Kĩ năng cơ bản để trẻ “đối phó” với nạn bắt cóc
Ảnh minh họa
Cô Lê Thị Loan (nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục – Học viện Quản lý Giáo dục) chia sẻ : “Đặc điểm tâm lý của các học sinh tiểu học là rất hồn nhiên, ngây thơ và dễ tin người nên người xấu dễ lợi dụng đặc điểm tâm lý đó để đóng giả là người quen của bố mẹ các em để thực hiện hành vi xấu của mình.
Hiện nay trong xã hội của chúng ta có rất nhiều đối tượng xấu nên hơn hết những nhà quản lí giáo dục cũng cần thường xuyên nhắc nhở học sinh của mình không được đi cùng người lạ. Bên cạnh đó, phải có sự kết hợp giữa phụ huynh và nhà trường, với học sinh tiểu học nên đề nghị phụ huynh đưa đón, không để các em tự ý về nhà dễ gây nguy hiểm”.
Cô Lê Thị Loan (nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục – Học viện Quản lý Giáo dục)
Hơn thế, người lớn cần trang bị cho trẻ một số kĩ năng cơ bản như: Kĩ năng phòng vệ cơ thể, phụ huynh nên dạy cho trẻ cách bảo vệ cơ thể, không cho bất cứ ai chạm vào người mình.
Kĩ năng từ chối và phản ứng: Phụ huynh hình thành cho trẻ kĩ năng từ chối và phản ứng lại nếu có người cố tình đưa mình đi đâu đó.
Kĩ năng vận động: Phụ huynh hình thành cho trẻ kĩ năng vận động như chạy nhanh, vùng vẫy, biết cách la hét để nhờ người giải cứu khi ở thế yếu, bị khống chế.
Kĩ năng ghi nhớ: Phụ huy hình thành cho trẻ khả năng ghi nhớ những thông tin cần thiết như số điện thoại của người thân, địa chỉ nhà mình khi cần sự giúp đỡ của người khác… hay ghi nhớ và thuật lại cho phụ huynh nghe về những hành động “không bình thường” của ai đó để bố mẹ có thể hiểu và phân tích các nguy cơ đối với trẻ.
Bên cạnh đó, mỗi người cán bộ trong nhà trường phổ thông phải luôn ý thức được trách nhiệm của mình đối với nhà trường, đối với xã hội trọng công tác giáo dục học sinh.
Cô Nguyễn Thị Thanh Vân – Giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cho hay: “Trong nội dung chương trình giáo dục trẻ em cũng có trang bị kĩ năng đề phòng kẻ xấu cho các bé. Ngoài việc học sinh được học trong trường thì bố mẹ có thể tham khảo các tài liệu về giáo dục kĩ năng sống cho trẻ để đảm bảo an toàn cho các bé: Không tiếp xúc với người lạ, không đi một mình....”
Cũng theo cô Vân, chúng ta nên tạo dựng tình huống bắt cóc thông qua các trò chơi với con nói cho con hiểu, kể một câu chuyện để con chọn các phương án và cách thức giải quyết làm sao để an toàn cho mình. Thậm chí, dạy con cách thức tránh tai nạn rủi ro, giữa bố mẹ và con cũng cần có những giao ước như dặn con chờ ở vị trí nào đó để bố mẹ đón và nếu có người lạ thì không được theo. Hay có mật khẩu với con, phải nói đúng từ theo quy ước mới đi theo./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.