Hành trình đi tìm mộ liệt sĩ của thương binh 1/4

2022-02-11 12:00:00 0 Bình luận
Tôi sinh ra trên quê lúa Thái Bình. Bố mẹ tôi mất sớm vào những năm của thập kỷ 50, thế kỷ trước. Gia đình tôi có 3 chị em, chị tôi thay cha mẹ nuôi 2 em ăn học, lớn lên chị tôi lấy chồng nhưng rồi năm 1966 anh rể tôi cũng hi sinh tại tỉnh Lâm Đồng.

         Vào những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, nghe theo tiếng gọi của Đảng, tháng 7/1967 tôi nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện tại Quảng Ninh đơn vị tôi được bổ sung vào chiến trường Tây Nguyên, cuối năm 1969 tôi bị thương được đưa ra Bắc điều trị. Trên đường hành quân vào chiến trường B tôi được tin anh trai tôi (Phan Văn Bính) cũng nhập ngũ tháng 1/1968 tại Khu Gang thép Thái Nguyên.

Chân dung tác giả (thương binh ¼ Phan Văn Dương)

          Sau khi điều trị khỏi vết thương, tôi được chuyển về trại thương binh Thái Bình điều dưỡng. Sau đó, tôi trở về quê sinh sống. Lúc này,  trong thâm tâm vẫn mong ngóng ngày anh trai trở về để bù lại tình cảm anh em bị thiếu hụt do bố mẹ mất sớm.

          Song, vào cuối mùa xuân 1973 tôi nhận được tin như sét đánh, tỉnh đội Thái Bình báo tin đồng chí Phan Văn Bính đã hi sinh ngày 10/9/1968 tại mặt trận phía Nam, đơn vị khi hi sinh KN. Cầm giấy báo tử mà lòng lệ rơi, xót xa, thương nhớ.

Nhưng rồi nỗi buồn cũng nguôi ngoai dần vì chiến tranh là như thế, nhiều gia đình còn mất mát nặng nề hơn. Nhưng cuối cùng dân tộc ta đã chiến thắng, miền Nam được giải phóng vào ngày 30/4/1975, dân tộc ta đã bước sang trang sử mới.

Được hưởng cuộc sống hòa bình, tôi lại nghĩ về đồng đội, trong đó có anh trai mình. Không biết giờ này họ đang nằm ở đâu, tỉnh nào..? Tôi mong sao nhà nước quy tập được nhiều phần mộ liệt sĩ (LS) còn nằm ở đâu đó trên mọi miền đất nước và hài cốt các anh sớm được về với gia tiên, dòng họ.

          Năm 2006, tôi quyết định đi tìm thông tin phần mộ của anh trai. Căn cứ vào những thông tin ghi trong Giấy báo tử số 49 của Tỉnh đội Thái Bình ký ngày 30/3/1973, tôi bắt đầu cho cuộc hành trình. Trong giấy báo tử có ghi đồng chí Phan Văn Bính sinh năm 1947 quê quán: Thụy Quỳnh, Thụy Anh, Thái Bình; nhập ngũ: tháng 1/1968; hy sinh: ngày 10/9/1968; đơn vị hy sinh: KN; nơi hy sinh: mặt trận phía Nam; nơi mai táng ban đầu: khu vực riêng của đơn vị.

Cuộc hành trình của tôi bắt đầu từ việc làm đơn gửi tới các Sở Lao động Thương binh và Xã hội (TBLĐXH) một số địa phương nhờ hỗ trợ thông tin, như Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An (ngày 25/11/2007); Quảng Trị (ngày 08/01/2008); Phòng LĐTBXH huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình (ngày 08/9/2006); và gửi thư ngỏ tới bà Năm Nghĩa (nhà ngoại cảm đang sống ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu - Ngày 05/02/2009).

Trong tất cả các đơn, thư tôi đều gửi kèm giấy báo tử và Bằng Tổ quốc ghi công. Nội dung đơn, thư đều đề nghị tìm kiếm các thông tin về LS Phan Văn Bính. Sau đó, tôi đều nhận đươc thư hồi âm của các cơ quan với cùng nội dung là “không có thông tin về phần mộ LS Phan Văn Bính”.

Cùng thời gian đó, tôi đã vào Nghĩa trang Đường 9, tỉnh Quảng Trị và Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn để tìm kiếm phân mộ nhưng đều không có phần mộ mang tên Phan Văn Bính.

Ngày 16/5/2015 tôi viết đơn gửi Đài tiếng nói Việt Nam nhờ qua chương trình “Đi tìm đồng đội” để may ra có được thông tin về người anh trai.

