Giảm gánh nặng cung ứng vốn cho hệ thống ngân hàng
Tín dụng ngân hàng chưa đủ “lực đỡ”
Trong năm nay, các ngân hàng thương mại đang gặp khó khăn khi phải đối mặt với việc nới lỏng chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên tới 16%. Hiện, các ngân hàng đang phải tìm cách xoay xở để thu hút nguồn vốn phục vụ nền kinh tế.
Số liệu báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 1/2025, tổng huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế của toàn hệ thống ngân hàng đạt 14,62 triệu tỷ đồng, giảm 0,75% so với cuối năm 2024.
Trong tháng 1, tiền gửi dân cư vẫn tiếp tục tăng thêm 123 nghìn tỷ đồng (tăng 1,74% so với cuối năm 2024). Tuy nhiên, tiền gửi tổ chức kinh tế giảm mạnh tới 233 nghìn tỷ đồng so với cuối 2024 (giảm 3,04%) đã khiến tổng huy động vốn của ngân hàng sụt giảm.
Trong bối cảnh nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động khiến “dòng tiền” chạy khỏi ngân hàng, tăng trưởng tín dụng lại tăng nhanh. Theo số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tại thời điểm ngày 25/3/2025, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,36%, trong khi tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,49%. Như vậy, thời điểm này, chênh lệch giữa huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng đã lên tới 1,1 triệu tỷ đồng. Còn theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý I/2025, tăng trưởng tín dụng đạt 3,93%, gấp 2,5 lần so với mức 1,42% cùng kỳ năm trước.
Để đủ nguồn lực cung ứng vốn cho nền kinh tế và giảm bớt tình trạng phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, cần có giải pháp tăng cường vốn từ các kênh khác mạnh mẽ hơn, nhất là từ thị trường cổ phiếu và trái phiếu chỉ đóng góp 14% cần khơi thông tăng trưởng nguồn lực vốn này lên 20-30%.
Giải pháp thúc đẩy thị trường vốn
Nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ, với kỳ vọng đạt tăng trưởng ít nhất 8% trong năm 2025 và tạo đà cho mục tiêu tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo. Khối các doanh nghiệp nhỏ và được xác định là lực lượng nòng cốt, góp phần tạo việc làm, thu hút nguồn lực trong dân và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Thị trường vốn có nhiều tín hiệu khởi sắc, song cần giải pháp đồng bộ để vượt qua thách thức, nhất là do “sóng gió” thuế quan, nhằm phát huy vai trò cung ứng vốn trung và dài hạn, giảm dần lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng và thúc đẩy thị trường tài chính phát triển cân bằng.
Thống kê từ nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, tín dụng ngân hàng so với GDP vào cuối năm 2024 ước đạt khoảng 136%, tăng so với mức 130% cuối năm 2023. Năm 2025, với kịch bản cơ sở, tăng trưởng tín dụng được dự báo ở mức 14 - 15%, con số này phản ánh thực tế là lực cầu và khả năng hấp thụ vốn ở một số lĩnh vực vẫn còn yếu, trong đó đáng chú ý là thị trường bất động sản chưa phục hồi mạnh, giá bất động sản vẫn ở mức cao, vượt quá khả năng chi trả của phần lớn người dân.
Nguồn: CTK, NHNN, UBCKNN, tính toán của nhóm nghiên cứu, vốn DNTN được tính toán bằng 10% vốn đăng ký của DN mới thành lập và quay lại hoạt động.
Trong bức tranh cung ứng vốn cho nền kinh tế, thị trường vốn bao gồm cả phát hành trái phiếu doanh nghiệp và phát hành cổ phiếu, mức tăng trưởng đạt 37,6% so với mức tăng 13% của năm 2023, nhằm cung ứng nguồn vốn dài hạn và đa dạng hơn cho nền kinh tế, giúp giảm bớt phụ thuộc vào tín dụng ngắn hạn từ các ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước dự kiến điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả; phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa cũng như các chính sách vĩ mô khác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Với kịch bản cơ sở, dự báo mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng có xu hướng giảm nhẹ, tuy nhiên vẫn neo quanh vùng lãi suất thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước (3,5 - 4,5% với kỳ hạn qua đêm và 1 tuần); lãi suất huy động bình quân sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ; lãi suất cho vay cũng được dự báo đi ngang hoặc giảm nhẹ, khoảng 0,1 - 0,3 điểm %.
Trong bối cảnh kìm giữ không tăng lãi suất huy động, để tăng trưởng cho vay, ngân hàng sẽ phải tăng huy động vốn cổ phần, điều này lại gặp khó khăn, đặc biệt là đối với các ngân hàng nhà nước.
Trong bức tranh cung ứng vốn cho nền kinh tế, thị trường vốn bao gồm cả phát hành trái phiếu doanh nghiệp và phát hành cổ phiếu, mức tăng trưởng đạt 37,6% so với mức tăng 13% của năm 2023, nhằm cung ứng nguồn vốn dài hạn và đa dạng hơn cho nền kinh tế, giúp giảm bớt phụ thuộc vào tín dụng ngắn hạn từ các ngân hàng.
Đáng chú ý, năm 2025 khung pháp lý cho lĩnh vực tài chính được kỳ vọng sẽ có nhiều thay đổi theo hướng tích cực nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển trong bối cảnh mới. Chính sách quản lý tài sản số và tiền kỹ thuật số dự kiến sẽ sớm được ban hành; Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 được sửa đổi theo hướng lấp đầy khoảng trống pháp lý trong xử lý nợ xấu, đặc biệt là sau khi Nghị quyết số 42/2017 của Quốc hội hết hiệu lực.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Cùng với đó, thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng được nâng hạng trong năm 2025, tạo tâm lý tích cực và củng cố niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây cũng là cơ hội để thu hút dòng vốn đầu tư và thúc đẩy các cải cách thị trường. Bên cạnh đó, các xu hướng chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, thực hành các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp tại các tổ chức tài chính và doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế sẽ tiếp tục được thúc đẩy một cách thực chất và bài bản hơn.
Phát triển thị trường tài chính theo hướng cân bằng hơn, giảm bớt áp lực cung ứng vốn trung và dài hạn lên hệ thống ngân hàng cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến phát hành trái phiếu, bao gồm cả thị trường trái phiếu chính phủ, nhằm tạo ra chuẩn mực về lãi suất. Cải thiện cơ sở hạ tầng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm phát triển thị trường thứ cấp tập trung và hệ thống thông tin, dữ liệu về trái phiếu và tài sản đảm bảo./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.