Hàng chục nghìn tỉ đồng bảo đảm hàng hóa dịp Tết
Theo nhận định của Bộ Công
Thương, nhu cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ tăng cao hơn 15-20% so với
những năm trước.
Chính vì thế, Bộ đã chỉ đạo Sở
Công Thương các địa phương xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa cho dịp Tết,
trong đó chú trọng yếu tố bình ổn giá. Đến nay, các tỉnh, thành phố lớn trên cả
nước đã hoàn thành việc dự trữ hàng hóa cơ bản để phục vụ nhu cầu mua sắm của
người tiêu dùng.
Sở Công Thương Hà Nội cho
biết, dự kiến, tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyến đán trên địa
bàn Thủ đô đạt trên 21.610 tỉ đồng.
Để đảm bảo cung cầu hàng hoá, ổn
định thị trường, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh thương mại đã tập trung các mặt
hàng bình ổn thị trường và các nhóm hàng phục vụ Tết với tổng giá trị ước tính
12.780 tỉ đồng.
Các DN sản xuất bánh mứt kẹo, rượu
bia, nước giải khát, sữa... dự trữ lượng hàng hóa khoảng 6.748 tỉ đồng.
Các làng nghề sản xuất kinh doanh
các nhóm hàng phục vụ Tết Nguyên đán như chế biến nông sản thực phẩm, bánh mứt
kẹo, dệt may, chè, miến dong, bột sắn… với tổng giá trị trên 2.081 tỉ đồng.
Hệ thống các trung tâm thương mại,
siêu thị đã dự trữ khoảng 2.700 tỉ đồng các loại hàng thiết yếu.
Ngoài ra, các DN sẽ tổ chức dự trữ
và bán ra các mặt hàng thiết yếu tại 1.164 điểm bán hàng; tổ chức 12 phiên chợ
Việt, 9 Tuần hàng Việt, 210 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của
nhân dân các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn.
Thị trường Tết tại TPHCM sẽ
có thêm nhiều hàng hóa đặc sản của các địa phương, lượng hàng dồi dào, ổn định,
giá cả hợp lý.
Các nguồn cung ứng hàng hóa chủ yếu
từ 3 nguồn chính, đó là các DN tham gia Chương trình bình ổn thị trường chiếm từ
30-40% thị phần; 3 chợ đầu mối mặt hàng rau-củ-quả, thủy hải sản chiếm 60-70%;
các DN khác chiếm 10-20% thị phần.
Tính đến nay, tổng giá trị hàng
hóa các DN trên địa bàn Thành phố chuẩn bị sản xuất, dự trữ và cung ứng trong 2
tháng Tết là 16.208,8 tỉ đồng, tăng 462 tỉ đồng so với Tết Ất Mùi 2015; trong
đó tổng giá trị hàng bình ổn thị trường là 6.863,9 tỉ đồng, tăng 40% so cùng kỳ.
Tổng số điểm bán của 4 chương
trình bình ổn thị trường trên địa bàn TPHCM là 9.205 điểm bán, tăng 238 điểm so
với đầu năm. Ngoài ra, các DN tổ chức 339 chuyến bán hàng lưu động trong 2
tháng trước Tết.
Tại 3 chợ đầu mối, vào thời điểm
cận Tết, lượng hàng về chợ lên đến 14.000-15.000 tấn/ngày, tăng khoảng 80% so với
ngày thường.
TP. Đà Nẵng đã chuẩn bị
phương án và kế hoạch bình ổn giá nhằm đảm bảo cung cấp đủ thực phẩm thiết yếu.
Trong đó, các mặt hàng thiết yếu
như thịt các loại, mì ăn liền, đồ hộp, dầu ăn, mì chính, hạt dưa, bánh kẹo các
loại... đạt gần 192 tỉ đồng; dự trữ 1.000 tấn gạo, trị giá 12 tỉ đồng; tổ chức
bán thịt heo bình ổn giá trong thời gian 6 ngày (từ 24-26 tháng Chạp), tại 13
điểm, tập trung chủ yếu tại các chợ gần các khu dân cư.
Ngoài ra, thương nhân kinh doanh ở
8 chợ loại một tại Thành phố cũng chuẩn bị lượng hàng phục vụ Tết ước khoảng
500 tỉ đồng.
Năm nay, Sở Công Thương Đà Nẵng
cũng tổ chức 2 xe bán hàng lưu động phục vụ tại các điểm nóng, khu đông dân cư.
