Học sinh sáng tạo xe lăn "2 trong 1" dành cho người khuyết tật
Chủ nhân của chiếc xe lăn 2 trong 1 nói trên là em Đỗ Kim Khánh, lớp 11A1 và em Đinh Hoàng Đức, lớp 11 Sinh (Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, Đồng Nai).
Kim Khánh chia sẻ: “Từ ý kiến khảo sát người khuyết tật chân, chúng em nhận thấy khó khăn nhất của họ là thao tác lên - xuống xe lăn khi sử dụng. Những người còn trẻ, khỏe thì có thể tự xoay trở được, còn người già, yếu thì cần phải có người giúp đỡ mới có thể ngồi lên xe được”.
Để giải quyết vấn đề này, nhóm thiết kế xe lăn có 2 bản lề, có thể mở ra được và ôm lấy người bệnh, giúp người bệnh có “điểm tựa” để tự di chuyển lên xe. Tiện lợi thứ 2 là xe có thể nâng hạ độ cao để phù hợp với người ngồi.
Kim Khánh điều khiển chiếc xe lăn "2 trong 1" (Ảnh: Báo Đồng Nai)
“Những người khuyết tật chân mà khỏe mạnh hoàn toàn có thể tự làm việc nhà, việc nâng độ cao (chênh lệch độ cao 32cm) giúp họ có thể với được những vật dụng ở trên cao hoặc có thể làm những công việc cần độ cao nhất định, như nấu cơm chẳng hạn” , Kim Khánh nói thêm.
Một ưu điểm khác của xe là xe chạy bằng điện với tổng thời gian 1,5 tiếng, có thể điều khiển bằng remote hoặc bằng joystick với khoảng cách lên đến 40m. Như vậy, khi không có xe bên cạnh mà cần dùng xe, người dùng chỉ việc điều khiển remote để xe tự chạy đến nơi mà không cần đi tìm hoặc phải có người khác đẩy xe đến.
Hoàng Đức thử nghiệm sản phẩm (Ảnh: Báo Đồng Nai)
Xe được thiết kế bằng 2 vật liệu chính là khung sắt và gỗ. Trọng lượng của xe là 17kg. Xe có thể chịu được tải trọng từ 50-90kg với vận tốc di chuyển tối đa là 12km/giờ. Ngoài ra, xe có chế độ cài đặt vận tốc cố định, khuyến khích ở mức 6km/giờ. Tuy nhiên, nhược điểm là khối lượng của xe còn khá nặng, tính thẩm mỹ chưa cao; xe không thể di chuyển thuần cơ khi không có nguồn điện. Nhóm mong muốn sẽ khắc phục nhược điểm này, đồng thời phát triển thêm một số tính năng mới như: đo nhịp tim; nút bấm liên lạc khẩn cấp để kết nối với người thân hoặc nhân viên y tế trong trường hợp khẩn cấp.
Quá trình nghiên cứu và hoàn thành sản phẩm, cả hai gặp không ít khó khăn. Thời gian đầu, nhóm và giáo viên hướng dẫn hầu như chỉ làm việc online. Cho đến khi cả 2 thành viên đã được tiêm đầy đủ vaccine phòng Covid-19 mới chuyển sang làm việc trực tiếp. Tuy nhiên, đến khi thi, các em vẫn phải thi online.
Theo Kim Khánh, khó khăn nhất của nhóm trong quá trình tham gia cuộc thi KHKT là ít được gặp nhau để làm việc trực tiếp do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Một số linh kiện, thiết bị cũng khó tìm mua. Đặc biệt, nhóm gặp nhiều khó khăn trong khâu thiết kế, lựa chọn các thông số làm sao để đảm bảo an toàn nhất cho người bệnh.
Được biết, Kim Khánh và Hoàng Đức đều đã 2 lần tham gia cuộc thi KHKT. Trong đó, Hoàng Đức từng đoạt giải nhì cấp tỉnh với đề tài Nghiên cứu sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải nhà máy sữa kết hợp với men bồ hòn.
Còn Kim Khánh, đây là lần thứ 2 em dự thi ở lĩnh vực kỹ thuật cơ khí, cũng là lĩnh vực mà nữ sinh này rất đam mê và mong muốn sẽ tiếp tục theo đuổi ở bậc đại học.
Tương tự, sản phẩm "Cánh tay robot cho người khuyết tật liệt cơ tay toàn phần" của 2 học sinh Phạm Đức Linh và Nguyễn Đức An (Trường THPT Hàn Thuyên, tỉnh Bắc Ninh) đã dành giải Ba Hội thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế 2021.
Ý tưởng tạo ra cánh tay robot cho người khuyết tật liệt cơ toàn phần xuất phát từ việc chứng kiến nhiều người khuyết tật gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Hai học sinh này muốn tạo ra một sản phẩm hữu ích, giúp người khuyết tật có cuộc sống bình thường, không trở thành gánh nặng cho người khác.
Sau khi trình bày, ý tưởng nhân văn của hai cậu học trò lớp 11 đã được thầy Ngô Văn Tiến, chủ nhiệm Câu lạc bộ STEM và Ban giám hiệu trường THPT Hàn Thuyên ủng hộ. Từ giữa năm 2020, vừa đảm bảo việc học trên lớp, Linh và An vừa bố trí thời gian cho việc tìm hiểu thông tin, tài liệu liên quan đến cảm biến, linh kiện điện tử, thiết kế 3D cánh tay robot... Trong đó, Đức Linh chịu trách nhiệm thiết kế cánh tay robot và Đức An phụ trách phần mạch điện, lập trình.
Để sản phẩm thành hình, cả thầy và trò cùng trải qua nhiều khó khăn, có lúc bế tắc bởi thiếu vật dụng, thiết bị, linh kiện... Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm và cả niềm đam mê sáng tạo, cuối cùng sản phẩm cũng hoàn thành với hai phần chính là cánh tay, hộp điều khiển, nặng gần 1kg.
Hộp điều khiển gồm một chiếc hộp được đặt tại cẳng chân và một cảm biến uốn cong đặt tại đầu ngón chân cái người sử dụng. Hoạt động co duỗi ngón chân giúp điều chỉnh biên độ co duỗi các ngón tay. Người sử dụng cũng dễ dàng xoay cổ tay 180 độ thông qua tín hiệu thu được từ cảm biến uốn cong điều khiển bằng ngón chân.
Tổng chi phí để chế tạo cánh tay robot khoảng 9 triệu đồng. Nhưng các chi phí phát sinh như kinh phí để thử nghiệm, sửa đổi, in lại nguyên mẫu 3D, mua mạch,.. gấp nhiều lần số tiền dự tính ban đầu.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.