Ký ức về “ông Ké” ở Tân Trào
Hỏi thăm gia đình cụ Hoàng Ngọc, chúng tôi được một thôn nữ dẫn đến tận nhà. Hình ảnh đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là một cụ ông râu tóc bạc trắng, mặc bộ trang phục truyền thống dân tộc Tày vừa lật qua, lật lại cuốn sổ nhỏ, vừa say sưa đọc những vần thơ do mình sáng tác khi còn trong quân ngũ.
Cụ Hoàng Ngọc kể chuyện Bác Hồ ở Tân Trào với các phóng viên.
Cụ Hoàng Ngọc năm nay 83 tuổi, nhưng ánh mắt vẫn tinh nhanh, giọng nói sang sảng cùng trí nhớ mẫn tiệp. Nghe chúng tôi trình bày mong muốn được tìm hiểu những câu chuyện về Bác Hồ và đồng chí Võ Nguyên Giáp, đôi mắt cụ Ngọc sáng lên lấp lánh. Cụ nhanh chóng mở tủ, lấy ra chiếc áo bộ đội đã ngả màu, đính đầy huân, huy chương trước ngực, cụ cười hóm hỉnh nói: “Mình được tiếp nhiều phóng viên lắm. Đã lên hình thì phải ăn mặc cho đàng hoàng các cháu ạ”.
Là người con của Tân Trào, cụ Hoàng Ngọc cũng như bà con các dân tộc nơi đây vô cùng tự hào khi được Bác Hồ, đồng chí Võ Nguyên Giáp và các bậc tiền bối cách mạng chọn quê hương làm “Thủ đô kháng chiến”, đặc biệt là được Bác Hồ đến ở và làm việc trong thời gian gần một tuần. Khi được hỏi về kỷ niệm sâu sắc nhất mỗi lần gặp Bác, cụ Ngọc tự hào kể: “Thân sinh tôi là cụ Hoàng Trung Nguyên, chiến sĩ liên lạc đặc biệt cho Bác Hồ và Trung ương Đảng. Ngày Bác về Tân Trào, tôi mới 9 tuổi. Ngày đó, tôi có tham gia Đội Nhi đồng cứu quốc, được giao nhiệm vụ vừa chăn trâu, cắt cỏ, vừa kịp thời mật báo cho cán bộ khi phát hiện thấy người lạ vào làng. Có lúc thì tôi báo cho bố, lúc thì báo trực tiếp cho bác Võ Nguyên Giáp”.
Nhắc đến hôm được gặp Bác Hồ lần đầu tiên, những nếp nhăn trên gương mặt của cụ Hoàng Ngọc như giãn ra: “Hôm ấy, khoảng 6 giờ tối, có một ông già bước đi nhanh nhẹn cùng đoàn người men theo đường bờ ruộng, qua lối đường tắt đi thẳng vào nhà tôi. Lúc đó, bọn trẻ chúng tôi không biết họ là ai, chỉ thấy mọi người gọi ông cụ ấy là “đồng chí già”.
Cụ Hoàng Ngọc kể tiếp: "Theo phong tục của người dân tộc Tày, thường có một chậu nước đặt dưới chân cầu thang nhà sàn để khách rửa chân trước khi bước lên nhà. Khi đó, tôi và anh Khoái, hàng xóm liền kề nhà tôi đang chơi ở sân, thấy ai cũng rửa chân sạch sẽ rồi mới bước lên nhà, chỉ riêng ông cụ già nhất, mặc bộ quần áo chàm giản dị là chưa vội rửa chân mà bước thẳng đến chỗ hai anh em chúng tôi đang chơi quay, thân mật hỏi: “Hai cháu có đi học không? Học lớp mấy?”. Tôi trả lời: “Dạ, chưa ạ, chúng cháu cũng muốn đi học, nhưng không có trường lớp, không có ai dạy học ạ”. Ông cụ lại nói: “Sau này có trường, có lớp, các cháu phải đi học đầy đủ đấy nhé”. Nói xong, cụ già mới rửa chân và bước lên nhà. Những ngày sau đó, mọi người trong thôn thường gọi cụ là "ông Ké", cho đến mãi sau này người dân ở Tân Trào mới biết đó là Bác Hồ. Khi ấy, ai cũng xúc động, nhớ thương Bác!".
Nhấp ngụm nước chè vườn nhà, vuốt bộ râu bạc phơ, giọng cụ Hoàng Ngọc ấm áp: “Nhớ một lần tôi và anh Khoái được Bác Hồ gọi lại cho kẹo, nhưng loay hoay mãi cả hai đứa không sao mở được nắp hộp. Thấy thế, Bác ân cần hướng dẫn. Bác lật cái hộp lên, bẻ quặt thanh sắt dưới đáy hộp, gài vào cái núm ở trên miệng hộp rồi quay quay vài vòng, hộp kẹo từ từ mở ra. Bác mỉm cười: “Đấy, cách mở là như thế này. Lần sau cứ làm thế nhé”. Những ngày sau đó, cậu bé Ngọc còn nhiều lần được gặp Bác Hồ. Đến giờ, cụ Ngọc vẫn nhớ như in từng cử chỉ ân cần, lời căn dặn, chỉ bảo của Bác về trách nhiệm, công việc của các cháu thiếu nhi, về lòng yêu nước...
Sau một hồi kể chuyện, cụ Ngọc trầm ngâm đọc cho chúng tôi nghe những vần thơ mộc mạc cụ viết về Bác Hồ kính yêu, trong đó có đoạn: Cụ già kể chuyện Bác Hồ/Ơn Người điện sáng thủ đô Tân Trào. Cụ bảo, nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ, nhân dân ta mới có cuộc sống đầy đủ như hôm nay, có điện kéo về các bản làng xa xôi; các cháu nhỏ được học hành, người dân đau ốm được chữa bệnh.
Nhìn vào đôi mắt rưng rưng xúc động của cụ Ngọc, chúng tôi hiểu rằng cụ đang nhớ thương Bác khôn nguôi. Cụ Ngọc cũng cho biết, hằng ngày, những lúc rảnh rỗi, cụ lại kể cho các con, các cháu và thanh niên trong thôn, trong xã nghe câu chuyện Bác Hồ từng ở và làm việc ở thôn Tân Lập... Người dân trong thôn luôn nguyện phấn đấu, học tập theo tấm gương sáng ngời của Bác, giữ gìn lâu dài ngôi nhà Bác và các đồng chí Trung ương từng ở và làm việc, để điểm di tích thiêng liêng này mãi mãi là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho muôn đời sau.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.