Ngày 18/5/2015 tôi làm đơn gửi Phòng chính sách Cục Chính trị QK5 đề nghị tìm kiếm thông tin về phần mộ LS Phan Văn Bính. Sau đó, Phòng chính sách có CV 1189 trả lời với nội dung: chưa có thông tin về phần mộ LS Phan Văn Bính.

Đến tháng 6/2015, qua Đài tiếng nói Việt Nam, tôi nhận được thông tin trong nghĩa trang LS TP Plaiku, tỉnh Gia Lai có ngôi mộ LS mang tên Phan Bình, quê Thái Bình, hy sinh năm 1968.  

Ngày 05/9/2015, tôi làm đơn gửi Phòng chính trị, Bộ CHQS tỉnh Gia Lai hỏi về lý lịch phần mộ mang tên LS Phan Bình, hiện an táng ở nghĩa trang TP Plaiku thì được Bộ CHQS tỉnh Gia Lai trả lời: ngôi mộ được một đơn vị bộ đội tìm thấy ở khu vực Đền Hội Phú, TP Plaiku. Trong 28 ngôi mộ cùng tìm thấy có ngôi mộ đồng chí Phan Bình, quê Thái Bình, hy sinh năm 1968, ngoài ra không có thông tin gì khác.

Ngày 07/9/2015 tôi làm đơn gửi Phòng chính trị Bộ CHQS tỉnh Thái Bình và Sở LĐTBXH tỉnh Thái Bình đề nghị cung cấp thông tin về 02 liệt sĩ Phan Bình và Phan Bính. Cùng với đó, tôi làm đơn gửi Cục Người có công (NCC) Bộ LĐTBXH xin được giám định ADN của phần mộ LS Phan Bình và được Cục NCC trả lời: muốn thử AND của phần mộ đó trước mắt phải có trích lục thông tin về LS do Phòng chính trị Bộ CHQS tỉnh Thái Bình cấp, cùng lúc đó tôi lại nhận được thông tin phần mộ LS Phan Bình là của đồng chí LS quê Kiến Xương, Thái Bình (tôi đã thông báo cho gia đình đồng chí Bình biết và đã vào nghĩa trang TP Plaiku nhận).

Theo hướng dẫn của Cục NCC, ngày 23/10/2017 tôi làm đơn gửi Phòng chính trị Bộ CHQS tỉnh Thái Bình xin được trích lục hồ sơ LS Phan Văn Bính. Bộ CHQS tỉnh Thái Bình đã cấp cho tôi 01 giấy trích lục thông tin LS số 1670, nhưng không mang Họ Phan Văn Bính mà mang Họ Lê Văn Bính, quê quán: Thụy Quỳnh, Thụy Anh, Thái Bình, nhập ngũ: tháng 1/1968, hy sinh: 10/9/1968, đơn vị khi hy sinh: D7E31F2-QK5, trường hợp hy sinh: sốt rét ác tính, nơi mai táng ban đầu: Núi Ông Quang, xã Nú, Trà Bồng, Quảng Ngãi.

Căn cứ vào trích lục thông tin trên, ngày 15/12/2017 tôi làm đơn gửi phòng LĐTB huyện Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi và ngày 15/3/2018 làm đơn gửi phòng chính trị Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi. Cả 2 lá đơn trên đều có nội dung: đề nghị tìm kiếm phần mộ LS Phan Văn Bính và xác định địa danh nơi mai táng liệt sĩ là núi ông Quang, xã Nú, Trà Bồng, Quảng Ngãi. Sau đó, cả 2 cơ quan trên đều có công văn phúc đáp với nội dung: huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi không có địa danh núi ông Quang và xã Nú. Ngoài ra, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi còn giới thiệu tôi về BCHQS Huyện Bắc Trà Mi, tỉnh Quảng Nam để tìm hiểu thêm thông tin, vì huyện Bắc Trà Mi có địa danh xã Trà Nú.

Tiếp theo, ngày 17/3/2018, tôi làm đơn gửi Cục chính sách TCCT đề nghị xin được đính chính họ LS (từ Lê Văn Bính thành Phan Văn Bính) và được Cục chính sách hướng dẫn thủ tục đính chính họ LS theo công văn số 125. Theo hướng dẫn trên, gia đình tôi đã làm đơn gửi UBND xã Thụy Quỳnh và phòng TBXH huyện Thái Thụy xin xác nhận xã Thụy Quỳnh không có liệt sĩ nào là Lê Văn Bính mà chỉ có Phan Văn Bính, hy sinh 10/9/1968.

