Kỳ vọng thị trường chứng khoán năm 2019 tăng trưởng song hành cùng nền kinh tế Việt Nam
Các thương vụ bán vốn tỷ đô
Trong năm 2018, VN-Index chỉ số giá chứng khoán chính của thị trường từng lập đỉnh cao mới trong lịch sử ở mức 1.211 điểm (ngày 10/4/2018), nhưng sau đó lại có quá trình sụt giảm mạnh 27% xuống đáy 888 điểm (ngày 30/10/2018). Từ tháng 6 đến cuối năm, thị trường trở về trạng thái giao dịch “ổn định” hơn theo hướng đi ngang, trái với dự báo sẽ giảm sâu của giới phân tích.
Đà rơi của chỉ số này dường như vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại cho đến những ngày cuối cùng của năm 2018. Thay vì được dự báo sẽ trở lại mốc 1.000 điểm của đầu năm, VN-Index thực tế đang giằng co quanh ngưỡng 900 điểm và mất gần 10% so với thời điểm cuối năm 2017. Sự “lạc nhịp” của TTCK trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất 10 năm, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan như: tình trạng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như xu hướng tăng tốc bình thường hóa lãi suất của ngân hàng Trung ương trên toàn cầu.
TTCK Việt biến động rất mạnh từ đầu năm 2018 đến nay (Nguồn: VNDirect) |
Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam giữ đà tăng trưởng cao và nội lực các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục được củng cố khi khối doanh nghiệp này dự kiến sẽ tăng trưởng trên 20% năm 2018. Đây là những yếu tố nền tảng để giới đầu tư kỳ vọng năm 2019 TTCK Việt Nam sẽ trở lại nhịp tăng trưởng song hành cùng nền kinh tế Việt Nam.
Cùng với những biến động của thị trường cơ sở, TTCK phái sinh có một năm “bùng nổ” và nhanh chóng được một bộ phận nhà đầu tư sự dụng như một công cụ phòng vệ hữu hiệu. Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh của phái sinh trong năm 2018 đã có lúc khiến cho nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về vai trò và sự tồn tại của thị trường mới này.
Kinh nghiệp quốc tế đã chứng minh, một khi thị trường cơ sở giảm mà thanh khoản trên TTCK phái sinh cũng giảm chứng tỏ nhà đầu tư không tin chứng khoán phái sinh là công cụ phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, điều này đã không diễn ra trên TTCK phái sinh Việt Nam thời gian qua và thực tế đã chứng minh điều ngược lại.
Bắt đầu giao dịch từ ngày 10/8/2017, chỉ sau hơn một năm đi vào hoạt động, TTCK phái sinh đã đạt mức tăng trưởng vượt bậc về quy mô. Kết thúc năm 2017, giá trị giao dịch danh nghĩa của thị trường phái sinh chỉ ghi nhận mức kỷ lục 2.500 tỷ đồng/phiên nhưng đến tháng 10/2018 đã đạt kỷ lục gần 17.000 tỷ đồng/phiên. Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh tăng gấp 2,2 lần so với cuối năm 2017.
Bên cạnh những kết quả đạt được, TTCK phái sinh vẫn còn một số hạn chế nhất định về sản phẩm, cơ sở nhà đầu tư… Thị trường hiện mới chỉ có sản phẩm Hợp đồng tương lai chỉ số được đưa vào giao dịch. Số nhà đầu tư tham gia thị trường khá lớn nhưng chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân (chiếm hơn 97%), số lượng nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường còn rất ít, mới chỉ có 98 nhà đầu tư (trong đó tổ chức trong nước 88 và tổ chức nước ngoài là 10), trong khi các thị trường phát triển nhà đầu tư tổ chức đóng vai trò chủ đạo. Một số cơ chế về giá dịch vụ, chế độ kế toán cho thị trường đang tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Ngay cả công tác giám sát giao dịch chứng khoán phái sinh cần được tiếp tục đổi mới nâng cao tính hiệu quả trong giai đoạn phát triển mới.
Năm qua, chứng kiến các thương vụ bán cổ phần đặc biệt lớn. Khởi đầu là thương vụ bán hơn 164 triệu cổ phiếu của Techcombank, tương đương 14% vốn điều lệ ngân hàng cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, trị giá 922 triệu USD.
Thương vụ tỷ đô lớn nhất được nhắc tới trong năm 2018 là thương vụ của Vinhomes. Ngay sau khi cổ phiếu VHM của Vinhomes chào sàn hôm 17/5, các nhà đầu tư nước ngoài đã chi 1,35 tỷ USD để nắm giữ cổ phiếu VHM, tạo nên phiên giao dịch có trị giá trên 1 tỷ USD đầu tiên trong gần 20 năm phát triển TTCK.
Liên quan đến hoạt động bán vốn nhà nước, trong năm 2018 có những thương vụ thoái vốn ấn tượng nhất là bán 78,99% vốn điều lệ tại Vinaconex (SCIC bán 57,71% và Viettel bán 21,28%) diễn ra chiều ngày 22/11 tại Sở GDCK Hà Nội (HXN). Với việc đấu giá thành công này, Nhà nước (thông qua 2 đại diện chủ sở hữu là SCIC và Viettel) đã thu về hơn 9.369 tỷ đồng. Trước đó, đầu năm 2018, có các thương vụ IPO Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) trị giá 5.500 tỷ đồng. Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (PVOil) 4.100 nghìn tỷ đồng, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) 7.000 tỷ đồng.
