Hỗ trợ người khuyết tật chung sống an toàn với COVID-19
Đại diện UNDP trao tặng hỗ trợ cho Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn.
Nhân kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4), ngày 18/3, với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) đã phối hợp với Trung tâm Y tế Huyện Lương Sơn và Trung Tâm hành động vì Sự phát triển của Cộng đồng (ACDC) tổ chức Lễ khánh thành xây dựng các hạng mục đường dốc và nhà vệ sinh tiếp cận với người khuyết tật, đồng thời cung cấp trang thiết bị phục hồi chức năng hiện đại, và đào tạo đội ngũ nhân viên y tế về các kỹ năng cần thiết để hỗ trợ bệnh nhân khuyết tật tại Trung tâm y tế huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình.
Việt Nam hiện có hơn 6,2 triệu người khuyết tật. Đây là một trong những nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Kết quả Đánh giá nhanh của UNDP về Tác động kinh tế - xã hội của đại dịch COVID-19 đối với người khuyết tật cho thấy 82% người trả lời quan ngại về bảo vệ sức khỏe của mình, 70% cho rằng có khó khăn trong tiếp cận chăm sóc y tế như khám bệnh, thuốc chữa bệnh, dụng cụ trợ giúp và dịch vụ phục hồi chức năng.
Theo ông Hoàng Văn Kứu, Giám đốc Trung Tâm y tế Huyện Lương Sơn, từ giữa tháng 3, Khoa y học cổ truyền và phục hồi chức năng bắt đầu triển khai các hoạt động khám, điều trị phục hồi chức năng, đúng với nguyện vọng và nhu cầu của người dân địa phương và các dịch vụ này sẽ được bảo hiểm y tế chi trả. Người dân địa phương, đặc biệt là người khuyết tật giờ sẽ không phải lên bệnh viện tỉnh hay ra Hà Nội để điều trị phục hồi chức năng như trước đây.
Những người khuyết tật đầu tiên được tiếp cận trang thiết bị y tế hiện đại từ sự hỗ trợ của UNDP và Chính phủ Nhật Bản.
Phát biểu tại Lễ trao tặng thiết bị phục hồi chức năng và khánh thành các hạng mục sửa chữa tiếp cận tại Trung tâm y tế huyện Lương Sơn, bà Diana Torres, Trưởng Phòng Quản trị và Tham gia, UNDP Việt Nam, nhấn mạnh: “Với đội ngũ bác sĩ được đào tạo về người khuyết tật và bình đẳng giới, cùng với hệ thống cơ sở vật chất đã được cải thiện, chúng tôi thực sự hy vọng rằng người khuyết tật trong huyện có thể tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao, từ đó họ có thể hòa nhập hoàn toàn vào đời sống xã hội. Nhờ có các trải nghiệm tích cực với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại đây, người khuyết tật huyện Lương Sơn sẽ là nguồn cảm hứng để tiếp tục vận động và đi đầu trong những thay đổi tiên quyết nhằm cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người khuyết tật ở các vùng nông thôn khác trên toàn quốc”.
Theo đánh giá nhanh của UNDP cho thấy 96% người khuyết tật được hỏi lo lắng về an toàn tài chính trong đại dịch COVID-19, 30% bị mất việc làm, và gần 60% bị cắt giảm thu nhập do tác động của COVID 19.
Để kịp thời hỗ trợ người khiếm thị xây dựng kỹ năng để có thể tận dụng các nền tảng số, tạo thêm việc tại nhà và cơ hội việc làm trực tuyến, giúp họ có thể làm việc một cách an toàn và cạnh tranh trong môi trường công nghệ 4.0, UNDP đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề thuộc Hội người mù thành phố Hà Nội cung cấp Khóa đào tạo kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số cho người khiếm thị. Với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, sau 4 tháng, các học viên đã được trang bị kiến thức về xây dựng nội dung và kinh doanh trên nền tảng số và được bồi dưỡng kỹ năng sử dụng công cụ hỗ trợ như máy tính, điện thoại thông minh để đăng bài đủ tiêu chí, quản lý đơn, quản lý doanh thu, nâng cao sự tự tin để có thể bán hàng online. Nhiều học viên đã có những kết quả cải thiện rõ rệt và gia tăng thu nhập từ 30-50% thông qua bán hàng online.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.