Ngày 12/7/2018 Cục chính sách có công văn 2312 gửi F2QK5 đề nghị xác định lại địa danh núi ông Quang, Trà Bồng, Quảng Ngãi

Ngày 15/8/2018 phòng chính trị F2QK5 có công văn số 80 trả lời huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi không có địa danh xã Nú và Phòng chính trị F2 còn cấp cho gia đình tôi 1 bản danh sách LS của E31 F2 hy sinh năm 1968, trong đó có LS Lê Văn Bính, quê Thụy Quỳnh, Thụy Anh, Thái Bình; hy sinh ngày 10/9/1968, đơn vị khi hy sinh: D7E31F2, QK5, trường hợp hy sinh: sốt rét ác tính, nơi mai táng ban đầu: núi Ông Quang, xã Nú, Trà Mi, Quảng Nam.

Ngày 26/4/2018 tôi làm đơn gửi UBND xã Trà Nú, Bắc Trà Mi đề nghị cung cấp thông tin về địa danh núi Ông Quang nhưng không được trả lời.

Căn cứ vào trích lục thông tin liệt sĩ và danh sách liệt sĩ của E31F2 cung cấp, ngày 23/9/2018 tôi cầm hồ sơ LS Phan Văn Bính và giấy giới thiệu của UBND xã Thụy Quỳnh vào Bộ CHQS Quảng Nam xin được thăm viếng mộ LS.

Đúng 17h ngày 23/9/2018, bố con tôi xuất phát từ Bến xe Thái Bình, đến 6h ngày 24/9/2018 thì có mặt tại bến xe Đà Nẵng. Như đã hẹn trước, khi đến bến xe Đà Nẵng, bác Đãi và anh Duẩn người ở Hội Hỗ trợ gia đình LS thành phố Đà Nẵng đã chờ sẵn ở bến xe. Anh Duẩn dùng xe riêng của gia đình chở chúng tôi nên BCHQS Bắc Trà Mi. Khoảng 10h, chúng tôi có mặt tại BCHQS Bắc Trà Mi. Chúng tôi được anh Phúc cán bộ chính sách tiếp. Sau khi kiểm tra xong giấy tờ, anh Phúc giới thiệu chúng tôi về UBND xã Trà Nú để gặp anh Linh xã đội trưởng. Khoảng 10h30p chúng tôi đến xã Trà Nú gặp anh Linh và xuất trình giấy tờ. Lúc này, Bác Đãi cùng anh Linh đưa bản đồ quân sự ra xem để xác định địa điểm núi Ông Quang nơi mai táng LS. Trao đổi công việc xong, anh Linh giới thiệu với chúng tôi về nhà Ông Quang. Anh Linh chia sẻ: Ông Quang là bố anh Phương, năm 1967-1968 ông là bí thư Đảng ủy xã Nú, lúc đó bản dân tộc CRo sơ tán lên đỉnh núi cao, cách trung tâm UBND xã Trà Nú bây giờ khoảng 4 tiếng đi bộ (Ông Quang là bí thư Đảng ủy và cũng là người có uy tín của bản dân tộc CRo nên cái tên núi Ông Quang chắc có tên gọi từ thời đó).

Thăm Ông Quang xong, chúng tôi ra về gặp ông Nguyên. Ông Nguyên cho biết ngay ở vườn cạnh sân nhà ông có ngôi mộ được cho là bộ đội hy sinh mai táng bằng tăng võng vải dù, ông đã báo chính quyền nhiều lần nhưng chưa có cơ quan nào đến kiểm tra và bốc cất. Sau đó ông Nguyên cho biết năm 1968, gia đình ông có chăm sóc 1 đồng chí bộ đội bị sốt rét, được đơn vị gửi lại. Sau 1 thời gian đồng chí đó hi sinh tại hầm tránh đạn nhà ông. Sáng hôm sau ông cùng mấy ông trong bản đưa đi mai táng tại ngọn núi Ông Quang, gần nơi bản dân tộc ở (đồng chí Phương, bí thư Đảng ủy xã Trà Nú cũng kể lại như vậy).

Chiều 24/9/2018 chúng tôi nghỉ, đến sáng 25/9/2018, bố con tôi cùng đoàn người của địa phương lên núi. Đoàn gồm đồng chí Bí thư xã Đoàn, Phó chủ tịch cựu chiến binh, ông Phương, ông Kích và 1 số thanh niên ở địa phương lên núi để tìm phần mộ LS:

Ngày thứ nhất, tìm đường mở lối mãi tới 11h mới lên đến đỉnh núi Ông Quang; buổi chiều bước vào công việc tìm kiếm nhưng không có kết quả.

