Hải Phòng khánh thành Tượng đài Anh hùng liệt sĩ Kim Đồng
Kim Đồng, tên thật là Nông Văn Dền. Theo tiếng Tày, Nùng, “Dền” có nghĩa là tiền. Khi sinh ra, cha mẹ của ông mong muốn đứa con trai của mình sau này sẽ có cuộc sống hạnh phúc, ấm no nên mới đặt tên như vậy. Cha của Kim Đồng, là người làng Nà Mạ, tên là Nông Văn Ý. Trong một lần sang quê vợ ở làng Kép Ké, ông đã gặp nạn và chết. Mẹ Kim Đồng tên là Lân Thị Hò (1890 - 1972). Bà là người phụ nữ chăm chỉ, hết lòng vì chồng con, giỏi nghề dệt và làm giấy bản, là hội viên Hội phụ nữ cứu quốc.
Tượng đài Kim Đồng
Kim Đồng có hai chị gái, một anh trai và một em gái. Chị gái cả tên là Nông Thị Nhằm. Lấy chồng trong làng tên là Lý Văn Kinh thường được gọi là Kinh Xình. Nhà anh Kinh Xình là nơi hội họp, đón tiếp, bảo vệ cán bộ cách mạng. Trong ngôi nhà này, ngày 14/2/1943, lãnh đạo chủ chốt Châu uỷ Hà Quảng họp, nhờ hành động dũng cảm của Kim Đồng mà thoát cả lên núi phía sau nhà. Chị gái thứ hai là Nông Thị Lằng cũng lấy chồng trong làng. Anh trai là Nông Văn Tằng, sớm tham gia cách mạng, là đội viên giải phóng quân, chiến đấu và hi sinh ở chợ Đông (Bắc Cạn) Chỉ mới 12 tuổi, Kim Đồng đã thay anh đi làm phu, chặt cây, trồng cỏ ở đồn Sóc Giang. Em gái là Nông Thị Slan xinh đẹp, chăm chỉ nhưng không may bị chết đuối.
Tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, Kim Đồng đã cùng đồng đội làm nhiệm vụ giao liên, đưa đón Việt Minh và chuyển thư từ. Trong một lần đi liên lạc, khi cán bộ đang có cuộc họp, ông phát hiện có quân Pháp đang tới nơi cư trú của cán bộ, Kim Đồng đã đánh lạc hướng họ để các bạn của mình đưa bộ đội về căn cứ được an toàn. Kim Đồng chạy qua suối, quân Pháp theo không kịp liền nổ súng, khiến Kim Đồng ngã xuống ngay bên bờ suối Lê Nin (Cao Bằng) vào ngày 15/2/1943 khi ông vừa mới tròn 14 tuổi.
Công trình Tượng đài Kim Đồng tại TP.Hải Phòng được thiết kế dựa trên cơ sở mẫu phác thảo của nhà điêu khắc Trịnh Thế Hội (Giải Nhất thi tuyển mẫu phác thảo và phương án kiến trúc tượng danh nhân, công trình điêu khắc đặt tại các vườn hoa, công viên trên địa bàn Hải Phòng). Tượng đài Kim Đồng với chất liệu đá trắng, được đặt tại vườn hoa Kim Đồng, có chiều cao 4,35m, tổng diện tích khuôn viên xây dựng 167,4m2.
Đây là tác phẩm nghệ thuật có giá trị và giàu tính giáo dục lịch sử, góp phần bồi đắp thêm nhận thức về tinh thần yêu nước đối với thanh thiếu nhi, cổ vũ tinh thần hăng hái thi đua học tập, rèn luyện, phát huy truyền thống “tuổi nhỏ chí lớn”. Đồng thời, tạo điểm nhấn trong kiến trúc đô thị và du lịch Hải Phòng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Từ sau năm 1955, vườn hoa Kim Đồng đã hình thành và được TP.Hải Phòng đầu tư xây dựng, chỉnh trang nhiều hạng mục để trở thành không gian văn hoá, vui chơi, là nơi gắn bó với ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ người dân đất Cảng. Vườn hoa còn đóng vai trò là một trong những “lá phổi xanh” điều hòa khí hậu thành phố, có giá trị về lịch sử, văn hóa và môi trường.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.