Kinh tế Nga dưới thời ông Putin: Nợ công chỉ 8,4% GDP
Brazil và Nga, hai nước ở vị trí thứ ba và thứ tư các nền kinh tế mới nổi, có chung niềm tự hào về GDP bình quân đầu người khoảng 10.000 USD, phụ thuộc phần lớn vào nguồn tài nguyên thiên nhiên. Khi giá hàng hóa trên thế giới “lao dốc” hồi năm 2014, nền kinh tế của cả hai quốc gia đều bị ảnh hưởng, đồng tiền mất giá. Ngân hàng trung ương của cả Nga và Brazil đã nỗ lực đẩy mức lạm phát xuống mức dưới 3%. Điều đó đã cho phép hai nước cắt giảm lãi suất, góp phần hồi phục nền kinh tế.
Nợ công của Nga chỉ 8,4% GDP, thâm hụt ngân sách chỉ 1,5% GDP |
Tuy cùng chia sẻ các điều kiện kinh tế tương tự, ngày 18/2 vừa qua, xếp hạng tín dụng quốc gia của Brazil đã bị Fitch hạ bậc. Trong khi đó, trái phiếu chính phủ Nga lại được Standard & Poor Global dán nhãn “đầu tư”.
Trái phiếu chính phủ Nga được thăng hạng, trong khi Brazil bị hạ bậc
Dù gặp những khó khăn khi bị lôi kéo vào hai cuộc chiến tranh và bị trừng phạt kinh tế bởi Mỹ, nhưng việc Nga thăng hạng tín dụng không quá khó hiểu. Cách giải quyết các vấn đề kinh tế vĩ mô của nước này vẫn theo chủ nghĩa bảo thủ. Trên thực tế, đối với một quốc gia có quan điểm địa chính trị như Nga, bảo thủ trong kinh tế lại là cần thiết.
Oleg Kouzmin, nhà kinh tế học chuyên về Nga và các nước CIS của ngân hàng đầu tư Renaissance Capital, nói: "Chính sách kinh tế của Nga là tập trung vào việc giữ lạm phát thấp, đảm bảo ngân sách ổn định, và tăng lượng dự trữ”. Đây là một chiến lược mang tính "phòng thủ", theo Timothy Ash của BlueBay Asset Management, được thiết kế để giúp Nga xử lý các lệnh trừng phạt khác trong tương lai và xây dựng hàng phòng thủ chống lại phương Tây.
Khi giá dầu sụt giảm vào năm 2014, Nga nhận thấy đã đến lúc cần “thắt lưng buộc bụng”, để cho đồng rúp rớt giá. Chính phủ của ông Putin giảm cầu bằng cách nâng lãi suất và cắt giảm chi tiêu công. Từ năm 2013 đến năm 2016, GDP đầu người đã giảm hơn 40%, tính theo đồng USD. “Cách phản ứng của Nga đối với suy thoái hiệu quả hơn bất kì thị trường mới nổi nào trong thập kỷ này”, ông Kouzmin nói.
Thâm hụt ngân sách chính phủ hiện nay dừng ở mức 1,5% GDP. Nợ công chiếm 8,4% GDP. Và chính phủ có thể vẫn sẽ tiếp tục duy trì đường lối bảo thủ này trong thời kì tới. Chính sách mới nhất của Nga đòi hỏi phải giả định giá dầu là 40 USD/thùng, mặc dù giá dầu Urals bây giờ đã lên tới hơn 64 USD/thùng.
Brazil cũng cố gắng thắt chặt vấn đền nợ công, nhưng dường như các nhà lập pháp đang lúng túng. Ngược lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin lại làm rất tốt trong việc đưa ra các quyết sách đúng đắn. Tính tự vệ cao của nền kinh tế là yếu tố chính giúp nâng hạng tín dụng cho nước Nga, tuy nhiên, nó vẫn có “tác dụng phụ” không mong muốn: tăng trưởng bong bóng.
“Chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng hơn sẽ giúp cho nền kinh tế có không gian để phát triển. Một bảng cân đối đẹp có ý nghĩa gì nếu kinh tế không thể phát triển thêm?", dẫn lời Timothy Ash.
Nhiệm kỳ của Tổng thống Putin chuẩn bị kết thúc trong năm 2018, và điều này có khả năng làm gián đoạn những cải cách mà nước Nga đang cần. Nếu mục tiêu là tăng trưởng, nhà nước cần phải phê duyệt các khoản đầu tư mới, bao gồm cả từ nước ngoài. Thực tế, các doanh nghiệp đều nhận thức được rằng họ chỉ có thể phát triển thịnh vượng khi có một chính quyền tốt.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.