Đặc biệt, sẽ tổ chức các hoạt động bán hàng phục vụ đồng bào miền núi và công
nhân tại các khu công nghiệp.
Theo đánh giá các sở, ngành chức
năng TP. Cần Thơ, với khả năng đảm bảo nguồn hàng dồi dào phục vụ Tết, giá
cả nhiều mặt hàng trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016
sẽ được bình ổn.
Năm nay, Sở NN&PTNT và Sở
Công Thương Cần Thơ phối hợp tổ chức những điểm bán hàng có kiểm soát nguồn gốc,
nhất là các loại rau củ quả, cá, thịt.
Theo báo cáo của các DN, kế hoạch
dự trữ hàng hóa phục vụ Tết tăng khoảng 10-15% so với các tháng trong năm.
Hiện tại, lượng hàng hóa của 25
DN có quy mô lớn trên địa bàn (trong đó có 6 DN tham gia bình ổn phục vụ Tết)
đã thực hiện kế hoạch dự trữ hàng hóa với tổng trị giá khoảng 2.573 tỉ đồng.
Các DN cũng cam kết ổn định giá
trong dịp Tết với nhiều mặt hàng thiết yếu, đồng thời có các chương trình khuyến
mãi giảm giá, tặng quà.
Theo đại diện Sở Công Thương Bình
Dương, hầu hết các DN đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng khoảng
20% so với năm trước.
Dự kiến, kế hoạch tổ chức bán
hàng ra thị trường dịp Tết Nguyên đán sắp tới tại siêu thị và các chuyến
hàng về nông thôn sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp
Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, giá cả tăng ảo.
Kiểm soát chặt thị trường
Bên cạnh vấn đề an toàn thực phẩm
đang diễn biến khá phức tạp, thời điểm áp Tết các đối tượng buôn lậu, gian lận
thương mại, làm hàng giả, hàng nhái hoạt động mạnh; các hành vi găm hàng, tăng
giá xuất hiện trên thị trường.
Trước vấn nạn này, lãnh đạo các địa
phương đã ban hành nhiều chỉ thị yêu cầu các DN phải bảo đảm đủ nguồn hàng cả
trước, trong và sau Tết, quan tâm đến các khu vực vùng xa trung tâm để người
tiêu dùng yên tâm mua sắm.
Yêu cầu Sở Công Thương chỉ đạo lực
lượng quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng, thanh tra chuyên
ngành tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung quản lý về
chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm
hàng tăng giá, đưa tin thất thiệt về cung cầu, giá cả hàng hóa, dịch vụ nhằm
thu lợi bất chính.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm,
kể cả thu hồi giấy phép kinh doanh, hoặc đề nghị các cơ quan chức năng truy cứu
trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật.
Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội khẳng
định, từ nay tới Tết Nguyên đán, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) sẽ phối hợp
với các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường
trong dịp Tết.
Trong đó, tập trung vào công tác
chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại, công tác kiểm tra
kinh doanh trái phép và kinh doanh có điều kiện, công tác kiểm tra bình ổn giá;
công tác kiểm tra hoạt động vận chuyển, chế biến gia súc, gia cầm và công tác
phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn…
Đối với công tác quản lý an toàn
thực phẩm, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, Sở Y tế TPHCM phát động đợt cao điểm
an toàn thực phẩm, kết nối đưa sản phẩm đạt chuẩn gắn logo chuỗi thực phẩm an
toàn đưa vào hệ thống phân phối, công bố chỉ dẫn địa điểm để người tiêu dùng
mua sắm hàng hóa đảm bảo chất lượng.
Sở Công Thương TPHCM cũng đã chỉ
đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành, lực lượng QLTT phối hợp với các ngành chức
năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận
thương mại; phát hiện, xử lý triệt để, kịp thời các hành vi sản xuất, kinh
doanh hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, gây mất an toàn cho sức khỏe người
tiêu dùng.
Riêng đối với Bộ Công Thương, để tăng cường kiểm tra hàng hóa dịp Tết, Bộ đã phối hợp với Cục QLTT thành lập 6 đoàn công tác triển khai đến các địa phương để thực hiện chống buôn lậu, gian lận thương mại trong tình hình mới.
Bộ Công Thương cũng đề nghị các cơ quan chức năng mở các chuyên án điểm vào các mặt hàng nhập lậu tiêu thụ nhiều như rượu, thuốc lá, đồ uống…
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.