Cùng với các thương vụ bán vốn lớn trong năm 2018, sức hút của doanh nghiệp tỷ đô trên sàn chứng khoán đã góp phần quan trọng trong việc “níu chân” dòng vốn ngoại.
HDB, VHM, TCB, TPB đã làm dài thêm danh sách 30 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa đat mức tỷ USD. Vốn hóa thị trường cổ phiếu đã tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay, đạt giá trị 4.090 nghìn tỷ đồng, tương đương 81,7% GDP năm 2017. Việc xuất hiện những cổ phiếu lớn trên sàn chứng khoán đã nhận được sự hưởng ứng của các nhà đầu tư ngoại với giá trị vào ròng năm 2018 đạt 2,89 tỷ USD, tăng 0,59 tỷ USD (trong vòng 4 tháng), xấp xỉ bằng mức vào ròng của cả năm 2017 (2,92 tỷ USD).
Khi lãi suất kho bạc Mỹ tăng cao vào tháng 9, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã rút vốn và rút nhiều ra khỏi thị trường châu Á. Trong bối cảnh làn sóng rút vốn như vậy, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn giữ được mức tăng nhất định.
Thống kê của UBCK Nhà nước cho thấy, tính từ đầu năm đến đầu tháng 12/2018, dòng vốn vào ròng ước đạt hơn 2,8 tỷ USD, xấp xỉ bằng mức vào ròng của cả năm 2017 (2,92 tỷ USD). Con số này là khả quan nếu so sánh với tình hình dòng vốn rút mạnh khỏi các thị trường mới nổi thời gian gần đây (tính từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng từ 7 thị trường châu Á gồm Hàn Quốc, Thái Lan, Indonsia, Philippines, Ấn Độ, Đài Loan, Malaysia với tổng giá trị hơn 27,34 tỷ USD).
Trong 9 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi những yếu tố bất ổn từ tình hình chính trị kinh tế thế giới, trong đó là cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng. |
Những doanh nghiệp tỷ đô và những cơ hội từ cổ phần hóa và thoái vốn lớn trong năm 2018 đã trở thành một phần quan trọng trong lộ trình hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng của TTCK Việt Nam. Năm 2018, một dấu ấn vui của TTCK Việt Nam là Tổ chức tính toán chỉ số chứng khoán toàn cầu (FTSE) đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, do Việt Nam đã thỏa mãn 8 trong 9 điều kiện tiên quyết để được nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 và chỉ còn 1 điều kiện duy nhất còn chưa được thỏa mãn là thanh toán bù trừ. Sau khi được vào danh sách theo dõi nâng hạng trong kỳ phân loại tháng 9/2018 và có những sự cải thiện cần thiết để thỏa mãn tiêu chí cuối cùng này, Việt Nam có thể sẽ chính thức được nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 vào kỳ báo cáo thường niên tháng 9/2019. Việc lọt vào danh sách này cho thấy TTCK Việt Nam đã đạt đến tiêu chuẩn quốc tế. Đây là ghi nhận đối với những cải tiến và phát triển thị trường trong một thời gian dài. Hiện tại, thế giới đang dùng các chỉ số của FTSE Russell làm chuẩn để các quỹ đầu tư giao dịch với tổng tài sản quản lý 10 nghìn tỷ USD và khu vực châu Á chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm qua.
Hoàn thiện Luật Chứng khoán năm 2019
Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) được kỳ vọng khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 10 năm thi hành Luật Chứng khoán và bảo đảm thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan, đặc biệt Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Khi Luật Chứng khoán sửa đổi được ban hành và có hiệu lực thực tiễn, kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ có thêm một bước chuyển thực sự về cả số lượng lẫn chất lượng. Cũng trong năm mới, sau khi Đề án Tái cấu trúc thị trường và Đề án Thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam được Chính phủ thông qua, ngành chứng khoán sẽ tập trung triển khai thực hiện nhằm đem lại kết quả cao nhất. Bên cạnh đó, trong tương lai gần, trong đầu năm 2019, dự kiến sẽ khai trương hai sản phẩm mới là chứng quyền có bảo đảm và Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ. Đến nửa cuối năm 2019, phấn đấu hoàn thành để đưa thêm sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số mới do HNX xây dựng.
Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cũng đặt ra những tiêu chí cao hơn cho các thành viên tham gia thị trường; khuyến khích và nâng cao chất lượng quản trị công ty, công bố thông tin theo hướng tiếp cận với thông lệ quốc tế… Dự án Luật dự kiến tăng thêm thẩm quyền thanh tra, xử phạt cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; xây dựng nền tảng pháp lý cụ thể hơn về thị trường giao dịch của công ty đại chúng, định hình việc hợp nhất 2 Sở GDCK và thành lập Quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.