Học sinh vi phạm giao thông bị nghỉ học có gây sốc?
Cộng đồng mạng "bình loạn" về quy định học sinh nghỉ học 1 tuần nếu vi phạm luật giao thông mới được Sở GD & ĐT Hà Nội quy định |
Nghỉ học một tuần có thỏa đáng?
Đó là những phản ứng của học sinh và phụ huynh trước quy định của Sở GD & ĐT Hà Nội về việc Tổ chức phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, nếu học sinh vi phạm lần 1 sẽ hạ một bậc hạnh kiểm trong tháng mắc lỗi, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết.
Trong trường hợp, học sinh đã biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần 2 thì sẽ hạ một bậc hạnh kiểm của học kì, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học một tuần để gia đình và địa phương quản lý, răn đe.
Quy định này đã vấp phải phản ứng dữ dội. Trên các diễn đàn, cả người lớn và học sinh đều “bình loạn” về quy định này. Trong đó, có bạn mạnh tay viết: "Luật quái gở của Sở Giáo dục. Vi phạm giao thông thì xử phạt là nhiệm vụ của CSGT không liên quan đến Sở GD. Đề nghị giáo viên vi phạm giao thông nghỉ dạy 1 tháng".
Trong khi đó, không ít bậc phụ huynh thì cho rằng sao không nghĩ ra hình phạt nào khác, chẳng hạn như ngoài thời gian học được đi lao động công ích cho trường, cho nghỉ 1 tuần làm gì cho phí thời gian. Ý kiến này ngay lập tức nhận được rất nhiều ý kiến đồng thuận.
Một chị phụ huynh có nick Maichi cho rằng: Thông báo cho nhà trường và ra quy định trẻ đi học Luật giao thông và lao động công ích là giải pháp mình ủng hộ. Đối với những vấn đề liên quan trẻ em, mình luôn phải tuân thủ nguyên tắc mà Công ước quyền trẻ em và Luật bảo vệ chăm sóc trẻ em ghi rất rõ "Vì lợi ích tốt nhất cho trẻ".
Vị phụ huynh này cũng nhắn nhủ: Phạt nghỉ học vô hình chung tước quyền đi học của các con. Đấy là chưa kể, với tình trạng dạy học tẻ nhạt hiện nay, trẻ được nghỉ 1 tuần chúng càng được tự do.
Chuyên gia giáo dục lên tiếng
Trao đổi với Infonet về phản ứng của cộng đồng mạng xung quanh quyết định này, TS Vũ Thu Hương, giảng viên trường ĐH Sư phạm HN cho biết chị đã sốc khi nhiều người cho rằng quyết định này là quái gở.
Bởi theo TS Hương thì, ngay trong chương trình giáo dục mầm non, phần giáo dục ý thức an toàn giao thông cũng đã có và là mục quan trọng. Giáo dục phổ thông cấp nào cũng nói đến việc này. Ở đây, nếu các học sinh biết mà vẫn vi phạm thì đương nhiên phải có những hình thức phạt cho thích đáng. Không thể để các em vi phạm hết lần này đến lần khác được.
“Tuổi thơ chính là độ tuổi học tập rèn luyện để từ một sinh vật cấp cao trở thành 1 con người trưởng thành. Để học hỏi cần có những biện pháp giáo dục khác nhau. Đặc biệt khi trẻ nhận sự trả giá, chúng sẽ rút kinh nghiệm rất nhanh.
Có 2 loại trả giá, một là các hình thức phạt và hai là những hậu quả do chính hành động của trẻ gây ra.
Về ATGT, nếu cho trẻ chịu đựng hình thức hậu quả do chính mình gây ra thì có nhiều trường hợp chính là mạng sống của trẻ và người xung quanh. Khi ấy, trẻ có khi cũng chẳng còn tồn tại để mà rút kinh nghiệm nữa. Do vậy, cần có những hình thức phạt hợp lý. Đây chính là những hình thức cảnh cáo răn đe để các cháu rút kinh nghiệm”- TS Hương nhấn mạnh.
Theo TS Hương, nhiều bạn đã đưa ra các hình thức phạt khác như chép phạt hay gì đó để tránh cho việc bị buộc thôi học 1 tuần. Tuy nhiên, TS Hương cho rằng nếu đứa trẻ bị phạt ở dưới dạng khác, chắc chắn không thể rút kinh nghiệm nổi khi trường quy định cấm vi phạm giao thông (trống đánh xuôi), gia đình lại thả nổi cho con (kèn thổi ngược).
Chung quan điểm này, cô giáo Ngô Thúy Hường, Trường THPT Hữu Nghị 80 cho rằng bản thân cô đã từng gặp một phụ huynh đã hùng hổ đi vào lớp hét thẳng giữa mặt cô giáo: "Cấm cô bắt con tôi đội mũ bảo hiểm, nhà tôi ngay gần trường. Từ ngày yêu cầu học sinh phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy đến trường, không có mũ là nó không đi học".
"Rõ ràng, trong tình huống này bố mẹ là người có lỗi. Việc cho học sinh nghỉ học 1 tuần là hoàn toàn hợp lý. Việc một đứa trẻ bị phạt buộc nghỉ học 1 tuần sẽ khiến các cha mẹ rất khổ sở và bối rối. Ai sẽ là người ở nhà canh chừng chúng? Đấy là câu hỏi mà các phụ huynh lo lắng chứ không phải vấn đề trẻ em vi phạm luật ATGT thế nào.
Chính vì điều này, các phụ huynh cũng sẽ phải quan tâm hơn đến luật và tuân thủ luật hơn để làm gương cho con trẻ. Các phụ huynh cũng phải giáo dục con, răn đe con nhiều hơn"- TS Hương nhấn mạnh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.