Ký ức hào hùng của người thương binh đất mỏ nay đã ngoài 80
Cựu chiến binh Trịnh Xuân Đối (bên phải) đang ôn lại kí ức chiến tranh cùng đồng đội.
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, người "Dũng sĩ diệt Mỹ" năm xưa nay đã bước qua tuổi 80, mỗi khi trái gió, trở trời vết thương tái phát, nên sức khỏe có phần yếu hơn. Tuy vậy, tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ tại phường Cẩm Tây, thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh), những kí ức về một thời "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" vẫn còn in đậm trong tâm trí của cựu chiến binh Trịnh Xuân Đối. Sự hi sinh của đồng đội cùng với tiếng bom đạn nơi chiến trường lúc nào cũng hiện ra trước mắt ông như một cuốn phim tài liệu lịch sử.
Vốn là người gốc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, năm 1959, ông Trịnh Xuân Đối tham gia nghĩa vụ quân sự. Do yêu cầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội tại miền Bắc, năm 1961, ông được đơn vị cho chuyển ngành làm thợ lò tại Mỏ than Thống Nhất (nay là Công ty than Thống Nhất, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam). Cũng từ đó, cuộc sống và sự nghiệp của ông bắt đầu gắn bó với vùng đất mỏ Quảng Ninh. Năm 1967, trước yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông cùng những người thợ mỏ tại Cẩm Phả viết đơn tình nguyện nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn 386, Binh đoàn Than. Ra chiến trường đúng vào giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh, ông Đối và những người lính vùng mỏ đã tham gia chiến đấu và lập nhiều chiến công trong các trận đánh lớn như cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 tại Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế hay chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh...
Năm 1969, đơn vị của ông được điều động tăng cường lực lượng cho Quân đoàn 3 tại Long An. Vừa bị quân ta giáng cho những đòn chí mạng năm 1968; từ giữa năm 1969, Mỹ và chính quyền Sài Gòn tăng cường càn quét, hòng tiêu diệt lực lượng của ta tại vùng cửa ngõ Sài Gòn mà Long An là một trong những trọng điểm. Đây cũng là nơi ghi dấu lần đầu tiên ông được phong tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ".
Ông Trịnh Xuân Đối nhớ lại: Tiểu đoàn 386 được giao nhiệm vụ trực chiến tại xã Nhật Linh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Hôm đó là khoảng 15h00, ngày 20/8/1969, ông Đối được đại đội trưởng giao nhiệm vụ trinh sát, cảnh giới. Mang theo khẩu súng AK47, ông tới một cánh đồng lúa cách đơn vị hơn 200m để ngồi gác. Vừa được 05 phút, thì một tốp biệt kích Mỹ đổ bộ từ trực thăng càn tới. Trước tình thế giặc đang tiến đến gần, ông Đối buộc phải lựa chọn, nếu chạy về báo đơn vị thì sẽ bị địch phát hiện, cả ông và đồng đội có nguy cơ bị địch tiêu diệt và bao vây. Phương án thứ hai là một mình chiến đấu, phải thật chính xác, nhanh gọn, tiêu diệt và vô hiệu hóa toàn bộ nhóm biệt kích kia. Sau vài giây suy nghĩ, ông Đối chọn phương án hai. Ông nằm áp sát người xuống ụ đất, cố nấp sau lúa và cỏ để lính Mỹ không phát hiện ra mình. Nghĩ đến sau lưng mình là tính mạng và sự an toàn của cả đại đội, ông dồn mọi trí lực tập trung vào đôi mắt và bàn tay. Ngắm thật chuẩn và giữ súng thật chắc, chờ quân địch di chuyển tới tầm bắn hiệu quả, ông Đối nổ súng. Sau tiếng nổ vang trời loạt đạn AK, toàn bộ tốp lính Mỹ bị vô hiệu hóa. Tên bị tiêu diệt tại chỗ, tên bị thương nặng nằm la liệt trên mặt đất. Dù là người ngắm bắn, có thể dự báo trước hiệu quả chiến đấu nhưng ông Đối vẫn không dám tin vào điều mình vừa làm được. Nghe thấy tiếng súng, cả đại đội cũng lao nhanh ra. Nhìn thấy ông Đối và tốp biệt kích Mỹ, toàn đơn vị vỡ òa. Đồng chí đại đội trưởng như nghẹn lại, ôm chầm lấy ông, không biết nói gì hơn ngoài hai từ "Giỏi lắm! Giỏi lắm!". Với chiến công vang dội của mình, một tuần sau, ông Trịnh Xuân Đối được cấp trên phong tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ".
Nối tiếp thành tích đó, cho tới ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ông Đối còn dũng cảm cùng đồng đội chiến đấu và có thêm 3 lần được phong tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ" và 7 lần được nhận Huân chương Chiến công, Chiến Sĩ Giải Phóng, Huân Chương chống Mỹ cứu nước các hạng Nhất, Nhì, Ba.
Năm 1975, khi tham gia tham gia cánh quân đánh vào phía nam Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Đối bị thương và được phục viên trở về Cẩm Phả, tiếp tục công tác tại Phòng Hành chính - Quản trị, Mỏ than Thống Nhất. Năm 1990, ông Đối nghỉ hưu. Sau đó, ông được nhân dân địa phương tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Cẩm Tây từ năm 1993 đến 2008.
Dù là người lính trên chiến trường, rồi người thợ mỏ hay khi đã về nghỉ hưu, trên bất cứ cương vị nào cựu chiến binh, thương binh hạng 2/4 Trịnh Xuân Đối luôn phát huy truyền thống anh hùng của người chiến sĩ Binh Đoàn Than và phẩm chất cao đẹp "Bộ đội Cụ Hồ". Những chiến công và việc làm của ông là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.