Học phí 14 trường chất lượng cao ở Hà Nội có thể tăng 400.000 đồng /tháng
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của nghị quyết là trẻ em học mầm non, học sinh tại 14 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và giáo dục phổ thông chất lượng cao trên địa bàn thành phố.
Trình bày tờ trình của UBND thành phố trước khi các đại biểu HĐND thành phố xem xét thông qua Nghị quyết, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng cho biết, trong 14 trường này có 7 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 4 trường trung học cơ sở (THCS) và 1 trường trung học phổ thông (THPT).
14 trường học chất lượng cao ở Hà Nội sẽ tăng học phí từ năm học 2020-2021
Hiện, mức thu của các trường được thực hiện theo Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐND năm 2016 của HĐND thành phố quy định mức trần học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao năm học 2019-2020. Cụ thể, cấp học mầm non và tiểu học có mức trần học phí là 5,1 triệu đồng/tháng; cấp THCS và THPT là 5,3 triệu đồng/tháng.
Qua 4 năm học, mức thu học phí bình quân của 14 trường công lập chất lượng cao đều dưới mức trần theo quy định trên. Hiện các trường vẫn tự bảo đảm chi thường xuyên.
Theo báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội, để tạo điều kiện cho các trường có khung mức trần học phí đảm bảo duy trì, phát triển theo các tiêu chí nâng cao chất lượng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục hướng tới tiệm cận chất lượng với nền giáo dục đào tạo tiên tiến của khu vực và quốc tế, HĐND TP thống nhất với đề xuất tăng học phí như đề nghị của UBND TP.
Với Nghị quyết được thông qua, mức trần học phí năm học 2020-2021 với cấp học mầm non và THCS được giữ nguyên như năm học 2019-2020, lần lượt là 5,1 triệu đồng/học sinh/tháng và 5,3 triệu đồng/học sinh/tháng.
Mức trần học phí cấp tiểu học và THPT được điều chỉnh tăng ở các mức tương ứng 5,5 triệu đồng/học sinh/tháng và 5,7 triệu đồng/tháng; đồng nghĩa với tăng thêm 400.000 đồng/tháng so với hiện nay.
HĐND TP giao, trên cơ sở mức trần học phí, hằng năm, thủ trưởng cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội của địa bàn, cùng với cam kết thực hiện chất lượng giáo dục cao theo tiêu chí cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy, kết quả kiểm định và mức hỗ trợ của ngân sách để quyết định mức thu học phí cụ thể sau khi có sự thống nhất bằng văn bản của UBND quận, huyện, thị xã hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo theo phân cấp quản lý.
Mức trần học phí của cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao áp dụng năm học 2020-2021 sẽ được điều chỉnh bắt đầu từ năm học 2021-2022.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.