Hoài Đức (Hà Nội): Hàng loạt công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp
2016-08-03 14:44:43
0 Bình luận
Hàng chục nhà xưởng, trụ sở công ty được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Cát Quế (Hoài Đức, Hà Nội). Việc để những công trình này “ung dung” tồn tại nhiều năm liền không bị xử lý, khiến dư luận địa phương đang đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Hàng loạt nhà xưởng kiên cố được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp |
Hàng loạt vi phạm được chỉ rõ!
Dựa theo thông tin phản ánh, phóng viên đã về xã Cát Quế, (huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội). Qua tìm hiểu được biết, hiện trên địa bàn xã có hàng chục nhà xưởng, trụ sở công ty xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp, hành lang đê điều, trong đó các nhà xưởng chủ yếu tập trung tại khu vực xóm 7, xã Cát Quế. Ngoài ra 100% các cơ sở sản xuất tại đây còn xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng khu dân cư.
Tiếp tục tìm hiểu được biết, các nhà xưởng, trụ sở công ty được xây dựng tại khu vực chân đê xóm 7 xã Cát Quế được sử dụng làm các cơ sở sản xuất bánh kẹo, đồ gỗ, nha, miến…Với quy mô mỗi cơ sở xây dựng rộng hàng trăm m2, được xây dựng kiên cố bằng khung sắt, thép.
Không chỉ được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, hầu hết các cơ sở sản xuất này đều trực tiếp xả thải ra môi trường. Quan sát trực tiếp kênh T5, phóng viên nhận thấy một dòng nước đen đặc quánh, bốc mùi hôi thối.
Một số hộ dân sống quanh khu vực cho biết: Các công ty, nhà xưởng là do người dân trong xã xây dựng để sản xuất bánh kẹo, miến… Ban đầu chỉ có một số cơ sở với quy mô nhỏ, nhưng thời gian gần đây ngày càng nhiều nhà xưởng to được xây dựng lên. Hầu hết các cơ cở sản xuất đều xả thải trực tiếp ra kênh T5 này, mỗi khi có gió quẩn, mùi bay vào nhà rất khó chịu.
Theo thông tin người dân, hệ thống lò hơi này được nhập khẩu và lắp đặt trái phép |
Ai chống lưng cho vi phạm?
Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có cuộc làm việc với ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Cát Quế. Trước những vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng tại khu vực chân đê xóm 7, ông Sơn cho biết: Các nhà xưởng, trụ sở công ty vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, xả thải trực tiếp ra môi trường tại khu vực chân đê xã Cát Quế là đúng.
Vị này cũng biện minh, từ năm 1991 đến nay, người dân xã Cát Quế không có đất giãn dân, không quy hoạch vào khu công nghiệp, vì vậy do nhu cầu phát triển kinh tế nên người dân bắt buộc phải làm vậy.
Về vấn đề xả thải trực tiếp vào môi trường không qua xử lý của các nhà xưởng và công ty khu vực chân đê, ông Sơn lý giải: “Đúng là các cở sở này đều trực tiếp xả thải ra kênh T5, tuy nhiên không chỉ có các cơ sở này mà kênh T5 còn chạy từ xã Dương Liễu, qua Cát Quế, Yên Sở, Minh Khai rồi đổ ra sông Đáy. Qua mỗi xã, đều có các sở sở sản xuất xả thải vào hệ thống kênh đó nên kênh mới ô nhiễm và bốc mùi hôi thối”.
Đối với những trường hợp vi phạm phát sinh gần đây, ông Nguyễn Văn Sơn thừa nhận: Có ba trường hợp mới phát sinh vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp.
Kênh T5 ô nhiễm nặng nề, bốc mùi hôi thối |
Theo đó, trường hợp ông Phạm Bình, sinh năm 1976, khu 6 xã Cát Quế xây dựng lán xưởng trên đất nông nghiệp. Ngày 29/7/2016, UBND xã Cát Quế đã lập biên bản số 18/BB-VPHC về việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với gia đình ông Phạm Bình. Ngày 30/7/2016 UBND xã Cát Quế đã ra Quyết định số 146/QĐ-XPHC về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai. Quyết định nêu rõ, ông Phạm Bình đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp. Cụ thể: Đào đất, đổ cát, san nền, dựng lán xưởng trên diện tích đất nông nghiệp không phải trồng lúa thuộc khu chân đê, xã Cát Quế. Diện tích vi phạm là 527 m2. Mức tiền xử phạt là 1,5 triệu đồng và buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
Hai trường hợp vi phạm còn lại, bà Hoàng Thị Hằng, cán bộ địa chính xã Cát Quế cho biết: Năm 2015, gia đình ông Nguyễn Như Thịnh xây dựng lán làm trang trại chăn nuôi tại khu vực chân đê xã Cát Quế, diện tích hơn 360 m2. Hiện nay đã xây dựng xong phần móng. Trường hợp tiếp là nhà ông Nguyễn Trọng Năng xây dựng lán làm kho chứa hàng tại khu vực chân đê, diện tích xây dựng gần 400 m2, do gia đình ông Năng sử dụng. Cả hai trường hợp trên đều xây dựng trên đất nông nghiệp không phải trồng lúa. Hiện nay, chính quyền xã Cát Quế đã lập biên bản vi phạm và vận động gia đình tự tháo dỡ.
Rõ ràng, những trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Cát Quế đã được chính quyền địa phương nắm bắt, nhưng không hiểu vì sao những công trình vi phạm này vẫn “ung dung” tồn tại, ngày càng được “nhân rộng” và phát sinh nhiều thêm.
Báo Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo Báo Xây Dựng