Hà Nội
Hà Nội, cây đàn cổ!
Ba sáu dãy phố phường
Ba sáu sợi tơ vương…!
(Lời bài hát “Hà Nội như cây đàn cổ”)
Mẹ vốn
là con gái Hà Nội, mặc dù mồ côi cha mẹ từ rất sớm nhưng mẹ vẫn học hành tử tế
và tự vươn lên làm tới cán bộ Hội đồng Nhân dân huyện. Thế rồi, chàng thủy thủ ấy
đến, cuốn phăng mẹ ra khỏi tham vọng, đam mê quyền lực, cuốn mẹ khỏi vòng tay
người chồng sắp cưới, cuốn mẹ khỏi phố phường nhộn nhịp. Mẹ về miền quê ấy làm
dâu.
Mẹ về
nơi ấy, tập làm một người con dâu trưởng của cả một dòng họ nổi tiếng với một năm 20 cái giỗ lớn nhỏ, tập làm hiệu trưởng
của trưởng làng, tập cấy tập cày, tập làm một người đàn ông trong nhà khi bố cứ
đi mãi biền biệt, tập quen cả với người đàn bà kia của bố… Bằng tuổi con, mẹ đã
sinh cho bố năm đứa con tròn trại như hoa, mẹ hãnh diện và tự hào về điều đó, bởi
với mẹ năm đứa con là báu vật cả cuộc đời ban tặng.
Em lớn
lên chẳng đủ mạnh mẽ như mẹ,chẳng đủ giỏi giang như mẹ, em chỉ có sự dịu
dàng và yếu đuối, không có sức đề kháng
với những gian dối và chao chát ở đời. Điều đó làm mẹ chẳng bao giờ yên lòng về
em cả, để đến tận bây giờ khi em đã 33 tuổi, mỗi ngày cứ 12 giờ 30 buổi trưa mẹ
lại gọi điện chỉ để hỏi: “Con đang ở đâu? Con đang làm gì? Dạo này con thế nào?
Có được bình yên không?”. Đôi khi em đang
bận hay bị đánh thức giấc ngủ trưa em trả lời qua loa” “Con vẫn bình thường,
có gì cuối tuần con về mẹ nhé!”. Cuối tuần ấy cứ kéo ra xa mãi bởi những công
việc, bận bịu con cái, bởi người nói lời yêu em …!
Đôi
khi em lại tự vẽ ra những khoảng trống cho riêng mình, rồi lấp đầy bằng những
huyễn hoặc bằng những tia hi vọng thật mong manh. Mệt mỏi em lại về với mẹ, nằm
yên trên chiếc võng để mẹ đu đưa, Mắt bâng khuâng hỏi: “Với những hi sinh như
thế, chắc mẹ mệt mỏi lắm mẹ nhỉ! Có bao giờ mẹ hối hận không?”. Mẹ bảo: “Mệt mỏi
lắm, nhưng hối hận thì không, đến tận bây giờ mẹ vẫn muốn hi sinh cho bố”. Con chợt hiểu còn yêu thương
thì còn muốn hi sinh, nhưng trong yêu thương người ta cũng đòi hỏi người kia phải
có đầy đủ phẩm chất để người này gạt bỏ mọi mệt nhọc mà giữu gìn yêu thương.
Còn mẹ, sao mẹ không đòi hỏi điều đó, tại sao nhỉ?
Những
ngày thu của “sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội, những phố dài xao xác heo
may..”, mắt mẹ lại ánh lên cái nhìn xa xăm, hình như mẹ lại nhớ, nhớ về đứa em
gái còn lưu lạc nơi xa, nhớ về một Hà Nội xưa. “Hà Nội dạo này thế nào rồi hả
con?”, “Vẫn bụi bặm và tắc đường đến nghẹt thở mẹ ạ! Bạn con bảo Hà Nội có gì
đâu chứ ngoài những mái nhà lô xô cũ kĩ, phố xá thì bé tí và ùn tắc”.
Với
em, Hà Nội bây giờ có thể không còn nữa ba sáu phố phường trong lòng phố cổ,
không còn nữa những bức tường rêu mái rủ, tiếng xe điện leng keng, những cô
gánh hành hoa… nhưng chắc chắn rằng trong mỗi chúng ta vẫn mang trong lòng về một
Hà Nội, bởi tất cả những điều đã cũ đó mang một giá trị thiêng liêng gắn kết với
nơi mình đã sống hoặc sinh ra. Đó chính là hoài niệm đó sao, và còn thật nhiều
điều khác nữa mà ta không thể gọi thành tên…!
Hà Nội
đấy có gì hơn thế, để mỗi đêm có ai đó vẫn thầm mơ “Ta mơ thấy em ở nơi kia xa
lắm, một Hà Nội ngây ngất nắng, một Hà Nội rung rung heo may…!. Hãy cứ mơ về em, về một Hà Nội dịu dàng heo may gió, với
những bông hoa sữa mới nhú đưa hương
thoang thoảng, chỉ giữa tháng 10 thôi hoa sữa sẽ bung nở trắng nồng nàn góc phố… đợi anh nhé!
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.