Hơn 30 dịch vụ thuê khoán trong bệnh viện: Chưa có quy định chung trên cả nước
2016-08-14 10:52:33
0 Bình luận
Sắp tới Bộ Y tế sẽ ra quy định về quản lý dịch vụ thuê khoán từ bên ngoài vào bệnh viện và để các bệnh viện có hành lang pháp lý thực hiện tốt các dịch vụ khác chăm sóc người bệnh.
Các dịch vụ thuê ngoài vào phải được quản lý chặt chẽ. |
Rút kinh nghiệm từ BV Nhi trung ương
Vụ việc bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương chặn xe cấp cứu chuyển bệnh nhi xin về gây bức xúc trong dư luận thực sự đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi ngành y phải gấp rút giải bài toán quản lý các dịch vụ thuê khoán ngoài bệnh viện. Tuy nhiên, không dễ để có thể tìm lời giải cho bài toán này. Chính vì thế, Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị Nâng cao công tác quản lý các dịch vụ thuê bên ngoài vào bệnh viện, chiều 12-8, tại Hà Nội. Sau hội nghị tại Hà Nội, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức lấy ý kiến các bệnh viện lớn tại TP.HCM.
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Y tế, có khoảng hơn 30 dịch vụ thuê khoán được sử dụng trong các bệnh viện. Từ dịch vụ vệ sĩ, bảo vệ, trông giữ xe, ăn uống/dinh dưỡng – tiết chế, taxi, vận chuyển người bệnh tử vong, căng tin tiện ích, vệ sinh công nghiệp, thu gom vận chuyển xử lý chất thải… đến bảo quản tử thi, nhà tang lễ, xe tang… Vì số lượng dịch vụ quá nhiều nên công tác quản lý ở mỗi bệnh viện cũng rất khác nhau.
Chia sẻ về câu chuyện thuê khoán từ bệnh viện, Giáo sư Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh cho biết: "Câu chuyện Bệnh viện Nhi trung ương là bài học cho các bệnh viện khác".
Tuy nhiên, trong câu chuyện này, giáo sư Khuê cho rằng trách nhiệm thuộc về Giám đốc Công ty bảo vệ AZ nơi có hai bảo vệ đang làm việc chứ không phải lỗi của giám đốc Bệnh viện Nhi. Lẽ ra Giám đốc của công ty bảo vệ đó phải xin lỗi toàn dân chứ không phải Giám đốc bệnh viện Nhi.
Ông Khuê cũng không muốn hình ảnh 2 bảo vệ mà ảnh hưởng tới cả chất lượng ngành y, gây bức xúc cho dư luận, trong nhân dân.
Giáo sư Khuê cho biết, nếu quản lý không tốt các dịch vụ thuê khoán từ bên ngoài vào thì còn nhiều câu chuyện đau lòng nữa. Không đâu xa, trường hợp trước đây của Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn Hà Nội bị xã hội đen trả thù chỉ vì những tranh chấp trong việc phục vụ mai táng.
"Các bệnh viện phải xem xét lại tất cả các dịch vụ thuê khoán từ bên ngoài để đảm bảo mọi việc tốt hơn làm thế nào từ dịch vụ dinh dưỡng, chăm sóc bệnh nhân phải tốt hơn dịch vụ bên ngoài. Tuy nhiên, đứng ở góc độ nào thì người bệnh cũng phải hài lòng vì họ hài lòng thì bệnh viện mới được bệnh nhân tin tưởng đến khám chữa bệnh" - ông Khuê nói.
Tiết kiệm 700 triệu đồng mỗi năm
Mục tiêu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là xây dựng mô hình hài lòng người bệnh, không dừng lại trong tương lai gần còn là bệnh viện xanh, sạch, đẹp và thân thiện trong đó các dịch vụ thuê khoán từ bên ngoài vào cũng phải đảm bảo chất lượng.