Ngày thứ hai (ngày 26/9/2018), do chưa tìm được người lên núi nên bố con tôi bắt xe khách về Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam. Tại đây, tôi đã gặp và làm việc với cán bộ ở Phòng chính trị. Người cán bộ này xem hồ sơ của tôi rồi mở máy tra cứu dữ liệu lưu trữ trên máy vi tính. Sau khi tra cứu xong, đồng chí đã cho tôi biết: hồ sơ lưu trữ tại Bộ CHQS chỉ có tên LS Lê Văn Bính chứ không có tên Phan Văn Bính, còn các chi tiết khác đều khớp. Tôi trình bày về lí do nhầm lẫn họ (Phan và Lê) và việc này đã được chính quyền xã và huyện Thái Thụy xác nhận và được Cục Chính sách đồng ý, chấp thuận. Sau đó, đồng chí cán bộ chính sách làm phiếu chi, chi cho tôi hơn 4 triệu đồng tiền hỗ trợ thăm viếng mộ LS theo Thông tư 298 của Bộ Quốc phòng.

Ngày 27/9/2018, bố con tôi lại cùng đoàn tiếp tục lên núi (Ông Quang) tìm kiếm nhưng không có kết quả.

Di ảnh LS Phan Văn Bính

Như vậy, tính từ tháng 9/2018 đến tháng 6/2020 hai bố con tôi đã vào xã Trà Nú 5 lần, mỗi lần lên núi Ông Quang 2-3 ngày để tìm kiếm phần mộ. Trong những tháng không vào được xã Trà Nú lên núi Ông Quang để tiếp tục công việc tìm phần mộ của anh trai, tôi vẫn gửi tiền vào nhờ bố con ông Nguyên, ông Phương (bí thư đảng ủy) để tổ chức lực lượng lên núi tìm kiếm giúp phần mộ anh trai tôi. Song, kết quả 2 lần tìm kiếm đó vẫn không xác định được vị trí ngôi mộ.

     Điều đáng quan tâm là trong cùng thời gian từ tháng 9/2018 đến tháng 6/2020 cũng có 1 gia đình ở Hà Nội vào đây tìm mộ. Theo ông Phương cho biết, đó là một chị ở Hà Nội vào đây tìm kiếm phần mộ của bố, đợt đầu vào là theo thư của đồng đội, đợt sau có trích lục thông tin LS của phòng chính trị Bộ CHQS tỉnh Thái Bình cấp, trong trích lục ghi nơi mai táng ban đầu của LS tại xã Nú huyện Trà Mi, Quảng Nam; gia đình cũng gặp ông Nguyên và cũng nên ngọn núi Ông Quang tìm kiếm 3 lần, hai lần đầu không có kết quả. Đến lần thứ 3 vào ngày 10/6/2020, gia đình đã tìm thấy phần mộ, khi bốc cất hài cốt không có di vật gì dưới mộ. Song, ngày 11/6/2020 Ban CHQS huyện Bắc Trà Mi vẫn lập biên bản bàn giao hài cốt LS cho gia đình về quê an táng (sau này tôi mới biết đó là gia đình LS Lê Văn Phiến người cùng quê với tôi. Trước khi bàn giao hài cốt LS cho gia đình về quê mai táng, tôi đã điện trực tiếp cho đồng chí Phúc cán bộ chính sách của Ban CHQS Bắc Trà Mi đề nghị tạm dừng bàn giao hài cốt để cho 2 gia đình thử AND, nhưng không được đồng chí chấp thuận. Lý do tôi đề nghị thử AND là vì trên cùng 1 địa điểm (núi Ông Quang) cùng 1 thời điểm (tháng 9/2018 -6/2020) có 2 gia đình cũng vào địa điểm này tìm kiếm hài cốt LS nhưng chỉ có 1 LS mai táng tại địa điểm núi Ông Quang, 2 gia đình đều công nhận khi dưới mộ LS không có di vật gì kèm theo nên việc xác định danh tính hài cốt LS chưa đủ căn cứ pháp lý. Trong khi đó trong bản trích lục của đồng chí LS Lê Văn Phiến chỉ ghi chung chung là mai táng ban đầu tại xã Nú, huyện Trà Mi, Quảng Nam.

