Không điều khiển dù lượn ra khỏi vùng hoạt động bay cho phép
Ảnh minh họa |
Nội dung này được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nêu tại dự thảo Thông tư quy định điều kiện chuyên môn tổ chức tập luyện và thi đấu môn dù lượn và diều bay.
Theo dự thảo, tại các điểm thi đấu dù lượn và diều bay phải có các bảng nội quy, bảng chỉ dẫn được đặt ở những vị trí thích hợp, dễ nhận biết trong khu vực xuất phát và khu vực đỗ.
Bảng chỉ dẫn đối với người tham gia hoạt động thể thao dù lượn và diều bay phải thể hiện các nội dung: đảm bảo an toàn; không được uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích; không được điều khiển các phương tiện bay ra khỏi vùng hoạt động bay cho phép.
Cơ sở thể thao tổ chức hoạt động dù lượn và diều bay phải ghi rõ số điện thoại của người có trách nhiệm quản lý bay, tần số bộ đàm và cách thức liên lạc khi cần thiết trên bảng chỉ dẫn. Có khu vệ sinh, thay đồ, nơi để đồ dùng cá nhân cho người tập, có trang bị thuốc và dụng cụ sơ cấp cứu ban đầu.
Dự thảo nêu rõ, đối với dù lượn và diều bay không có động cơ, độ cao chênh lệch tối thiểu giữa điểm cất cánh và khu vực đích hạ cánh là 150m.
Những phi công hay người tham gia tập luyện và thi đấu dù lượn và diều bay phải được trang bị các thiết bị an toàn cần thiết: dù chính, đai ngồi, dù phụ, thiết bị đo độ cao, định vị toàn cầu, bộ đàm, mũ bảo hiểm và các trang thiết bị bảo vệ cá nhân khác. Dù lượn và diều bay có động cơ phải đảm bảo về chất lượng và an toàn kỹ thuật. Hình thức dù lượn và diều bay phải đảm bảo phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống văn hóa dân tộc.
Ảnh minh họa - Internet |
Trang bị hệ thống thông tin đảm bảo yêu cầu liên lạc
Trong quá trình tổ chức và thực hiện công tác huấn luyện, các cơ sở thể thao và người hướng dẫn tổ chức hoạt động dù lượn và diều bay phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, luôn phải giữ giãn cách giữa các thiết bị bay ở khoảng cách an toàn và tần suất chuyến bay khoảng phù hợp và an toàn.
Phi công sẽ được cất cánh theo từng khoảng thời gian nhất định để đảm bảo khoảng cách giữa các phi công là đủ xa khi vào tiếp cận khu vực hạ cánh tùy theo điều kiện bay cụ thể. Khoảng thời gian cất cánh giữa các phi công tối thiểu là 90 giây.
Cơ sở thể thao tổ chức hoạt động dù lượn và diều bay có động cơ phải trang bị hệ thống thông tin đảm bảo yêu cầu liên lạc từ bộ phận điều hành đến các vùng hoạt động dù lượn và diều bay thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của cơ sở thể thao và các cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Tổng cục Thể dục thể thao hoặc tổ chức xã hội - nghề nghiệp về dù lượn, diều bay cấp quốc gia tổ chức tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện môn dù lượn và diều bay. Giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn do cơ quan tổ chức tập huấn cấp, có giá trị trong 5 năm kể từ ngày cấp.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.