Tại Bệnh viện Nhi trung ương, sau những ầm ĩ không đáng có vào đầu tháng 7, hiện Bệnh viện đã thí điểm “mở cửa” cho tất cả các loại xe được ra vào hai cổng của Bệnh viện.
Số liệu thống kê cho thấy, hàng ngày có 700 – 800 lượt xe taxi, 600 – 700 lượt xe cá nhân, 20 – 25 lượt xe cứu thương. Ngoài ra, còn có hơn 150 lượt người hỏi nhân viên bảo vệ về hoạt động khám chữa bệnh, cây rút tiền, bãi đỗ xe ngoài Bệnh viện… Bệnh viện cũng chấm dứt hợp đồng với công ty bảo vệ trước đây.
Về vấn đề quản lý các dịch vụ thuê khoán từ bên ngoài, thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hường – Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, đã 22 năm bệnh viện không có nhân viên bảo vệ mà do công ty bên ngoài ký hợp đồng với Bệnh viện. Hiện nay, bệnh viện có khoảng 140 bảo vệ, tính ra 10 giường bệnh có 1 bảo vệ.
Kinh nghiệm của Bệnh viện Việt Đức là chọn những đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo vệ. Ngoài năng lực của lãnh đạo, nhân viên bảo vệ bệnh viện còn yêu cầu phẩm chất đạo đức, trình độ văn hoá, có chứng chỉ chuyên môn tập huấn kỹ năng giao tiếp, có tập huấn hàng năm. Bệnh viện ra các quy định cụ thể để thực hiện cho bảo vệ làm tốt.
Phí công ty bảo vệ được ký hợp đồng, công ty phải xây dựng trình Bệnh viện duyệt tổ chức an ninh trật tự các tình huống gây rối, hành hung, trộm cắp, cò mồi, bán hàng rong. Ngoài ra, công ty bảo vệ còn có nhiệm vụ nhắc nhở bệnh nhân người nhà thực hiện nội quy Bệnh viện, kiểm soát bệnh nhân ra viện, tránh bệnh nhân trốn viện. Bảo vệ còn phải trông giữ phương tiện của khách, điều hành phương tiện giao thông ra vào bệnh viện.
Thông tin liên tục giữa hai bên công ty thực hiện báo cáo hàng ngày cho Bệnh viện vào 7h sáng, hàng tuần vào thứ 2, báo cáo đột xuất, sơ kết quý, 6 tháng. Một nhân viên bảo vệ làm việc thời gian lao động 1 tháng 25 ngày /8h, lương 4,3 triệu đồng, hỗ trợ tiền ăn trưa 10 nghìn đồng/ ngày, thưởng 200 nghìn/tháng. Bộ phận làm trời nắng hỗ trợ tiền nước uống, cho làm thêm.
Bà Hường cho biết để tăng thu nhập cho nhân viên bảo vệ, bệnh viện cho trông xe đạp, xe máy, ô tô vào bệnh viện theo mức phí uỷ ban nhân dân thành phố quy định.
Từ đó, Bệnh viện Việt Đức thấy rằng việc sử dụng cung cấp dịch vụ Bệnh viện có hiệu quả, nâng cao chất lượng bảo vệ vì tính chuyên nghiệp, Bệnh viện không phải tham gia quá nhiều công tác quản lý, chi phí tiết kiệm, mỗi năm tiết kiệm 700 triệu đồng.
Bà Hường cũng cho biết thêm hiện nay Bệnh viện Việt Đức chỉ có 2 nhân viên bảo vệ từ lịch sử để lại mỗi tháng chi 13 triệu đồng/tháng để trả lương. Để quản lý bệnh viện tạo điều kiện cho bệnh nhân và người nhà, bệnh viện quy định toàn bộ xe chở người nhà và bệnh viện ra ngay sẽ không thu tiền, kể cả xe taxi lẫn xe gia đình…
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo ìnofnet