Sau khi Bộ CH QS bàn giao hài cốt cho gia đình đ/c Phiến tôi đã nhiều lần làm đơn gửi các cơ quan như: Ban chính sách Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam; Ban CHQS Bắc Trà Mi; Cục Chính sách Tổng Cục Chính trị; Cục Chính trị Bộ Tư lệnh QK 5; Cục NCC Bộ LĐTBXH… Nội dung tất cả những lá đơn trên tôi đều hỏi: Căn cứ vào đâu mà Ban CHQS huyện Bắc Trà Mi xác định được danh tính hài cốt LS ngày 11/6/2020 tại núi Ông Quang (đồi Kha Lau, xã Trà Nú, Bắc Trà Mi) nhưng đều không được trả lời đúng nội dung câu hỏi trên, ngoài 2 công văn số 2133 và 497 của Cục Chính sách Tổng cục Chính trị gửi Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam đề nghị xem lại phần mộ mai táng tại núi Ông Quang, xã Trà Nú, Bắc Trà Mi, nhưng đến nay BCHQS tỉnh Quảng Nam chưa trả lời rõ vấn đề này.

Ngày 17/7/2021, tôi nhận được báo cáo số 1779 và số 01+02

của Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam báo cáo Cục Chính sách về xác minh lại các nhân chứng tham gia mai táng LS. Nội dung 3 bản báo cáo trên hầu như không trung thực, bóp méo sự việc, có dấu hiệu bao che việc làm sai của cấp dưới. Tôi không nhất trí với nội dung kết luận của 03 bản báo cáo này. Chính vì thế, ngày 17/9/2021 tôi tiếp tục làm đơn đề nghị gửi Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam.

Và ngày 01/9/2021 tôi làm đơn đề nghị gửi Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị về những kết luận xác minh của Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam, với nội dung: Kiểm tra lại căn cứ xác định danh tính hài cốt LS của Ban CHQS Bắc Trà Mi, tỉnh Quảng Nam, và trả lời đơn thư kiến nghị của công dân, nhưng đến ngày 8/9/2021 tôi vẫn chưa nhận được ý kiến trả lời của các cơ quan trên.

Không còn biết nương tựa vào đâu, ngày 9/9/2021 tôi làm đơn gửi Tạp chí điện tử hòa nhập (cơ quan ngôn luận thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam) để được trợ giúp.

          Sau khi nghiên cứu đơn, hồ sơ, Tạp chí điện tử Hòa nhập đã có Công văn số 65/2021/CV-ĐTHN chuyển đơn (kèm theo hồ sơ) của tôi tới Cục Chính sách Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Và ngày 17/9/2021, tại mục Bạn đọc, Tạp chí điện tử Hòa nhập có đăng bài: “Bao giờ danh tính Liệt sĩ Phan Văn Bính được xác định..?”./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Lan tỏa giá trị văn hóa và tri thức

Giải thưởng Sách Quốc gia – sự kiện văn hóa thường niên, đã trở thành biểu tượng của nền xuất bản Việt Nam, không ngừng lan tỏa giá trị tri thức, văn hóa và góp phần xây dựng xã hội học tập.
2024-11-22 22:15:00

Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á phẫu thuật nhân đạo cho người nghèo tại Hải Phòng

Sáng 22/11, Đoàn công tác của Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á (APBA) do Giáo sư Bác sĩ Hattori Tadashi - Giám đốc dẫn đầu, đến khám và phẫu thuật nhân đạo cho bệnh nhân nghèo, mắc bệnh nặng về dịch kính võng mạc tại Hải Phòng.
2024-11-22 19:05:20

Fansipan rực rỡ sắc màu lễ hội hoa sen đá, giá vé cáp treo chỉ còn 550.000 đồng

Lầu đầu tiên được tổ chức tại Fansipan, Lễ hội hoa sen đá đem đến vô vàn trải nhiệm độc đáo cho du khách, đặc biệt khi Sa Pa đang vào mùa mây đẹp nhất năm.
2024-11-22 18:47:26

HEAD Honda Thắng Lợi lưu chuyển tiền thuần âm và chiến lược vượt khó

Mặc dù trên bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Công ty TNHH Thắng Lợi âm 225 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm hơn 1,7 tỷ đồng nhưng kết thúc năm 2023, công ty TNHH Thắng Lợi đạt hơn 711 tỷ đồng doanh thu, báo lãi sau thuế hơn 260 triệu đồng.
2024-11-22 17:40:02

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chính sách tại Trường Đại học Quốc gia Malaya

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh chặng đường tiếp theo của Việt Nam và Malaysia cũng như việc bảo đảm một hệ thống quốc tế công bằng, rộng mở phụ thuộc lớn vào sự phát triển vững mạnh của ASEAN.
2024-11-22 14:08:22

Các khuyến nghị công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp gắn với sinh kế người dân

Ngày 21/11, tại TP Hà Nội, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam, phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới, đồng tổ chức Diễn Đàn: Thực thi Luật Đất đai 2024 và các khuyến nghị công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp gắn với sinh kế người dân.
2024-11-22 12:05:00
Đang tải...