Hết chiến dịch, anh về cưới em !
Ảnh cưới của thượng úy Triệu Văn Hùng và cô giáo Sầm Hải Yến.Ảnh: NVCC
Tới các tổ chốt, trạm đồi của bộ đội biên phòng những ngày này, tôi thường nghe “Hết chiến dịch, gặp lại nhau”. Thoảng trong những lời chào hẹn ấy, có cả niềm riêng đôi lứa: “Hết chiến dịch, anh sẽ về cưới em!” của những cán bộ, chiến sĩ biên phòng tạm hoãn tổ chức đám cưới để làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19.
Nếu được nghỉ vài tiếng, sẽ đăng ký kết hôn
“Hôm trước Tết Canh Tý 2020, chúng em ra TP.Lào Cai. Tính mãi mới dám mua bộ vest chú rể 2,5 triệu đồng và mới mặc chụp hình cưới”, thượng úy Triệu Văn Hùng, Đội trưởng Phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn biên phòng Y Tý (Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Lào Cai) kể vậy, trước khi tâm sự về chuyện “hoãn cưới”. Hùng năm nay 32 tuổi, nhưng với bà con ở xã Hy Cương, TP.Việt Trì (Phú Thọ) thì thuộc diện “chậm duyên”, nên cứ khi nào cậu từ trên biên giới về, ai cũng qua động viên... lấy vợ.
Nói vậy thôi chứ người dân trong xã Hy Cương biết Hùng nặng gánh lắm: Ông bố Triệu Việt Thanh (54 tuổi) làm công nhân Nhà máy giấy Bãi Bằng, lương mỗi tháng chỉ trên 4 triệu đồng. Bà mẹ Nguyễn Thị Sâm (56 tuổi) bị suy thận cấp, thường xuyên xuống nằm điều trị tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư ở Hà Nội, nên việc thuốc thang cho mẹ và nuôi em gái Triệu Thanh Trang (20 tuổi) đang học Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội đều trông vào đồng lương thượng úy của Triệu Văn Hùng.
Năm 2009, Triệu Văn Hùng thi đại học và trúng tuyển vào Học viện Biên phòng. Năm 2013 Hùng tốt nghiệp, vào BĐBP tỉnh An Giang công tác đến 2016 mới hết thời hạn tăng cường, ra nhận nhiệm vụ tại BĐBP Lào Cai. Tháng 8.2019, Hùng quen và yêu cô giáo Sầm Hải Yến (26 tuổi, người dân tộc Giáy ở xã Mường Hum, H.Bát Xát, Lào Cai) đang dạy tại điểm trường mầm non Dền Thàng (H.Bát Xát). Tết Nguyên đán vừa qua, 2 người quyết định tổ chức đám cưới và Hùng báo cáo cấp trên, thống nhất với hai bên gia đình chọn ngày cưới là 28.4. “Năm 2019, em đã không được nghỉ phép, dự định dịp cưới sẽ xin nghỉ bù”, Hùng nói vậy và kể: Hai vợ chồng cách nhau gần 50 km, nên đã thuê căn phòng 13 m2 ở Mường Hum cho vợ ở riêng. Căn phòng chỉ có 1 chiếc giường khiến cô giáo Sầm Hải Yến sốt ruột: “Anh tranh thủ về mua chăn drap gối nệm”. Những lúc ấy, thượng úy Hùng lại phải dỗ dành: “Đang chống dịch rất căng thẳng. Các anh lớn tuổi mà mấy tháng nay chưa được về nhà. Mình còn trẻ, không vì chuyện của 2 đứa mà ảnh hưởng đến việc chung”.
Trung úy Huỳnh Văn Kiệt lưu trên điện thoại hình chụp cùng người yêu/Ảnh: Ngô Trần Hải An
Trước hôm gọi điện về quê Phú Thọ và bố mẹ vợ ở Bát Xát xin được hoãn tổ chức đám cưới, Hùng suy nghĩ nhiều lắm. Gì thì mọi thứ cũng chuẩn bị xong. Nhẫn cưới đã mua. Ảnh cưới vừa chụp. Hai bên gia đình háo hức chuẩn bị lợn gà cho 50 - 70 mâm cỗ mời bà con họ hàng làng xóm... Thế nhưng dịch bệnh này, tập trung đông người vừa ảnh hưởng sức khỏe vừa trái với chỉ đạo cấp trên, và nhất là không đúng vai trò bộ đội “đầu tàu gương mẫu”. Thật may, gia đình hai bên đều đồng ý với nguyện vọng đôi trẻ. “Các cụ giờ cứ gọi điện dặn em cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, giữ gìn tốt sức khỏe để sau này có... thằng cu”, thượng úy Triệu Văn Hùng cười và thì thầm: “Ngày 28.4 này, em sẽ xin chỉ huy đồn cho nghỉ vài tiếng đồng hồ, chạy xuống chỗ vợ đưa ra UBND xã làm đăng ký kết hôn. Thế là thành vợ chồng. Còn nghi lễ, bảo với cô ấy: Hết chiến dịch anh về cưới em!”.
Bộ đội biên phòng đồn Bình Thạnh (Long An) tuần tra kiểm soát dọc đường biên giới VN - Campuchia/Ảnh: Ngô Trần Hải An
Đại tá Văn Ngọc Quế, Phó chủ nhiệm chính trị BĐBP, cho biết: Hiện có 58 cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã tạm hoãn việc riêng để tập trung vào nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó 27 người hoãn tổ chức lễ kết hôn; 20 người có vợ sinh con nhưng không về được và 11 người có lý do khác (hoãn cưới cho con, không về khi người thân mất, vợ sinh con nhưng đăng ký ở lại chống dịch, vợ sẩy thai đi cấp cứu nhưng không về được...).
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.