một số công trình, như: nhà ở số 11 – 13 ngõ Nội Miếu. Đặc biệt là công trình số 21 Lương Ngọc Quyến vốn đã là công trình khách sạn đồ sộ, nay lại tiếp tục chồng thêm tầng, vi phạm TTXD, phá vỡ quy hoạch phố cổ, đang hoàn thiện và sắp đưa vào sử dụng. Phóng viên đã nhiều lần liên hệ với Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm là bà Trần Thị Nga theo kiến nghị từ đơn thư của bạn đọc về phương án xử lý đối với những trường hợp này, nhưng đến nay vẫn không nhận được thông tin phản hồi.
Công trình vi phạm TTXD tại số 23 – 23A Phan Đình Phùng, phường Hàng Mã.
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở phường Hàng Mã, khi công dân phản ánh một loạt công trình trên phố Phan Đình Phùng vi phạm TTXD, phá vỡ cảnh quan con đường, như: Công trình số 3 Phan Đình Phùng hay công trình số 23 – 23A Phan Đình Phùng.
Trước những thông tin phản ánh từ bạn đọc, đề nghị lực lượng chức năng sớm vào cuộc xử lý theo đúng quy định và thông tin lại để người dân nắm được, tránh tình trạng tập trung, khiếu kiện gây bất ổn an ninh, trật tự. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc về những sự việc trên.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.